Đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama có vẻ như rất hài hước khi nhìn về tương lai của mình, sau khi phải rời khỏi Nhà Trắng. Tiếp xúc với báo giới mới đây, ông đã tuyên bố: “Sau 7 tháng nữa tôi sẽ tới sở giao dịch việc làm và tôi rất vui khi được tới đó. Tôi hay vào mạng Linkedln và tôi sẽ thử xem có thể tìm được chỗ làm nào qua nó…”
Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Ảnh: AFP).
Mỗi một nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ kéo dài 4 năm. Từ năm 1951 bắt đầu có hiệu lực quy định về việc các Tổng thống Mỹ không được ngồi trong Nhà Trắng quá hai nhiệm kỳ. Nếu một chính trị gia nào từng làm chủ Nhà Trắng mới chỉ một nhiệm kỳ và thất cử trong các kỳ bầu cử sau thì không ai có thể cầm ông ta tham gia tranh cử Tổng thống trong tương lai. Thi thoảng, những nỗ lực như thế cũng đã mang lại thành công, như trong trường hợp của ông Grover Cleveland (1837-1908). Ông này từng đắc cử lần đầu năm 1884 và trở thành vị Tổng thống thứ 22 là Benjamin Harrison (1833-1901) của nước Mỹ. Tuy nhiên, tới năm 1888, ông đã bị thất bại trong các nỗ lực tranh cử và phải nhường Nhà trắng cho vị Tổng thống thứ 23 là Benjamin Harrison. Ấy vậy mà tới năm 1892, Cleveland đã vượt lên trên đối thủ của mình và lại trở về Nhà Trắng làm Tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa (tới năm 1897)…
Theo truyền thống, các cựu Tổng thống thường thực hiện các nhiệm vụ “tế nhị” mà đương kim chủ nhân ông ở Nhà Trắng nhờ cậy, như làm cố vấn hay trung gian hòa giải trong các công vụ ngoại giao. Thí dụ, cựu Tổng thống Herbert Hoover (1878-1964) khi đã về vườn rồi đã trở thành người lãnh đạo hàng loạt các chương trình quốc gia của Hoa Kỳ về trợ giúp lương thực thực phẩm cho châu Âu. Rồi ông còn làm Chủ tịch Uỷ ban của Quốc hội Mỹ với nhiệm vụ hoàn thiện cơ cấu các cơ quan thuộc hệ thống hành pháp… Cựu Tổng thống Carter cũng đã không chỉ một lần thực hiện các nhiệm vụ ngoại giao không đơn giản: năm 1994, ông đã rất tích cực tham gia vào việc tháo gỡ cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và đã góp phần hòa giải thành công các phe nhóm đối địch nhau trên đảo quốc Haiti…
Đôi khi cũng có những cựu Tổng thống sau khi rời khỏi chức vụ rồi vẫn đạt được những thành tựu nổi bật trong hoạt động chính trị. Vị Tổng thống thứ sáu John Quincy Adams (1767-1848) sau khi thôi làm nguyên thủ quốc gia hai năm đã được bầu vào Hạ viện Hoa Kỳ và làm việc ở đó thêm 17 năm nữa (ông thậm chí còn trút hơi thở cuối cùng ở trên đồi Capitol). Trên cương vị hạ nghị sĩ, vị cựu Tổng thống này còn được đặt cho biệt danh “nhà hùng biện lão thành”… Người kế nhiệm ông, cựu Tổng thống thứ 7 Andrew Johnson (1767-1845) sau khi rời khỏi ghế Tổng thống năm 1837 sau hai nhiệm kỳ cầm quyền liên tục đã giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử vào Thượng viện Hoa Kỳ năm 1875. Tuy nhiên, do bệnh tật nên ông đã qua đời ngay từ khi chưa kịp tham gia phiên họp đầu tiên với tư cách thượng nghị sĩ.
Vị Tổng thống thứ 27 William Howard Taft (1857-1930) sau khi thất bại trong những nỗ lực tái tranh cử năm 1912 đã từ bỏ chính trường để quay về với môn luật học. Và ông đã trở thành vị giáo sư khả kính của khoa Luật của Đại học Yale lừng danh, nơi ông từng tốt nghiệp với số điểm cao thứ hai trong số 132 sinh viên năm 1878. Trong thời gian giảng dạy ở Đại học Yale, ông Taft đã hoàn thành một số công trình nghiên cứu có giá trị về luật nhà nước. Năm 1921, ông được Tổng thống lúc đó là ông Warren Harding (1865-1923) bổ nhiệm làm Chánh án Tối cao (trong lịch sử nước Mỹ, ông Taft là người duy nhất từng được đảm nhận cả chức Tổng thống và chức Chánh án Tối cao). Mãi tới tháng 2/1930, ông Taft mới xin từ chức Chánh án Tối cao vì lý do sức khoẻ.
Vị Tổng thống thứ 39 Carter sau khi rời khỏi Nhà Trắng đã rất tích cực tham gia vào các hoạt động nhân đạo trên trường quốc tế. Năm 2002, ông Carter đã được trao giải Nobel về hòa bình (ông là vị Tổng thống thứ ba và là vị cựu Tổng thống đầu tiên ở Mỹ được nhận vinh dự này). Còn ông Geore Bush (cha) mặc dù đã rời khỏi Nhà Trắng từ năm 1993 nhưng vẫn rất tích cực giúp đỡ các con trai mình trong các nỗ lực tham chính. Tuy nhiên, cũng có điều đáng tiếc là người con trai thứ của ông, cựu Thống đốc bang Florida Jeb Bush trong cuộc chạy đua và Nhà Trắng năm nay đã phải sớm bỏ cuộc trước một ứng cử viên đầy năng nổ trong các cuộc đua ở nội bộ đảng Cộng hòa như tỉ phú Donald Trump….
Cũng có những cựu Tổng thống Mỹ khi về vườn lại ăn nên làm ra đáng kể trong kinh doanh. Ông Benjamin chẳng hạn, sau khi rời khỏi Nhà Trắng năm 1892 đã lập ra một công ty luật, chỉ sau vài ba năm đã trở thành một “máy in tiền” cho chủ nhân của nó.
Thông thường, những hoạt động mang tính truyền thống nhất của các cựu Tổng thống Mỹ khi đã về vườn là công tác từ thiện, hoạt động xã hội và viết sách. Vị Tổng thống thứ ba Thomas Jeffeson (1743-1826) sau khi rời Washington đã về quê lập ra trường Đại học Tổng hợp bang Virginia tại Charlottesville, mở cửa vào năm 1825. Đây là công trình mà ông tâm huyết đến mức đích thân thiết kế các tòa nhà trong khuôn viên của trường, phác thảo chương trình học, tự lựa chọn đội ngũ giảng viên và… giữ chức hiệu trưởng. Chính ông Jeffeson đã có sáng kiến đưa ra chương trình học không bắt buộc để sinh viên có quyền lựa chọn học những gì họ thích và không phải bận tâm tới những kiến thức mà họ không hứng thú…
Có khoảng một phần tư số cựu Tổng thống Mỹ đã cho công bố hồi ký sau khi về vườn. Một vài người trong số họ còn rất thành công trên cương vị ký giả. Thí dụ như vị Tổng thống thứ 30 Calvin Coolidge (1872-1939) sau khi rời Nhà Trắng đã là một bình luận viên chính trị rất có uy tín. Vị cựu Tổng thống 33 Hary Truman (1884-1972) sau khi về hưu đã không chỉ viết sách (“Năm của những quyết định”, “Những năm tháng xét xử và hy vọng”, “Người công dân”) mà còn xuất hiện với tư cách tác gia của nhiều bài bình luận thời cuộc. Người kế nhiệm ông trong hai nhiệm kỳ từ năm 1953 tới năm 1961, tướng Dwight Eisenhower (1890-1969), ngoài những tập sách như “Những năm ở Nhà Trắng 1953-1956: Buộc phải thay đổi” (1965), “Hòa bình đánh đổ, 1951-1961” (1966), “Những chuyện tôi kể cho bạn bè nghe khi tôi thoải mái” (1967)… cũng đã viết rất nhiều bài báo được dư luận chú ý về các chủ đề quân sự và chính trị. Đến như vị Tổng thống thứ 37 đầy tai tiếng bởi vụ Watergate, Richard Nixon (1913-1994) sau khi rời Nhà Trắng cũng đã bỏ công ra viết không chỉ một cuốn sách, trong đó có cả sách về chiến tranh Việt Nam mà ông ta là một trong những chính trị gia dính líu sâu sắc nhất.
Còn ông Carter đã là cựu Tổng thống Mỹ đầu tiên xuất bản một tác phẩm văn học thực sự: năm 2003, ông đã cho in tiểu thuyết lịch sử “The Hornet’s Nest” viết về cuộc cách mạng Mỹ. Trước đó, ông cũng đã cho in hai cuốn hồi ký và nhiều tập sách chính trị khác (hơn 20 chục cuốn, cuốn gần đây nhất có tựa đề “Palestine: Hòa bình chứ không phải phân biệt sắc tộc”)… Ông Clinton với tập hồi ký “Cuộc đời tôi” in năm 2004 đã trở thành một hiện tượng khá nổi bật trên thị trường sách thế giới. Ông Clinton cũng là người kiếm được rất nhiều tiền nhờ đi diễn thuyết. Khi mới rời khỏi Nhà Trắng, ông Clinton còn mắc nợ tới gần 12 triệu USD. Và thế là ông buộc phải đi “du diễn” ở khắp nơi để có thêm nguồn thu nhập ngoài lương hưu dành cho các cựu Tổng thống. Có năm, ông Clinton đi diễn thuyết tới 352 lần để lấy tiền. Một bận tại Canada, chỉ với hai bài diễn thuyết, ông Clinton đã nhận được tới 474 nghìn USD một ngày, tức là gấp đôi lương cả năm của Tổng thống Mỹ…
Mùa xuân năm 1989, cựu Tổng thống Reagan đã thực hiện một chuyến “du diễn” (hai bài phát biểu, có mặt trong một số buổi tiệc tùng) vòng quanh Nhật Bản theo lời mời của tập đoàn Fujisankei Communications Group với giá… 2 triệu USD. Không nhiều nhưng số tiền này còn hơn tổng số lương mà ông Reagan nhận được trong hai nhiệm kỳ ngồi trong Nhà Trắng! |
Những người tiền nhiệm của ông Clinton chỉ có mức thu nhập khiêm tốn nhờ diễn thuyết. Mùa xuân năm 1989, cựu Tổng thống Reagan đã thực hiện một chuyến “du diễn” (hai bài phát biểu, có mặt trong một số buổi tiệc tùng) vòng quanh Nhật Bản theo lời mời của tập đoàn Fujisankei Communications Group với giá... 2 triệu USD. Không nhiều nhưng số tiền này còn hơn tổng số lương mà ông Reagan nhận được trong hai nhiệm kỳ ngồi trong Nhà Trắng!
Năm 1998, cựu Tổng thống Bush (cha) cũng đã từng sang Nhật để diễn thuyết lấy tiền: ông đọc một bài phát biểu nhân danh công ty Global Crossing mới được thành lập và đã yêu cầu công ty này thanh toán cho mình không phải bằng 80 nghìn USD tiền mặt mà bằng cổ phiếu. Sau hai năm, ông Bush (cha) đã bán số cổ phiếu đó đi với giá hơn 4,5 triệu USD! Một điều trớ trêu là chỉ hai năm sau đó, năm 2002, công ty trên đã bị phá sản!
Cũng có những cựu Tổng thống Mỹ khi về vườn bị lâm vào tình trạng quả chanh bị vắt kiệt. Vị Tổng thống thứ 40, cựu minh tinh màn bạc Ronald Reagan (1911-2004) sau hai nhiệm kỳ làm chủ Nhà Trắng đã hoàn toàn kiệt lực vì căn bệnh quái ác Alzheimer. Vị Tổng thống thứ 14 Franklin Pierce (1804-1869) sau khi rời khỏi Nhà Trắng đã bị lâm vào những cơn khủng hoảng tinh thần triền miên và rốt cuộc là trở thành sâu rượu. Người kế nhiệm của ông, vị Tổng thống thứ 15 James Buchanan (1791-1868) sau khi rời Nhà Trắng ở tuổi “cổ lai hy” (năm 1861) cũng bị lâm vào tình trạng tương tự như ông Pierce…