Theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta không đánh đổi về môi trường để phát triển kinh tế mà sự phát triển kinh tế đi đôi với việc bảo vệ môi trường, kiên quyết nói không với dự án kinh tế gây ô nhiễm môi trường, đó là cách phát triển kinh tế bền vững.
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực phát biểu tại hội nghị.
Thực hiện Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường với các tôn giáo về bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), ngày 31/5, tại TP HCM, Ban Chỉ đạo Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH (Ban Chỉ đạo) tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động năm 2017 và 5 tháng đầu năm 2018, đồng thời thống nhất kế hoạch hoạt động năm 2018.
Dự Hội nghị có ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo; ông Knut Christiansen, Giám đốc Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NCA Việt Nam); ông Trần Tấn Hùng, Phó Ban Tôn giáo Chính phủ; đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện các tôn giáo cả nước.
Theo Ban tổ chức, trong năm 2017, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn cả nước đã ủng hộ và tích cực tham gia có hiệu quả vào các chương trình hành động BVMT, ứng phó với BĐKH. Thông qua việc chủ động xây dựng chương trình hành động riêng của tôn giáo mình, chuyển tải thông điệp, vận động các chức sắc, tín đồ cam kết tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH đối với đời sống con người.
Tuyên truyền vận động sâu rộng trong nội bộ tổ chức và tín đồ tôn giáo về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc BVMT, hiểm họa nghiêm trọng của ô nhiễm môi trường, BĐKH với đời sống con người. Đồng thời, các tổ chức tôn giáo hướng dẫn vận động các chức sắc, nhà tu hành, chức việc và các tín đồ tôn giáo, nắm bắt cập nhật các thông tin, kiến thức về môi trường, tài nguyên, đa dạng sinh học,…
Vận động các tín đồ tôn giáo và nhân dân không sử dụng vật tư, phương tiện tạo ra những sản phẩm độc hại, sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, không sử dụng hóa chất hại, bị cấm trong bảo quản, chế biến, tiêu thụ thực phẩm.
Quang cảnh hội nghị.
Hội nghị cũng đã thu hút nhiều ý kiến đóng góp cũng như kiến nghị quan trọng của các đại biểu.
Ông Trần Phong, Cục Trưởng Cục bảo Môi trường (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, hiện nay các tranh chấp, khiếu nại về môi trường đang xảy ra khá nhiều, như các khu chăn nuôi, các công ty, xưởng sản xuất, gây ô nhiễm môi trường. Để giải quyết vấn đề này cần phải có sự phối hợp giữa nhiều các cơ quan, trong đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ là nơi kết nối. Đặc biệt với các tôn giáo, ông Phong đề nghị trong các hoạt động, tuyên truyền, giảng đạo cần lồng ghép thêm việc BVMT.
Ông Knut Christiansen, Giám đốc NCA Việt Nam đánh giá: Môi trường ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực của cuộc sống của con người. Hiện nay, ô nhiễm môi trường, và BĐKH đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng và phức tạp, nó đã trở thành vấn nạn của toàn cầu và cả từng khu vực trong đó có Việt Nam. Con người đã tham lam để đem lại lợi ích trước mắt, dẫn đến hậu quả là chúng ta đang phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn của biến đổi khí hậu như ngày hôm nay.
Để thực hiện tốt công việc này, theo ông Knut Christiansen, đòi hỏi tất cả các tổ chức phải vào cuộc, trong đó vai trò của các tôn giáo rất quan trọng. “Tổ chức NCA của chúng tôi quan niệm rằng, vấn đề không chỉ nằm ở các tại nhà thờ, nhà trường mà cần phổ biến vận động người dân thực hiện ngay tại chính khu vực sinh sống của mình”, ông Knut Christiansen bày tỏ và hy vọng có sự nối kết tham gia nhiều hơn nữa từ các phía, đặc biệt là ở cộng đồng. UBTƯ MTTQ Việt Nam có vai trò chủ chốt trong việc tập hợp các tôn giáo ngồi lại để cùng chung tay thực hiện.
“Nhận thấy, các yêu cầu chính đáng này của các bạn, chúng tôi sẽ hỗ trợ các bạn tập trung xây dựng năng lực, cải thiện chất lượng hoạt động, đặc biệt là cứu trợ khẩn cấp trong thiên tai”, ông Knut Christiansen khẳng định.
Dịp này, ông Knut Christiansen đề nghị được hỗ trợ những hoạt động kết nối và tăng cường sự điều phối của MTTQ Việt Nam, phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường Việt Nam. Cũng theo ông Knut Christiansen, để khắc phục được hạn chế hiện nay, cần những nhân tố như lòng quyết tâm, sẵn sàng lắng nghe, cùng nhau hành động.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Thừa Thiên - Huế nêu những hạn chế trong quá trình phối hợp thực hiện. Cụ thể có rất nhiều đơn vị vận động trùng lặp nhau, nhất là vận động hàng cứu trợ cho người bị thiên tai. Tình trạng phổ biến là đối tượng bị thiệt hại nặng cần nhiều hỗ trợ thì hàng hóa lại đến sau, trong khi khu vực và đối tượng bị thiệt hại nhẹ thì hàng hỗ trợ lại đến trước.
Ông Hùng đề nghị, khi thực hiện công tác cứu trợ cần phải nắm được người dân cần gì chứ không phải đưa những thứ có sẵn đến với người dân. Bên cạnh hỗ trợ trước mắt, thì cần hỗ trợ sinh kế lâu dài cho người dân, bằng việc xây nhà, cấp vốn làm ăn, cung cấp dụng cụ sinh hoạt.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đánh giá cao kết quả đạt được của Ban Chỉ đạo Chương trình phối hợp thời gian qua.
“Đã có nhiều mô hình, nhiều kinh nghiệm được rút ra, được áp dụng sâu, hiệu quả vào các lĩnh vực của trong việc BVMT và ứng phó với BĐKH. Điều này đã tạo nên sự đoàn kết trong việc phối hợp giữa các bên, qua đó nhân lên những giá trị sống tốt đẹp. Nhiều người lâm vào hoàn cảnh éo le do thiên tai gây ra đã được giúp đỡ kịp thời, hiệu quả” - Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực khẳng định.
Theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta không đánh đổi về môi trường để phát triển kinh tế mà sự phát triển kinh tế đi đôi với việc BVMT, kiên quyết nói không với dự án kinh tế gây ô nhiễm môi trường, đó là cách phát triển kinh tế bền vững.
Để công tác BVMT và ứng phó với BĐKH ngày càng hiệu quả hơn, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề nghị thời gian tới, nhiệm vụ này cần có xã hội hóa, rất cần sự trợ giúp nhiều hơn của các tổ chức quốc tế, thu hút được cả hệ thống chính trị vào cuộc, huy động được tổng lực thì mới đem lại hiệu quả tốt nhất. Ngoài ra, việc xây dựng các khu dân cư văn hóa thực chất, cũng sẽ góp phần nâng cao ý thức BVMT của người dân, từ đó BVMT và ứng phó với BĐKH ở những nơi này sẽ rất hiệu quả”- Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực gợi ý.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cảm ơn các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp quý báu; cảm ơn sự giúp đỡ, hợp tác của các cơ quan trong và ngoài nước đã hỗ trợ Ban Chỉ đạo Chương trình phối hợp thực hiện hiệu quả, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn nữa để hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.
Dựa vào những kết quả và tình hình thực tế trên, Hội nghị đã đi đến thống nhất một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 của Ban Chỉ đạo Chương trình. Theo đó, các tổ chức tôn giáo tiếp tục cụ thể hóa, xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động năm 2018 phù hợp với giáo lý, đặc điểm tôn giáo và tình hình cụ thể của mỗi địa phương. Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam vận động, kêu gọi sự ủng hộ, đóng góp các nguồn lực vật chất và tinh thần của các tổ chức, cá nhân trong nước, các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ theo quy định của pháp luật cho việc thực hiện Chương trình phối hợp. Biên tập tài liệu truyên truyền phổ biến và cập nhật kiến thức về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiến hành khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phối hợp tại một số tỉnh, thành phố. Tập trung vào việc tuyên truyền phổ biến và nâng cao năng lực cho các tổ chức và cá nhân tôn giáo và cán bộ Mặt trận các cấp. Tổ chức khảo sát, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình phối hợp và hoạt động của các mô hình điểm ở một số địa phương phục vụ cho sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình phối hợp. Tổ chức chia sẻ kết quả và kinh nghiệm của các mô hình điểm của các tôn giáo trong tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu…
Một số hình ảnh tại hội nghị:
Các đại biểu phát biểu tại hội nghị.
Các đại biểu dự hội nghị chụp ảnh lưu niệm.