Bộ máy đang cồng kềnh và sức ì ngày càng lớn; kỷ luật kỷ cương hành chính không nghiêm; phân cấp, phân quyền chưa rõ Trung ương làm gì? Chính quyền địa phương làm gì? Bộ máy hành chính thiếu chặt chẽ, đẻ ra nhiều vụ, phòng, ban. Vậy phải gỡ những nút thắt trên bằng cách nào?
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam.
Phân cấp, phân quyền
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, cần đánh giá tổng quan toàn bộ 3 mặt: chính sách pháp luật; tổ chức thực hiện bộ máy; biên chế xem cái gì được và cái gì chưa được.
Bởi hiện nhiều chủ trương, chính sách lớn của Đảng chúng ta chưa làm được. Như lâu nay vẫn nói tinh giản, sắp xếp, nhưng phân công nhiệm vụ, tổ chức bộ máy chức năng nhiệm vụ còn chồng chéo, phân quyền phân cấp cho địa phương còn lúng túng.
Về chủ trương xây dựng bộ máy ở cơ sở thì chưa làm rõ sự khác nhau giữa chính quyền ở đô thị với chính quyền ở nông thôn nên chưa đáp ứng được yêu cầu.
Theo ông Quyền, trong cải cách bộ máy, Đảng cần có quyết tâm chính trị để từ đó tạo ra sự thống nhất và đồng thuận trong tổ chức thực hiện. Làm sao cải cách bộ máy phải gắn với đổi mới hệ thống chính trị, trong đó xác định rõ phân cấp phân quyền, xã hội hóa như thế nào?
Hiện phân cấp, phân quyền của chúng ta chưa rõ: Chính quyền địa phương làm gì? Có nhiều việc không phải của Trung ương nhưng cứ “kêu” Bộ trưởng để hỏi.
Hay như dịch vụ công, chính quyền địa phương phải lo, còn Trung ương chỉ lo về chính sách, hoạch định chính sách và đi kiểm tra việc thực hiện.
“Qua giám sát việc tổ chức bên trong các bộ, ngành thấy có nhiều phòng, ban, vụ, hay nhiều cấp phó, quá nhiều lãnh đạo trong cơ quan thì cần giao cho Chính phủ trong năm 2017 phải rà soát làm luôn. Đơn cử như việc xác định vị trí việc làm, giao cho từng cơ quan xác định theo tiêu chí nhưng bao nhiêu năm nay cứ để mãi” - ông Quyền nói.
Hành chính đồng nhất thì không bao giờ cải cách được
Theo TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, muốn cải cách bộ máy hành chính thì nhân Hội nghị Trung ương 6 sắp tới cần kiến nghị sửa đổi.
Không rút ra được khâu đột phá để Trung ương 6 bàn và quyết thì không thay đổi được. Nếu Hội nghị Trung ương 5 đã có đột phá là xác định hoàn thiện thể chế kinh tế đồng bộ với thể chế chính trị mà trọng tâm là cải cách hành chính nhà nước thì cần hiểu đó là hướng mở cho Trung ương 6 sắp tới.
Cũng theo ông Lịch, cải cách hành chính không thể hiệu quả nếu như không đồng bộ cả 3 vế: Thể chế; tổ chức thực hiện và con người. Không đồng bộ thì không bao giờ cải cách được. Đơn cử: Vì một bộ máy mà công vụ chồng chéo, không biết cái nào thuộc thẩm quyền của Trung ương?
Cái nào thẩm quyền của địa phương? Bây giờ cứ đồng nhất theo kiểu Trung ương thế nào thì địa phương như thế ấy sẽ khó đem hiệu quả. Như một huyện miền núi mới thành lập mà mô hình như một huyện tại TP Hồ Chí Minh thì sao phát triển được?
Ông Lịch cũng cho rằng, nguyên nhân sâu xa của bộ máy cồng kềnh chồng chéo là do mô hình tổ chức nhà nước. Chủ trương xã hội hóa y tế giáo dục, xã hội hóa tức là dân đóng tiền thay vì Nhà nước bao cấp. Nhưng tại sao dân càng đóng tiền thì ngân sách nhà nước chi càng tăng?
Chúng ta đang có thực trạng của một gia đình làm chỉ đủ ăn, nhà dột phải mượn tiền hàng xóm chống dột. Đây là điều đáng báo động.
Do đó cần xây dựng Luật Định chế công phi lợi nhuận để tổ chức lại tất cả hệ thống. Trên cơ sở đó, các dịch vụ công để địa phương làm chứ không phải Bộ Nội vụ làm.
Ông Lịch kiến nghị, bộ máy hành chính phải chặt chẽ, muốn lập mấy vụ, mấy phòng phải có quy trình. Một tổ chỉ có 3 người, 3 tổ mới được lập phòng, đủ 3 phòng mới được lập vụ chứ không có chuyện thích là “đẻ”.
Trước mắt căn cứ theo Luật Chính quyền địa phương với 3 cơ chế: phân cấp; phân quyền; ủy quyền, Quốc hội cần rà soát lại. Cái nào phân quyền cho địa phương, cái nào phân cấp cần làm một cách minh bạch. Lúc đó bộ máy Trung ương nhẹ đi chỉ tập trung cho lập chính sách.
Cải cách bộ máy là cực kỳ khó nhưng phải có lộ trình, ông Trần Du Lịch cho rằng, cần lập cơ quan nghiên cứu độc lập quá trình cải cách nền hành chính quốc gia, chứ không giao cho từng bộ. Vì không ai tự cắt quyền hạn, cắt “tay chân” của mình hết.