Cải cách hay cải tiến?

Hồ Luân 18/08/2015 07:35

Yêu cầu cải cách trở thành tín hiệu vui cho cộng đồng doanh nghiệp (DN). Vậy mà sau một thời gian dài thực hiện nhiều ý kiến cho rằng, kết quả chỉ dừng lại ở mức cải tiến chứ chưa phải cải cách.

Bởi vì, DN vẫn còn gặp phải vướng mắc và nhiêu khê vì thủ tục có cắt giảm nhưng chỉ tập trung vào những văn bản đơn giản còn lại thì đâu lại vào đó. Thực tế không thể đơn giản khi một số mặt hàng xuất khẩu chịu sự quản lý của hai đến ba bộ.

Từ đó dẫn đến tình trạng chất lượng hàng hóa đạt tiêu chuẩn với bộ này nhưng vẫn thiếu yếu tố quản lý của bộ kia. Cuối cùng muốn kiểm tra chất lượng một lô hàng DN phải tốn thời gian chờ đợi vài ngày đến một tuần, thậm chí có những lô hàng thời gian chờ đợi kéo dài cả tháng.

Nhiêu khê hơn cả, nhiều mặt hàng của các DN ưu tiên vẫn bị hải quan kiểm tra. DN thấy ái ngại cảnh đi theo năn nỉ để sớm được thông quan, nhận hàng. Chưa hết, DN còn cảm thấy ám ảnh với một số tiêu cực phí. Như vậy có thể thấy rõ, DN còn than thở về những phí phi chính thức nghĩa là thủ tục còn rờm rà gây khó cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Trong khi DN than trời về cách quản lý chồng chéo, rườm rà thì cơ quan chức năng lên tiếng “phản pháo”. Một số cơ quan có trách nhiệm phân trần và đẩy trái bóng trách nhiệm về phía DN. Theo đại diện của ngành hải quan, hải quan xử lý hồ sơ đúng quy định, đúng thời gian. Nếu có chậm trễ là do DN không chuẩn bị đầy đủ, rõ ràng các giấy tờ liên quan. Hơn nữa, thời gian xử lý hồ sơ nhanh hay chậm không phải do cán bộ mà phụ thuộc vào hồ sơ đã đầy đủ hay chưa.

Chối bỏ trách nhiệm gây ra sự rườm rà, mới đây đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định, ai cũng hiểu chậm trễ là do cơ quan nhà nước nhưng thực ra có nhiều vấn đề lỗi ở DN. Nghĩa là, DN không chủ động tìm hiểu kỹ các chính sách liên quan. Theo cách hiểu đơn giản của các bộ ngành, chính sách và quy định nhiều thật song chỉ cần liên quan đến bộ ngành nào thì vào tìm hiểu thông tin của bộ ngành đó. Rất đơn giản.

Phản ứng của cơ quan chức năng là vậy, song cần phải xem lại giữa “một rừng” quy định, sẽ có nhiều vấn đề DN không biết phải thực hiện theo quy định nào. Trước thực trạng này, mong muốn các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh Việt Nam vượt mức trung bình của các nước Asean 6 vào năm 2015; năm 2016 chỉ số môi trường kinh doanh tối thiểu đạt mức trung bình của Asean 4 xem ra không đơn giản.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cải cách hay cải tiến?