Theo GS Phạm Phụ (ĐHQG TP HCM), quá trình thực hiện tự chủ đại học (ĐH) thực chất là quá trình chuyển giao quyền lực, lâu nay phần lớn tập trung ở bộ chủ quản và Hiệu trưởng, sang Hội đồng trường. Nếu không thể chế hóa chức năng và các mối quan hệ thì khó lòng thực hiện tự chủ ĐH.
PV: Việt Nam đang trong quá trình mở rộng tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH và đang trên con đường hội nhập khu vực ASEAN và quốc tế. Vì vậy việc học tập các kinh nghiệm quốc tế là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, học điều gì và ở mức độ như thế nào để phù hợp với xã hội Việt Nam là điều đáng bàn, thưa GS?
GS Phạm Phụ: Đúng vậy. Trên thế giới, hệ ĐH Anh-Mỹ có mức độ tự chủ ĐH cao nhất sau đó là đến hệ ĐH châu Âu và ĐH châu Á có mức độ tự chủ thấp nhất, trừ trường hợp như Singapore. Nhưng ngay cả ở Mỹ, mức độ tự chủ ĐH cũng có một phổ khá rộng, từ Nhà nước chỉ giám sát ở các ĐH nghiên cứu cho đến mức Nhà nước kiểm soát ở các cao đẳng cộng đồng.
Nhìn chung, mức độ tự chủ ĐH vẫn tồn tại một phổ khá rộng giữa các nền giáo dục ĐH trên các châu lục cũng như giữa các cơ sở ĐH của từng nước. Có nhiều kinh nghiệm quốc tế có tính phổ quát mà nền giáo dục ĐH Việt Nam có thể nghiên cứu, trao đổi để vận dụng. Trong bối cảnh ở Việt Nam hiện nay các cơ sở giáo dục ĐH rất đa dạng về chủ sở hữu, về năng lực và đặc điểm, Nhà nước cần có nhiều mức độ tự chủ khác nhau cho các cơ sở giáo dục ĐH khác nhau.
Cụ thể, theo GS, tự chủ ĐH bao gồm những nội dung gì?
- Theo nghiên cứu, có đến 7 nội dung trong tự chủ ĐH, bao gồm nghiên cứu và công bố, Nhân sự, Chương trình giảng dạy, chuẩn mực học thuật, sinh viên, quản trị trường và hành chính – tài chính. Trong đó, thường nhà nước cần can thiệp nhiều nhất vào nội dung hành chính – tài chính và chuẩn mực học thuật. Chẳng hạn, ở số lượng sinh viên, mức học phí, đóng cửa và sát nhập, kiểm định chất lượng… Mức độ can thiệp trung bình thường là nghiên cứu và công bố, sinh viên và chương trình giảng dạy như chuẩn mực nhập học, ưu tiên nghiên cứu…
Nói đến tự chủ ĐH và quản trị ĐH, vai trò của Hội đồng trường được đề cập như thế nào?
- Đây được coi là 2 vế có tính đánh đổi như giữa quyền lợi và nghĩa vụ. Trên thế giới ngày nay, loại hình trường ĐH rất đa dạng, từ ĐH Nhà nước đến ĐH có liên quan đến Nhà nước, ĐH có tài trợ công – vận hành tư, ĐH tư có tài trợ của Nhà nước, ĐH tư không vì lợi nhuận, ĐH nửa vì lợi nhuận, ĐH vì lợi nhuận… Vì vậy, quan trọng là ai là người quản lý, vận hành trường mà không phải ai là người sở hữu trường. Và như luôn có vấn đề tách rời quyền sở hữu và quyền sử dụng. Kèm theo đó là vấn đề “chủ sở hữu cộng đồng” hay “chủ sở khuyết danh”. Do đó thường có 2 cơ chế trong một tổ chức: cơ chế hội đồng và cơ chế thực thi.
Cơ chế hội đồng chính là Hội đồng trường với bản chất là Hội đồng quản trị. Cơ chế thực thi chính là Ban giám hiệu. Giao tự chủ ĐH và trách nhiệm xã hội là giao cho Hội đồng trường chứ không phải giao cho Hiệu trưởng. Nhà nước chỉ giao tự chủ ĐH cho các cơ sở giáo dục ĐH có Hội đồng trường.
Chức năng cơ bản của Hội đồng trường là Quản trị và tạo ra sự thay đổi, còn chức năng cơ bản của cơ chế thực thi là Quản lý nhằm giữ trong trật tự. Mỗi quan hệ giữa Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng trường là mối quan hệ đồng cấp hỗ trợ nhau. Có Hội đồng trường mới có tự chủ nhưng mọi việc hoạt động đúng chức năng của 2 cơ chế này có ý nghĩa mang tính quyết định của sự thành bại ở một cơ sở giáo dục ĐH.
Như vậy, để đảm bảo quyền tự chủ ĐH, cần có một Hội đồng trường đúng nghĩa. Cách nào để có một Hội đồng trường đúng nghĩa, theo GS?
- Có 5 điều cần lưu ý. Thứ nhất là cơ cấu cần đa dạng, già trẻ, trình độ chuyên môn, tính chất công việc, loại hình nghề nghiệp. Thứ hai, cần có thành phần bên ngoài trường lớn hơn thành phần bên trong trường, chiếm khoảng 50-60% số thành viên của Hội đồng trường. Thứ ba, Hội đồng trường chỉ ra quyết định trong các kỳ họp.
Ngoài các kỳ họp, các thành viên Hội đồng trường cũng như chủ tịch Hội đồng trường không can thiệp và ra lệnh đối với Hiệu trưởng cũng như các thành viên khác của nhà trường. Thứ tư, Hội đồng trường là quan tòa cuối cùng của những mâu thuẫn nội bộ. Thứ năm, các thành viên Hội đồng trường cần được đào tạo về chức năng và các làm việc.
Trân trọng cảm ơn GS!
Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng): Sẽ tự chủ đại học trong năm 2017 Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) là 1 trong 6 trường đầu tiên trong cả nước được cấp chứng nhận đạt chuẩn chất lượng theo Bộ tiêu chuẩn đánh giá của Bộ GD&ĐT. Đây là một trong những cơ sở để nhà trường xây dựng đề án tự chủ ĐH để trình Thủ tướng Chính phủ nhằm triển khai thực hiện trong năm 2017. Với đề án tự chủ, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) quyết tâm tiến đến tự chủ hoàn toàn về tài chính nhằm huy động, khai thác tối đa nội lực để thực hiện nâng cao chất lượng đào tạo và tăng tiền lương, tăng đơn giá giờ giảng cho cán bộ viên chức… Dự kiến, lộ trình tự chủ đại học của các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng sẽ triển khai năm 2017 với Trường ĐH Kinh tế, sau đó là Trường ĐH Bách khoa và tiếp theo là Trường ĐH Ngoại ngữ. Riêng ĐH Bách khoa đề nghị được đầu tư một lần với mức từ 60 - 70 triệu USD và xin tự chủ như ĐH Bách khoa Hà Nội. Sau 3 trường này, sẽ đến các trường thành viên khác và tiến tới tự chủ ĐH Đà Nẵng. H. Nguyễn |