Tại tọa đàm “Xúc tiến du lịch và cập nhật các quy định trong hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành năm 2024” do Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội tổ chức mới đây, ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết đây là thời điểm để chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" được hưởng ứng trở lại trên cả nước.
Trước đó, năm 2020, trong bối cảnh khó khăn vì đại dịch Covid-19, chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" được phát động, nhằm kích cầu du lịch nội địa. Tiền thân của nó là Chương trình kích cầu du lịch nội địa với chủ đề “Người Việt Nam du lịch Việt Nam - Mỗi chuyến đi thêm yêu Tổ quốc”, do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành năm 2014. Như vậy là sau 10 năm, chương trình kích cầu du lịch trong nước lại được phát động trở lại.
Thời điểm đó, các hãng hàng không, đơn vị vận tải du lịch đã có chính sách giảm giá vé, đồng hành với các doanh nghiệp lữ hành và điểm đến xây dựng các chương trình du lịch trọn gói, có chất lượng với giá ưu đãi.
Ở thời điểm này, khi kỳ nghỉ lễ dài ngày đã ngay trước mắt và cao điểm du lịch mùa hè cũng đã tới, thì du lịch trong nước lại gặp khó khăn khi giá vé máy bay tăng, lượng khách nội địa đặt tour thấp hơn so với những năm trước đó.
Giá vé máy bay chiếm từ 40-60% tổng chi phí một chuyến du lịch trong nước, vì thế việc giá vé bay tăng cao vào mùa du lịch hè cũng như kỳ nghỉ lễ dài ngày sắp tới khiến khách du lịch bối rối. Tuy nhiên, để “người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” thành công thì không chỉ phụ thuộc vào giá vé máy bay.
Trước hết, cần tính đến tổng chi phí của một tour. Theo nhiều công ty lữ hành, thời gian qua nhiều người Việt Nam chọn tour du lịch các nước Đông Nam Á, thay vì du lịch trong nước. Nhiều nhất là đi Thái Lan, Singapore. Sự lựa chọn là: nếu cùng 1 tour 5 ngày, thì chi phí “xuất ngoại” rẻ hơn, hoặc tương đương trong nước.
Thứ hai, khách du lịch sẽ tính đến chất lượng dịch vụ được thụ hưởng cũng như sự hấp dẫn của điểm đến. Tất nhiên Việt Nam có nhiều nơi phong cảnh hữu tình nhưng du lịch nước ngoài lại có sự cuốn hút riêng, nhất là tâm lý “đi cho biết đó biết đây”. Trong tình thế đó, dù muốn ủng hộ du lịch nước nhà nhưng đứng trước sự lựa chọn khá chênh lệch thì du lịch nội địa trở nên yếu thế.
Cải thiện và tăng cường sự hấp dẫn ở các địa chỉ du lịch trong nước mới là vấn đề cốt lõi, chứ không chỉ là cú bắt tay chặt chẽ giữa ngành du lịch với hàng không kéo giá vé bay xuống, cho dù đó là điều cần phải làm. Tại nhiều điểm đến trong nước, du khách vẫn thấy sự na ná giống nhau thì rất khó thuyết phục. Đáng tiếc, đó chính là “căn bệnh” của du lịch Việt Nam hiện nay. Ví dụ như sản phẩm du lịch biển ở Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Thuận, Vũng Tàu cũng không khác biệt bao nhiêu.
Đó còn là sự thiếu văn minh thương mại ở những điểm đến. Thực tế cho thấy, nếu du khách nước ngoài được tôn trọng, thì khách trong nước có khi lại chỉ ở hạng hai. Từ đó mới có chuyện chặt chém, nâng giá phòng vô tội vạ đối với khách nội trong mùa cao điểm.
Để xảy ra tình trạng đó, trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền địa phương. Không phải họ không biết, mà biết nhưng làm ngơ. Tại sao lại như vậy? Câu trả lời chính là quyền lợi khi những cá nhân nào đó có trách nhiệm đã bắt tay với hệ thống nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng ăn uống.
Có thể nói, nếu bản thân ngành du lịch và địa phương có điểm du lịch không đổi mới, chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" cũng dễ trở thành khẩu hiệu mà không có hiệu quả.
Về vấn đề này, ngành du lịch rất cần tham khảo kinh nghiệm thành công của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Khó đến thế nhưng vẫn làm được. Tới nay, không chỉ ở các chợ truyền thống mà cả trong hệ thống siêu thị, hàng Việt Nam đã chiếm ưu thế.
Mấu chốt thành công ở đây ngoài việc vận động còn là nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, từ đó tạo ra thói quen của người tiêu dùng trong nước.