Đó là quan điểm chỉ đạo cũng như sự quyết tâm của ngành Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ trong việc triển khai thực hiện tốt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” trong suốt 6 năm qua.
Bà Trần Thị Xuân Mai - Giám đốc Sở LĐTBXH Cần Thơ
kiểm tra đào tạo nghề tại Chi nhánh Biti’s.
Bà Trần Thị Xuân Mai - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) TP Cần Thơ nhấn mạnh: Đối với tất cả các lĩnh vực thuộc ngành LĐTB&XH mà đặc biệt là lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động nông thôn, muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ thì người thực hiện cần phải có một cái tâm. Cái tâm được nói đến ở đây là lương tâm, đạo đức và trách nhiệm.
Trước nhất, người làm công tác dạy nghề từ cán bộ quản lý, giáo viên đến doanh nghiệp tham gia dạy nghề phải có quan điểm, suy nghĩ và hành động theo nguyện vọng chính đáng của người lao động để thực hiện. Theo đó, việc tư vấn cho người lao động chọn nghề học sao cho phù hợp với điều kiện sức khỏe, trình độ học vấn và năng khiếu.
Đặc biệt là phải định hướng trong việc giải quyết việc làm sau khi đào tạo. Do vậy, công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động nông thôn luôn được Ban Chỉ đạo Đề án các cấp trên địa bàn thành phố quan tâm thực hiện. Thông qua các phương tiện truyền thông như: báo chí, truyền hình, phát thanh,... cùng phối hợp với các tổ chức, đoàn thể để tuyên truyền sâu rộng đến 85 xã, phường thuộc 9 quận, huyện trên địa bàn thành phố giúp cho lao động nông thôn có được nhận thức đúng đắn về công tác đào tạo nghề theo Đề án.
Việc tổ chức giảng dạy cần phải chú trọng đến chất lượng đào tạo, quan tâm đến từng kiến thức, từng kỹ năng mà người lao động cần phải có để sau khi học nghề người lao động có thể tìm được việc làm ổn định, phù hợp. Tránh đào tạo qua loa, hướng đến số lượng theo chỉ tiêu mà bỏ quên chất lượng. Vì thế hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Đề án trên địa bàn luôn được thành phố tập trung thực hiện thường xuyên, định kì.
Bên cạnh đó, công tác kết nối việc làm sau đào tạo cho người lao động phải phù hợp với nghề đã học, mức lương thu nhập phải đảm bảo tương xứng với công lao động, hướng đến đảm bảo ổn định cuộc sống cho người lao động. Ngoài ra, việc kết nối việc làm cho người lao động sau đào tạo cần phải được các nhà quản lý thực hiện chặt chẽ và định hướng lâu dài, đảm bảo các mô hình giải quyết việc làm mang tính lâu dài và bền vững. Theo đó, thành phố tăng cường đào tạo nghề gắn với nhu cầu lao động thực tế của từng địa phương, tập trung đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, đồng thời tiến hành điều tra khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn, phát huy các mô hình đào tạo nghề hiệu quả,...
Từ những quyết tâm trên, giai đoạn 1 (2010 – 2014) thực hiện Đề án, ngành LĐTB&XH TP Cần Thơ đã tổ chức được 567 lớp, với 19.308 lao động theo học trong đó, nhóm nghề nông nghiệp là 25 nghề (129 lớp); nhóm nghề phi nông nghiệp 35 nghề (437 lớp). Có 13.810 người có việc làm sau đào tạo nghề, đạt tỉ lệ 73,34%. Tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng khá nhanh qua các năm: Năm 2010 là 42%, đến năm 2013 là 48% và hiện nay là 53,8%. Trong năm 2016, TP Cần Thơ đã đào tạo cho 4.372 lao động nông thôn, đạt 104,09% trong đó, đối tượng thuộc hộ gia đình chính sách 58 người; hộ nghèo 158 người; dân tộc 169 người, hộ cận nghèo 71 người; tàn tật 06 người; bị thu hồi đất 19 người, các đối tượng lao động khác là 3.891 người. Tỉ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo trung bình đạt 78%.
Với Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chất lượng nguồn nhân lực nông thôn của thành phố không ngừng được nâng cao, đáp ứng quá trình xây dựng và phát triển của TP Cần Thơ. Từ thói quen lao động nhỏ lẻ trong sản xuất nông nghiệp, giờ đây phần lớn lao động nông thôn đã mạnh dạn làm ăn nhờ những kiến thức, hiểu biết thông qua các lớp tập huấn, các chương trình đào tạo nghề... mang lại hiệu quả cao hơn trong sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, qua học nghề đã giúp nông dân tiếp cận với các ngành nghề mới, có thêm cơ hội tìm kiếm việc làm, tạo điều kiện cho nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bà Trần Thị Xuân Mai - Giám đốc Sở LĐTB&XH TP Cần Thơ cho biết: Năm 2017 là năm thứ hai ngành LĐTB&XH tiếp tục thực hiện kế hoạch giai đoạn 2 của Đề án (2016-2020). Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của thành phố Cần Thơ cũng được định hướng một cách phù hợp với tình hình phát triển chung của thành phố. Ngoài việc duy trì các mô hình dạy nghề đạt hiệu quả trong những năm qua, thành phố tiếp tục tăng cường liên kết với doanh nghiệp để đào tạo nghề, giải quyết việc làm sau đào tạo, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung phối hợp thực hiện.
Đặc biệt, trong năm 2017, Tập đoàn Tae Kwang (Hàn Quốc) đã đầu tư mở rộng nhà máy đến Cần Thơ với quy mô lên đến 70.000 nhân viên và công nhân. Trước mắt, thành phố sẽ tập trung đào tạo nghề để cung ứng lao động cho doanh nghiệp này và các doanh nghiệp khác có nhu cầu.
Ngoài ra, thành phố cũng tiếp tục đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, phối hợp chính sách hỗ trợ vốn, con giống, cây giống từ Chương trình giảm nghèo để đào tạo nghề phù hợp, giúp cho người nghèo có thêm kiến thức và kĩ năng để tự tạo việc làm, từ đó hướng đến giảm nghèo bền vững.