Hạn điền đang trở thành một rào cản trong tích tụ ruộng đất để hướng tới sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn khiến nền nông nghiệp khó có thể cất cánh.
PGS. TS Hoàng Văn Cường.
Trao đổi với ĐĐK, PGS. TS Hoàng Văn Cường (ĐBQH TP Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng: Không thể dùng biện pháp hành chính quy định mỗi người chỉ được sử dụng từng này đất. Những cái liên quan đến quan hệ kinh tế phải dùng biện pháp kinh tế cho nên quy định hạn điền chính là dùng hành chính để can thiệp vào kinh tế. Dùng hành chính can thiệp vào vấn đề kinh tế thì không bao giờ hiệu quả.
PGS Hoàng Văn Cường cho rằng: Khi đã giao đất cho người nông dân sử dụng, rõ ràng bây giờ không thể dùng các biện pháp hành chính để dồn điền, đổi thửa, tích tụ đất đai mà phải dùng biện pháp khuyến khích về mặt kinh tế. Theo đó, việc đầu tiên phải khuyến khích người nông dân đưa đất vào vùng sản xuất theo quy hoạch.
Nếu họ đang có đất, hoặc cho người khác thuê, sử dụng đất theo đúng mục đích, quy hoạch tạo nên vùng sản xuất hàng hóa hướng tới xuất khẩu, nguyên liệu chế biến thì Nhà nước cần có khuyến khích. Tức là bỏ quy định về hạn điền, giới hạn diện tích chuyển nhượng để khuyến khích cho người nào có khả năng nhận chuyển nhượng về đất đai.
Những người không sử dụng đất nữa sẵn sàng chuyển nhượng cho người khác thì các vấn đề liên quan đến thuế chuyển nhượng nên miễn để khuyến khích chuyển nhượng. Bởi hiện nay ta đang thu 2% thuế chuyển nhượng đối với đất chuyển nhượng nông nghiệp.
Theo PGS Hoàng Văn Cường, ở các vùng địa phương cần có chương trình hỗ trợ cho những người dân sẵn sàng chuyển nhượng. Ví dụ những người đã cho chuyển nhượng đất, giao đất cho người khác sử dụng lâu dài, Nhà nước nên có các chương trình hỗ trợ như: đào tạo việc làm; phát triển khởi nghiệp.
“Chúng ta nên dành ưu tiên cho những người đó. Lúc đó họ thấy rằng khi rời bỏ đất đai sẽ có những nguồn lợi khuyến khích. Bản thân những người nhận chuyển nhượng, cho thuê đất cũng cần được hỗ trợ này vì không phải ai cũng có tiền để đầu tư vào mua đất, trả tiền thuê cho nông dân. Do đó trong hỗ trợ của Nhà nước cũng cần hỗ trợ một phần vốn bằng các chính sách cho vay ưu đãi. Vay để trang trải tiền tích tụ đất đai mua đất. Hiện ta đang có gói 50-60 chục ngàn tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó nên dành một phần cho Quỹ hỗ trợ vay ưu đãi để cho người nông dân yên tâm vay để tích tụ đất đai. Sau khi phát triển sản xuất họ sẽ trả dần”- PGS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Khuyến khích người nông dân đưa đất vào vùng sản xuất theo quy hoạch.
Cũng theo PGS Hoàng Văn Cường: Hiện chúng ta đang có chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó có những đầu tư về hạ tầng cho đường giao thông nông thôn, nội đồng. Nhưng những chương trình đó giờ phải đặt ra điều kiện, không phải bất kỳ nơi nào cũng thực hiện mà những vùng đã tích tụ đất đai có thể hình thành vùng tập trung hóa thì ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng này. Như vậy sẽ đỡ về chi phí đầu tư cho những người đứng ra tích tụ đất đai.
Cũng theo PGS Hoàng Văn Cường, những người dân góp đất đai cho người khác đứng lên làm chủ dồn điền đổi thửa dưới hình thức đóng góp cổ phần quy đổi giá trị đất ra cổ phần đó là hướng tốt. Tuy nhiên không thể để tự phát giữa người nông dân với nhau mà phải có vai trò Nhà nước trong định hướng, tổ chức, quản lý, hỗ trợ.
Về lâu dài, PGS Hoàng Văn Cường cho rằng: Cần cởi trói hạn điền, gắn liền với đó việc đánh thuế đất nông nghiệp. PGS Hoàng Văn Cường đưa ra quan điểm: Nếu chúng ta không đánh thuế sử dụng đất thì sẽ xảy ra việc có người tích tụ đất đai xong để đấy không làm gì, đầu cơ chờ kiếm lời. Còn nếu đánh thuế, đầu cơ họ sẽ thiệt hại ngay vì hàng năm họ phải bỏ tiền ra nộp thuế. Cho nên thuế đất không chỉ khuyến khích người nông dân góp đất với nhau mà còn hạn chế tích tụ đất đai để đầu cơ không vì mục tiêu sản xuất”.
PGS Hoàng Văn Cường cũng nhấn mạnh: Không thể dùng biện pháp hành chính quy định mỗi người chỉ được sử dụng từng này đất. Bởi những cái liên quan đến quan hệ kinh tế phải dùng biện pháp kinh tế. Cho nên quy định hạn điền chính là dùng hành chính để can thiệp vào kinh tế. Dùng hành chính can thiệp vào kinh tế thì không bao giờ hiệu quả. Khi quan hệ kinh tế được mở cửa, rộng đường lúc đó sẽ có tiền đề phát triển đi lên vì quan hệ kinh tế luôn theo quy trình vận động phát triển.
“Không tích tụ được đất đai, nông nghiệp không bao giờ phát triển, rồi kéo theo nền kinh tế không phát triển. Chính vì vậy không thể dùng biện pháp hành chính để khống chế hạn điền, giới hạn quy mô chuyển nhượng đất đai. Ngoài ra phải quan niệm lại đầu tư cho nông nghiệp, đầu tư cho nông nghiệp không phải ngắn hạn mà phải lâu dài. Muốn phát triển thì người sản xuất nông nghiệp phải có quyền gắn bó với mảnh đất từ 50 đến hàng trăm năm. Như vậy người được nhận chuyển nhượng đất và thuê đất lúc đó họ mới đứng ra đầu tư kinh doanh” - PGS Hoàng Văn Cường bày tỏ.