Trước nguy cơ ô nhiễm không khí có thể tác động xấu đến sức khỏe người dân, chính quyền của 2 TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có những cảnh báo cho người dân phòng tránh sự ô nhiễm này. Tuy nhiên, điều mà người dân quan tâm chính là giải pháp để người dân không còn phải chịu cảnh sống chung với ô nhiễm không khí nữa.
Mới chỉ dừng ở cảnh báo
Theo Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, chất lượng không khí khu vực nội thành thời gian qua có biểu hiện suy thoái, thậm chí, nồng độ ô nhiễm bụi ở một số nơi tại một số thời điểm vượt cả giới hạn cho phép. Vấn đề đáng quan tâm nhất đối với chất lượng môi trường không khí tại Hà Nội là chỉ tiêu bụi tổng số. Bụi PM10 (các hạt bụi lơ lửng có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 10 micromet) và bụi PM2.5(các hạt bụi lơ lửng có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micromet) tại một số vị trí và một số thời điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội đã vượt QCVN 05/2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về không khí xung quanh.
Trước thực trạng ô nhiễm này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành chỉ thị về các giải pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn. Chỉ thị nêu rõ, các đơn vị, tổ chức và cá nhân nghiêm túc thực hiện các biện pháp cấp bách, quyết liệt để giảm thiểu nguồn phát sinh khí thải độc hại, bụi mịn tác động tiêu cực đến chất lượng môi trường không khí trên địa bàn thành phố.
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội vận hành liên tục, ổn định hệ thống quan trắc môi trường không khí, thường xuyên tổng hợp kết quả thông báo công khai các số liệu ô nhiễm không khí hệ thống quan trắc của TP để người dân biết, có kế hoạch hành động, phòng tránh.
Giãn dân, hạn chế phương tiện cá nhân
Bình luận về các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm của Thủ đô Hà Nội thời gian qua, ĐBQH Trương Minh Hoàng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH cho rằng: Hà Nội đã tính đến phương án rửa đường trở lại, hay đề xuất cho học sinh nghỉ học vào những thời điểm ô nhiễm ở mức báo động. Cùng đó, TP Hà Nội đưa ra giải pháp hạn chế, tiến tới cấm dùng than tổ ong, đốt rơm rạ trên đồng ruộng. Đây cũng là một phương án cần thiết để giảm thiểu ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, Hà Nội cần làm quyết liệt hơn, kiểm tra rốt ráo hơn, thậm chí ban hành văn bản và đưa ra những chế tài cụ thể xử lý triệt để thực trạng này. Bởi nếu chỉ vận động, tuyên truyền không thôi thì không mang lại hiệu quả.
Hà Nội và các TP lớn phải tăng cường kiểm tra gắt gao các phương tiện giao thông không đủ chuẩn, chất lượng. Muốn giảm thiểu ô nhiễm, cần thiết phải xử lý thật tốt vấn đề này. Cần kiểm tra, giám sát những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, thải chất độc hại ra môi trường. Đồng thời cần phải kiểm soát thật chặt chẽ các công trình xây dựng, nhất là vào mỗi dịp cuối năm. Đặc biệt, Hà Nội phải thực hiện cương quyết cho bằng được Luật Thủ đô trong đó có vấn đề rất quan trọng là giãn dân ra ngoại thành. Cứ để mật độ dân số đông như vậy, kéo theo các phương tiện giao thông sẽ nhiều hơn, rồi quá trình đầu tư, xây dựng cũng nhiều hơn, các sinh hoạt đời thường cũng tăng lên…ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí xảy ra là điều đương nhiên.
Về giải pháp xử lý ô nhiễm không khí ở các TP lớn, Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho rằng: Việt Nam cần thực hiện tích cực kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí vào 2020, tầm nhìn 2015 (Quyết định số 9851 của Thủ tướng) và có những hành động cứng rắn hơn. Theo đó, cần củng cố hệ thống theo dõi chất lượng không khí và chia sẻ dữ liệu với công chúng theo thời gian thực. Thứ hai, để bảo vệ sức khoẻ người dân, chính phủ cần bảo đảm các biện pháp khẩn cấp để giảm thiểu phát thải chất ô nhiễm trong thời gian mà mức ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn của WHO.