Ngày 14/7, phát biểu tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Xây dựng và Quản lý vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu trước ngày 10/8 phải hoàn tất việc ban hành thông tư làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc rà soát, phê duyệt, điều chỉnh vị trí việc làm công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của mình.
Thực hiện đề án xác định vị trí việc làm là một trong các giải pháp thực hiện cải cách chế độ công vụ, nhằm tới hai mục đích chính. Một là tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Hai là có thêm nguồn ngân sách để tăng lương cho cán bộ công chức, viên chức trong bộ máy. Tuy nhiên, đến nay việc xác định vị trí việc làm vẫn tiến hành rất chậm. Nhiều cơ quan, đơn vị lại thiết kế theo cách “đẽo chân cho vừa giày”, có nghĩa là lên kế hoạch theo số biên chế hiện có, chưa nói là với cách “chẻ việc”, “đẻ việc” lại làm cho số lao động không giảm mà còn tăng lên: một vị trí việc làm hiện có 2 người thì lại “chẻ việc” ra cho 3 người.
Còn thường thì, nói ví dụ, một cơ quan được xác định 50 biên chế thì đề án vị trí việc làm lại được xây dựng khớp với chỉ tiêu được giao, không giảm chút nào. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng có tới 20-30% (từ 10 đến 15 người trong tổng số 50 người) là “công chức cắp ô”.
Một bất cập khác khiến việc xác định vị trí việc làm bất cập là còn do cơ quan thẩm định thiếu hiểu biết chuyên sâu theo từng ngành, lĩnh vực nên cũng lại “áng chừng” trên cơ sở đề xuất của đơn vị, từ đó cũng thiếu hiệu quả.
Theo PGS Ngô Thành Can - nguyên Phó Trưởng khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự (Học viện Hành chính Quốc gia), thời gian qua việc đánh giá, xác định vị trí việc làm tại các cơ quan, đơn vị, địa phương không thực chất. Nhiều năm thực hiện nhưng quá trình này vẫn chưa đưa ra ngoài được những người không đáp ứng được công việc. Đồng thời cũng không phát triển được người có năng lực và mong muốn đóng góp. Trong khi đó, theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, một số bộ quản lý ngành, lĩnh vực chậm ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức, viên chức nghiệp vụ chuyên ngành. Một số lại xác định danh mục vị trí việc làm chưa đảm bảo nguyên tắc chung, chưa bao quát theo chức năng nhiệm vụ nên ảnh hưởng đến việc rà soát, phê duyệt, điều chỉnh vị trí việc làm công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.
Trở lại với việc nhiều nơi tìm cách hợp thức hóa công việc để không tinh giản, có khi còn tăng thêm, tại hội nghị chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Đề án vị trí việc làm do Bộ Nội vụ tổ chức cách đây chưa lâu, nhiều ý kiến đã chỉ ra nhiều bất cập, vướng mắc khi triển khai. Trong đó, rất đáng chú ý là ý kiến của đại diện Bộ Tư pháp khi cho rằng các quy định của pháp luật hiện hành về xây dựng và triển khai thực hiện Đề án vị trí việc làm tính khả thi không cao, khó thực hiện. Việc xây dựng khung năng lực của vị trí việc làm cũng mang tính chất định tính và bị chi phối bởi số lượng, chất lượng, kỹ năng làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện có. Do đó, khi xây dựng Đề án nói chung có hiện tượng hợp thức hóa các công việc đang thực hiện, tìm cách bảo toàn số lượng biên chế hiện có chứ không xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ để lựa chọn cán bộ, công chức.
Với từng cá nhân, nói như đại diện Sở Nội vụ Đà Nẵng thì nhiều người kê khai không đúng thời gian cần để thực hiện công việc của mình do lo sợ bị giảm biên chế. Vì thế, theo Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an), để đảm bảo thực hiện xác định vị trí việc làm thì cần phải có sự chuẩn hóa để tránh việc đối phó.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc xét duyệt thi đua hàng năm theo kiểu cả nể, “bệnh thành tích” cũng dẫn đến việc khó tinh giản do hầu hết đều hoàn thành nhiệm vụ trở lên. Vậy, làm sao có thể tinh giản những người năm nào cũng hoàn thành, hoàn thành tốt nhiệm vụ do chính thủ trưởng đơn vị xác nhận?
Mục đích xây dựng Đề án là làm cơ sở để cơ quan, đơn vị rà soát lại cơ cấu tổ chức, cách thức bố trí, phân công nhiệm vụ cho các phòng, ban, đơn vị trực thuộc; sắp xếp, bố trí lại đội ngũ phù hợp... và tiến tới cải cách tiền lương hiệu quả. Muốn thế, việc thiết kế vị trí việc làm phải thực chất, khách quan, không cả nể. Gánh nặng đó đặt lên vai người đứng đầu cơ quan, đơn vị và đó cũng chính là trách nhiệm công vụ của người đó.