Giám sát tăng học phí

Hà Trọng Nghĩa 19/07/2023 07:19

Làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ, ban ngành liên quan (chiều 17/7), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị phải nghiên cứu toàn diện, đánh giá đầy đủ khi xây dựng chính sách học phí mới. Trường tư tăng đã đành, nhưng trường công lại là vấn đề khác. Ở đây chỉ xin được nói chút ít về học phí trường đại học (ĐH) công lập.

Về phía các trường ĐH công lập (tự chủ, tự chủ một phần, chưa tự chủ) thì trường nào cũng muốn tăng học phí và coi đó là tất yếu. Lý do là được đầu tư ít, trường cần có tiền để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nghiên cứu khoa học và có khả năng trả lương ở mức đủ giữ chân giảng viên. Cở sở pháp lý để các trường muốn tăng học phí từ năm học mới 2023-2024 là Nghị định số 81 ngày 27/8/2021 của Chính phủ, cho phép từ năm học 2022-2023 các cơ sở giáo dục công lập được tăng học phí theo lộ trình.

Về nguyên tắc, các trường ĐH không thể tăng quá so với mức trần của Nghị định 81 nhưng thời gian qua một số trường đề xuất tự bảo đảm chi thường xuyên, dẫn tới học phí tăng cao, đột ngột. Trước đây, tại các trường ĐH công có chương trình đại trà và chương trình chất lượng cao với mức thu học phí khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay ở không ít trường ĐH công có các ngành đạt kiểm định đã không còn chương trình đại trà mà chỉ có chương trình chất lượng cao để thu học phí cao.

Về phía xã hội và người học (bao gồm phụ huynh và sinh viên) thì sao?

Trước tiên cần thấy rằng học phí không phải là thước đo để một trường ĐH lựa chọn và đào tạo được sinh viên giỏi. Và cũng không vì mức thu học phí cao mà trường trở nên danh giá hơn. Khi học phí cao, quá sức chịu đựng của nhiều gia đình thì sẽ có nhiều người trẻ bị chặn lại ngay trước cổng trường ĐH, trong đó rất có thể có nhiều thanh niên giỏi nhưng “chót sinh ra” trong gia đình nghèo.

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV mới đây, nhiều vị đại biểu Quốc hội đã lên tiếng về vấn đề này. Theo ông Đỗ Chí Nghĩa (đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên), học phí ĐH đang tăng lên rất cao. Ông Nghĩa giải thích lý do: Theo Nghị định 81, các trường sẽ được tự quyết học phí nếu kiểm định chương trình đào tạo. Từ đó, tạo nên làn sóng đua nhau thực hiện kiểm định để tăng học phí. Ông Nghĩa ví von: Nếu là dự án BOT sẽ là đường cũ để dân đi, người nào có tiền thì đi đường mới với sự đầu tư mới. Tuy nhiên, nhiều trường có những ngành học tăng học phí từ khoảng 20, 30 triệu lên 60 triệu bởi chỉ có “đường BOT” sau khi kiểm định xong thì tăng học phí.

Còn ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, cơ chế tự chủ đã làm cho cạnh tranh giữa các trường ĐH ngày càng gay gắt. Chất lượng đầu vào và đầu ra của sinh viên, học viên, đặc biệt trong đào tạo thạc sĩ, chất lượng giảng dạy tại nhiều trường ĐH không còn là mối quan tâm hàng đầu nữa mà thay vào đó là nguồn thu, số lượng sinh viên, học viên có thể tuyển sinh được.

Như vậy, tăng học phí không chắc chất lượng đào tạo sẽ tăng lên khi mà người học mua dịch vụ giáo dục bằng niềm tin chứ chưa thể biết được chất lượng thế nào.

Theo TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam thì với các trường ĐH công lập chi phí đào tạo đến từ các nguồn: ngân sách nhà nước, các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ... và học phí. Như vậy, học phí chỉ là một phần của chi phí đào tạo. Ông Khuyến cho rằng, để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho người học, nhất là các đối tượng yếu thế, các trường ĐH cần đa dạng nguồn thu, mở rộng, tìm kiếm các nguồn kinh phí ngoài học phí.

Từ đó có thể thấy, nếu các trường ĐH coi học phí là nguồn quan trọng để chi trả cho các nhu cầu nội tại của trường, từ đó tăng cao, thì điều đó đồng nghĩa với việc trút gánh nặng sang cho người dân. Từ đó có thể hiểu rằng, tăng học phí là bảo đảm quyền lợi cục bộ của nhà trường nhưng khó (hoặc không thể) có sự bình đẳng trong việc tiếp cận giáo dục ĐH, nhất là với con nhà nghèo.

Thực ra thì các trường ĐH sẽ mạnh nếu chính họ phát huy được thế mạnh, trong đó nguồn kinh phí có thể đến từ chuyển giao công nghệ, hỗ trợ từ doanh nghiệp, kể cả giảm chi thông qua chuyển đổi số, tiết kiệm điện nước và nhiều chi phí khác.

Nhà nước phải có trách nhiệm với giáo dục thông qua qua đầu tư, nhưng bản thân từng trường ĐH cũng phải năng động tìm kiếm nhiều nguồn thu từ lợi thế của mình cùng với việc nâng cao năng lực quản trị tài chính. Không thể quá đặt nặng vào việc nâng học phí, tìm mọi cách để tăng học phí. Các bộ, ngành liên quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với học phí va ở đây cũng rất cần có giám sát của người dân và xã hội. Không thể để các trường muốn tăng học phí thế nào cũng được.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giám sát tăng học phí