GS Trần Đình Sử là một trong những cái tên thường xuất hiện trong những câu chuyện liên quan đến giáo dục, đổi mới sách giáo khoa (SGK) trong thời gian gần đây. Mới đây ông cũng là người có nhiều chính kiến liên quan tới câu chuyện xóa bỏ “văn mẫu”.
Trên trang cá nhân của mình, GS Trần Đình Sử cho rằng, dạy và học theo văn mẫu là tâm lý ngắn hạn, cần nhanh chóng xóa bỏ. Việc Bộ trưởng Bộ GDĐT mở cuộc chiến chống tệ nạn dạy “văn mẫu” vào thời điểm này, là rất đúng lúc. Vì chúng ta đang bước vào thực thi chương trình giáo dục mới. Bốn năm nữa là xong thời hạn viết SGK mới và dạy theo chương trình mới và SGK mới. Bốn năm tới sẽ là 4 năm tập dượt. Đây là thời điểm vàng đề thực hiện triệt để theo chương trình mới.
“Chuyện dạy và học “văn mẫu” không chỉ gây bức xúc cho dư luận xã hội, mà còn làm “tan nát cõi lòng của chúng tôi, những người tham gia vào biên soạn chương trình và SGK đổi mới giáo dục nhiều năm qua”, GS Trần Đình Sử bày tỏ.
Theo GS, “văn mẫu” chính thức trở thành nạn sao chép học thuộc là khi ai đó quy định, giới hạn bài thi tốt nghiệp hoặc thi đại học vào các bài văn học ở lớp 11 và 12 THPT, quanh đi quẩn lại chỉ một số tác phẩm văn học như “Đây thôn Vỹ Dạ”, “Đây mùa thu tới”, “Tống biệt hành”, “Tây tiến”, “Hai đứa trẻ”, “Chữ người tử tù”, “Đất nước”, “Vợ nhặt”, “Sóng”… “Như vậy nhân tố tạo thành “văn mẫu” không không do chương trình, không ai quy định cái gọi là “mẫu”, mà do sự thu hẹp chương trình ôn thi và do các lò luyện thi”, GS Trần Đình Sử nhận định.
Để chấn chỉnh tiến tới xóa bỏ việc dạy và học theo văn mẫu, GS Trần Đình Sử nêu 5 điểm:
1. Việc đầu tiên là toàn ngành giáo dục, từ bộ trưởng, thứ trưởng phụ trách chuyên môn, vụ tiểu học, Vụ Tiểu học, Cục Khảo thí, các sở từ giám đốc sở, chuyên viên ngữ văn đến các hiệu trưởng, bộ môn Ngữ văn các trường, và cả các hội phụ huynh của trường ở các cấp và toàn xã hội đều cần nhận thức được thực trạng dạy văn mẫu trầm trọng thế nào, nguy hiểm thế nào, tác hại thế nào, để quyết tâm thay đổi thực trạng. Chỉ cần một khâu thiếu quyết tâm, xuê xoa thì công việc sẽ không thành hoặc bị biến tướng, rồi đâu sẽ vào đấy như cũ. Có thể và cần phải phát động cả một phong trào thi đua khắc phục tệ dạy văn mẫu trong các nhà trường trên cả nước. Có thể phải chấp nhận bước đầu, điểm học và thi của môn Ngữ văn sẽ bị thấp trong một thời gian ngắn.
2. Cở sở để khắc phục tệ nạn dạy văn mẫu là chương trình giáo dục Ngữ văn phổ thông đã công bố năm 2018. Chương trình tuy còn có ít nhiều hạn chế mặt này, mặt khác, song thực sự đó là chương trình giáo dục chống văn mẫu, nâng cao năng lực ngữ văn cho học sinh các cấp. Bộ phải lãnh đạo toàn ngành thực hiện chương trình này như một pháp lệnh.
3. SGK Ngữ văn mới đang được viết theo cách cuốn chiếu, đã có sách các lớp 1, 2 và lớp 6, có thể có chỗ này chỗ kia có người chưa ưng ý, song căn bản đó là sách viết theo chương trình chống văn mẫu, nâng cao năng lực ngữ văn cho học sinh. Muốn thực hiện chương trình thì giáo viên phải nghiên cứu kĩ, thực hiện việc dạy học cho tốt. Lúc đầu có thể bở ngỡ ít nhiều, nhưng dần dần quen thì sẽ thấy hợp lí. SGK cũng không bắt buộc giáo viên răm rắp tuân theo, mà họ có quyền điều chỉnh, sáng tạo, chủ động trong cách dạy, tất nhiên phải hiểu đúng tình thần của chương trình, không được làm biến tướng chương trình của Nhà nước.
4. Cần thay đổi tận gốc phương pháp dạy học Ngữ văn theo hướng dạy học đọc hiểu văn bản (không riêng gì văn bản văn học) và làm văn sáng tạo. Sức ỳ của lối dạy giảng văn, “nhá chữ” xưa cũ rất nặng nề. Nhiều thầy cô thích khoe tài giảng hay, nói khéo, nói ngọt trên lớp, mà không thấy rằng tài năng đích thực của thầy cô thể hiện ở chỗ dạy cho học trò có năng lực đọc hiểu được văn, viết được bài làm văn có ý riêng sáng tạo.
Thầy cô nên ít nói mà gợi mở nhiều cho học sinh tư duy, bớt khoe tài mà khích lệ những mầm mống biết suy nghĩ của học trò. Biết thực hiện nhiều bài tập phát huy sức sáng tạo cho người học…
5. Dứt khoát phải thay đổi cách thi và ra đề thi cuối năm, cuối cấp, các kì thi quốc gia bằng cách bỏ hẳn lối thi đếm ý chấm điểm. Chấm dứt ngay tư tưởng học gì thi nấy, nghĩa là học bài nào thi bài ấy, rất sai lầm, vì đây là học năng lực, không phải học ngữ liệu. Ngữ liệu đề thi không lấy lại các bài đã học trong SGK. Người ra đề phải tìm các văn bản khác có độ khó tương đương. Ngữ liệu không được quá dài. Bỏ các câu hỏi kiểu nhà văn sinh năm nào, bài văn thuộc phương thức biểu đạt gì, hoặc thể thơ gì quá đơn giản và ít có ý nghĩa. Tùy vào nội dung đặc điểm của văn bản mà ra các câu hỏi thích hợp, nhưng trong đó ít nhất có câu hỏi về nội dung, phân tích hình tượng, phân tích câu chữ. Lý giải một vấn đề (nghị luận) và có phần trắc nghiệm đọc hiểu. Khi học sinh đã quen với các kiểu bài tập này trong quá trình học tập thường niên rồi, thì các câu hỏi này sẽ chẳng có gì là khó đối với các em cả. Vấn đề là viết thế nào cho hay, cho sâu sắc mà thôi.