Không chấm điểm văn mẫu bởi văn học là cảm nhận của mỗi người, không một giáo viên nào muốn chấm 100 bài văn cùng một giọng điệu, cùng một lập luận, một dẫn chứng giống nhau.
Một câu chuyện cười ra nước mắt được phụ huynh kể lại. Để chuẩn bị cho kỳ thi trực tuyến cuối kỳ vừa qua, cô giáo yêu cầu học sinh lớp 2 tự viết, sau đó cô sửa, học sinh học thuộc 3 bài văn về 3 chủ đề khác nhau. Khổ nỗi, nay tả con chó rồi, học sinh lại muốn mai tả con mèo, ngày kia tả con gà, thậm chí là con chó khác vì “con ki nhà em bị chết rồi”, “em không thích lông nó màu xám nữa, đổi thành màu đen”… Muôn vàn lý do khiến học sinh không muốn “sao chép” lại chính mình.
Cô giáo phải phân tích mãi trò mới đồng ý tự học thuộc bài văn của mình. Cô nhắc nhở bố mẹ thường xuyên kiểm tra bằng miệng mỗi ngày để con khỏi quên. Kết quả là vào ngày thi trực tuyến, đề Tiếng Việt “trúng tủ”, học sinh tuôn ra như suối theo trí nhớ, chỉ là quên không viết dấu chấm, dấu phẩy! Cả 1 trang giấy toàn chữ, không hề có dấu câu nào khiến cả cô giáo và phụ huynh đều… ngỡ ngàng!
Không chấm điểm văn mẫu bởi văn học là cảm nhận của mỗi người, không một giáo viên nào muốn chấm 100 bài văn cùng một giọng điệu, cùng một lập luận, một dẫn chứng giống nhau. Có thể cùng xuất phát từ một dàn ý nhưng khi đặt bút triển khai phải là 100 giọng điệu, 100 sắc màu khác nhau.
Vừa rồi, tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục trung học do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã nhấn mạnh tới tinh thần học thật, thi thật. Trong đó, đối với môn Ngữ văn, cần chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu, dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò.
Văn mẫu là vấn nạn tồn tại nhiều năm nay, không phải bây giờ mới có, mới được nhắc đến song làm sao để triệt tiêu văn mẫu là câu hỏi không dễ trả lời. Bắt đầu từ đâu?
Không dám giảng những gì ngoài sách giáo khoa, giáo án là điều nhiều giáo viên vẫn đang áp dụng. Ngại thay đổi là một lý do, nhưng quan trọng hơn nếu không thay đổi cách kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn thì khó có giáo viên nào tự bước ra khỏi ranh giới văn mẫu.
Nhiều chuyên gia nhận định đề thi môn Văn dành cho các cấp học hiện vẫn chưa có sự đột phá, nội dung chỉ quanh quẩn là những tác phẩm có trong sách giáo khoa. Với cách ra đề thi như vậy, rất dễ dẫn tới tình trạng “học tủ, học vẹt”. Giáo viên chỉ cần cung cấp văn mẫu, tài liệu, học sinh chỉ cần… làu làu học theo là có điểm tốt.
Thay đổi lối mòn thi cử, không thí sinh nào bị “đánh trượt” ở trường thi thì viết không theo khung chấm điểm có sẵn mà tự do phân tích bằng trải nghiệm lứa tuổi, cách nhìn nhận của mình. Song song với đó là thay đổi tư duy của nhà giáo, những người cầm cân nảy mực, ươm mầm những giọng văn có cá tính, sắc thái riêng thay vì những bài văn đồng phục na ná nhau.
Về phần Bộ Giáo dục và Đào tạo, những vấn đề kỹ thuật liên quan tới dạy học, cách ra đề, lời giải và cách chấm thi, Bộ trưởng cùng cộng sự hoàn toàn có thể xử lý được. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng sẽ chú trọng hơn tới công tác sát hạch. Đó cũng là chỉ dấu rõ ràng rằng Bộ trưởng thấy lối ra của nạn văn mẫu trong nhà trường và triệt tiêu tư duy văn mẫu.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc phải củng cố Tiếng Việt cho học sinh. Bởi xuất phát từ nền tảng cơ bản là ngôn ngữ mẹ đẻ, sử dụng nhuần nhuyễn và thông thạo, chuẩn xác thì việc thoát văn mẫu hẳn sẽ dễ dàng hơn so với việc sử dụng bập bõm, lủng củng Tiếng Việt. Khi giỏi từ vựng, ngữ pháp Tiếng Việt thì học các ngoại ngữ đều thuận buồm xuôi gió hơn.