Trước câu chuyện chấm dứt văn mẫu được Bộ trưởng Bộ GDĐT nêu ra trước thềm năm học mới, dư luận xã hội bày tỏ sự đồng thuận cao. Vì đó là mong muốn lâu nay của nhiều người. Xã hội đã nhận ra điều này và đã mong muốn từ lâu. Song chưa thấy ngành giáo dục có những giải pháp mạnh tay, dứt điểm. Giờ, người đứng đầu ngành giáo dục nêu ra, lại đặt trong bối cảnh bắt đầu một năm học thật đặc biệt khi dịch bệnh bủa vây như hiện nay, nên nhận được sự quan tâm, bàn luận của nhiều người. Âu cũng là điều dễ diểu.
Trên nhiều diễn đàn giáo dục, không chỉ các nhà văn, nhà thơ, hay những chuyên gia giáo dục chỉ ra nguyên nhân sâu xa của “căn bệnh” mang tên văn mẫu, mà bản thân nhiều thầy cô trực tiếp giảng dạy cũng nêu ra những trải nghiệm của họ. Cô Trần Thành, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, nhiều năm dạy và chấm thi cô bắt gặp nhan nhản bài làm văn của học trò sao chép y nguyên bài mẫu. Ngay trong một lớp học, học sinh cũng có những bài kiểm tra viết na ná nhau. “Nguyên nhân đầu tiên là do quá trình dạy học giáo viên, nhà trường chạy theo bệnh thành tích. Muốn học sinh đạt điểm cao, giáo viên bằng mọi cách luyện cho học sinh viết dài, học thuộc để đạt điểm 10 mà không chú trọng đến việc dạy học sinh đọc văn, cảm thụ tác phẩm. Tiếp đến là do học sinh đi học thêm, được luyện trong các lò luyện thi”, cô Thành nêu quan điểm.
Điều này là một sự thật. Bệnh thành tích trong giáo dục thì đã có nhiều chuyên gia mổ xẻ, dẫn chứng. Còn chuyện dạy thêm, học thêm cũng là một hiện thực nhức nhối của ngành giáo dục. Chỉ khi dẹp được nạn dạy thêm, thì học sinh, sinh viên mới có thời gian để tích lũy vốn sống thực tế, để tư duy và bày tỏ những suy nghĩ, năng khiếu của mình. Còn khi, bằng cách này hay cách khác, thầy cô bắt học trò phải học thêm, và nhồi nhét vào đầu các em những bài văn mẫu, sang sảng giảng giải hết năm này đến năm khác những kiến thức cũ mòn với nhiều tác phẩm văn học quá quen thuộc, thì thật khó để có “kẽ hở” cho những sáng tạo từ phía học sinh.
Đồng tình với quan điểm cần chấm dứt việc dạy và học theo văn mẫu, bài mẫu, song một số ý kiến khác cũng cho rằng, cần đưa ra những lộ trình chứ không thể nói xóa là xóa ngay được. Cũng đừng kỳ vọng có thể thay đổi ngay trong năm học mới này.
Một số giáo viên dạy môn văn cho rằng, trong chương trình Giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa lớp 6 đã bắt đầu đổi mới cách dạy và học môn Ngữ văn. Theo đó, cách dạy và học sẽ dần chuyển sang hướng phát huy năng lực học sinh, hạn chế sự thụ động, học theo văn mẫu. Song, muốn có hiệu quả, giáo viên các lớp 7, 8, 9 hay THPT cũng cần dần thay đổi để đón lứa học sinh đổi mới từ lớp 6. Nhưng để làm được điều này, thì bản thân các thầy cô giáo thôi sẽ rất khó. Cần có những yêu cầu, chỉ đạo từ phía ngành giáo dục.
“Hiện vẫn xuất hiện những lò luyện thi văn mẫu; nhiều người vẫn lao vào viết sách văn mẫu để bán, vậy thì rất khó để thay đổi”, một giáo viên dạy văn kỳ cựu ở Hà Nội nói. Đáng quan ngại hơn, phần lớn tác giả của những bộ sách “mẫu” đó lại là các chuyên gia, giảng viên có tên tuổi ở các trường đại học sư phạm, nhiều người trong số họ còn tham gia hội đồng này, nhóm biên soạn kia, thậm chí có người là chủ biên sách giáo khoa Ngữ văn… Ngoài ra, còn có một số thầy cô là giáo viên phổ thông viết văn mẫu hoặc biên soạn và sưu tầm văn mẫu rồi xin giấy phép xuất bản, in và bán ra thị trường… Dó đó, cần phải “xóa sổ” những nhóm lợi ích đó.
Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Thủy - giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Hiệp Bình, Quận Thủ Đức, TPHCM cho rằng, năm học 2021-2022 là giai đoạn bản lề, giao thời giữa cũ và mới trong phương pháp dạy học môn Ngữ văn. Bối cảnh này đã và sẽ tác động mạnh mẽ đến hoạt động dạy, học môn Ngữ văn tại các nhà trường.
Theo cô Thuỷ, cách ra đề các kì thi cuối cấp, có một ảnh hưởng rất lớn đến thực tế giảng dạy, kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường THPT. Vấn nạn văn mẫu, bài mẫu có thể được loại bỏ dần dần khi có sự phối hợp đồng bộ của nhiều lực lượng, trong đó có sự nhìn nhận của xã hội và quan điểm của phụ huynh học sinh.