Đây là khẳng định của các đại biểu tại Hội thảo tăng cường chính sách thuế thuốc lá hướng đến phát triển bền vững do Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam và tổ chức HealthBrige Cannada tại Việt Nam tổ chức ngày 30/1, tại Hà Nội.
Theo đánh giá của các đại biểu, thuế thuốc lá Việt Nam hiện thuộc nhóm rất thấp so với thế giới và khu vực.
Theo các quy định pháp luật về thuế hiện hành, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá có thuế suất bằng 70% giá xuất xưởng.
Tuy nhiên, khi tính theo chuẩn quốc tế là thuế trong giá bán lẻ thì tỷ lệ thuế của Việt Nam (bao gồm cả VAT) chỉ chiếm khoảng 35,6% giá bán lẻ.
Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với trung bình thế giới là 56%, thấp hơn đa số các nước ASEAN và rất xa so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Chính vì thuế thấp nên giá thuốc lá ở Việt Nam cũng thuộc loại rẻ nhất trên thế giới và trong khu vực.
“Giá thuốc lá thấp nên tỷ lệ người hút thuốc lá ngày càng gia tăng. Theo thống kê mới nhất có 15,6 triệu người Việt Nam trên 15 tuổi hiện đang hút thuốc lá, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và đứng thứ 9 trên thế giới về số người hút thuốc cao nhất. Đáng lo ngại, tỷ lệ người nghèo hút thuốc gia tăng và chiếm tỷ lệ lớn trong số người hút thuốc lá” – bà Phạm Thị Hoàng Anh – Giám đốc HealthBrige Cannada tại Việt Nam cho biết.
Mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá đưa ra là giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới Việt Nam từ 45,3% năm 2015 xuống còn 39% năm 2020. Đây được xem là mục tiêu khá khiêm tốn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy để đạt con số 39% nam giới hút thuốc vào năm 2020 vẫn rất khó. Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có việc giá thuốc lá ở Việt Nam còn tương đối thấp; bên cạnh đó là việc bán thuốc lá tràn lan cho bất kỳ đối tượng nào khiến tỷ lệ người hút thuốc lá không những giảm mà còn tăng trong vài năm gần đây.
Nhằm hạn chế tác hại của thuốc lá, theo dự thảo “Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp Luật Thuế thu nhập cá nhân” đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến đề xuất: Từ 1/1/2020 sẽ áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp, bên cạnh thuế theo tỷ lệ hiện hành, bổ sung thuế tuyệt đối ở mức 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu, 15.000 đồng/điếu xì gà. Dù đang trong quá trình lấy ý kiến nhưng quy định này đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận.
Đánh giá về đề xuất nói trên, BS. Nguyễn Tuấn Lâm – Tổ chức WHO tại Việt Nam cho rằng, tăng thuế thuốc lá có hai lợi ích là làm giảm sử dụng thuốc lá qua đó giảm bệnh tật, tử vong do thuốc lá, đồng thời tăng thu thuế của Chính phủ.
“Thuế cao hơn sẽ được chuyển hóa vào giá và làm tăng giá thuốc lá. Người tiêu dùng phản ứng với sự tăng giá bằng cách giảm tiêu dùng. Đối với một bộ phận dân cư giá thuốc cao hơn sẽ khiến họ không bắt đầu hút thuốc.Vì thế tăng thuế sẽ khiến một số người hút thuốc lá bỏ thuốc, một số người giảm hút thuốc và ngăn chặn một bộ phận người dân không bắt đầu hút thuốc” – ông Lâm cho biết.
Theo tính toán của các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với phương án tăng thuế như trên vào năm 2020 tỷ lệ hút thuốc của nam giới sẽ giảm được khoảng 1,5% so với tỷ lệ hiện tại là 45,3%.
Về mặt thu thuế của Chính phủ, ước tính mức tăng thuế như trên sẽ giúp cho nguồn thu từ thuế thuốc lá của Chính phủ tăng thêm 3.900 tỷ đồng mỗi năm.
Đồng thời sẽ giảm khoảng 180.000 người hút thuốc và giúp tránh được 90.000 ca tử vong sớm trong tương lai.