Vào những dịp cuối năm, nhu cầu ăn uống, quây quần tại các nhà hàng, quán ăn tăng cao, kéo theo đó là hàng loạt vấn đề liên quan đến nguồn gốc thực phẩm, chất lượng đồ ăn và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Dưới đây là một số lời khuyên về những món ăn mà bạn không nên gọi khi đi ăn tại nhà hàng, quán ăn:
Món đặc biệt hoặc khuyến mại: Thông thường, một số nhà hàng làm các món đặc biệt dựa trên những thực phẩm sắp hết hạn. Tốt nhất, nếu muốn ăn đồ tươi, khách hàng nên ăn những món xuất xứ địa phương, chứ đừng dùng hàng nhập từ xa, hoặc chúng buộc phải được nhập mới trong ngày.
Soup: Súp thường được để trong thùng chứa lớn và không được bảo quản đúng cách vào ban đêm. Ngoài ra, đôi khi nguyên liệu làm súp là những thực phẩm cũ. Một nhân viên từng làm việc tại cửa hàng bánh sandwich tiết lộ, những món salad cá ngừ khi đạt chuẩn sẽ được đem bán cho khách hàng. Còn khi bị lỗi, chúng sẽ được dùng để làm súp kèm thêm với nước sốt, rau thơm...
Rau sống: Món rau sống ăn kèm không thể thiếu khi đi ăn ở hàng quán nhưng thực chất lại tiềm ẩn nguy cơ chứa các loại ký sinh gây hại như giun, sán. Chưa kể, rau sống còn được tưới bằng nước bẩn, bón phân tươi nên trở thành mầm mống cho ký sinh trùng sinh sôi.
Nếu không rửa sạch, các ký sinh trùng đi vào cơ thể sẽ dễ dẫn đến các bệnh về đường tiêu hóa như: Tiêu chảy, nhiễm giun sán, hay kiết lị. Vì thế, bạn nên hạn chế ăn rau sống tại các hàng quán kẻo "cái miệng hại cái thân".
Thịt chín kỹ: Hầu hết các đầu bếp đều khuyên bạn không nên gọi những món thịt chín kỹ trừ những trường hợp đặc biệt dành cho người già hay phụ nữ đang mang thai... Bởi vì những phần thịt nấu chín kỹ thường là những phần thịt kém chất lượng hơn, chúng thường mỏng hoặc cứng, dai hơn, thậm chí nếu rủi ro hơn, bạn còn bị dính vào những miếng thịt được "tái sử dụng".
Bò tái: Hiện nay rất nhiều người ưa chuộng mấy món thịt bò nhúng, bò tái hay bít tết tái hồng bởi tin rằng miếng thịt như vậy mới giữ được nguyên vẹn vị thơm ngọt, không bị dai. Sự thật là bệnh sán dây bò lại bắt nguồn từ món ăn này.
Loài sán này rất nguy hiểm, có thể sống trong cơ thể người 50 - 60 năm ở trong ruột, trong cơ, não, mắt... Trong khi đó, tỷ lệ trâu, bò nhiễm sán lá gan lớn từ 31 đến 98%. Nhằm đảm bảo sức khỏe hãy "nói không" với các món tái mà cứ chín kỹ cho an toàn.
Các loại viên nhúng lẩu: Để tăng cường hương vị cho nồi lẩu, không ít nhà hàng có bổ sung các loại cá viên, bò viên, tôm viên vào thực đơn cho khách lựa chọn, đồng thời đây cũng là loại thực phẩm mà trẻ nhỏ rất yêu thích.
Tuy nhiên theo trang QQ (TQ), nguyên liệu để làm các loại thịt viên thường đến từ rất nhiều loại thịt vụn trộn với nhau. Chưa kể, các thành phần chủ yếu là chất béo, mỡ, mà điều kiện vệ sinh lại rất kém. Không những vậy, thịt viên có thể bị nhiễm bụi bẩn từ cơ sở chế biến, đồng thời chứa rất nhiều lông động vật không được làm sạch. Loại thực phẩm này khó mà đảm bảo được vệ sinh và dinh dưỡng, vì vậy tốt nhất nên tránh ăn.
Bánh mỳ: Khi ăn ở nhà hàng, đôi khi bạn sẽ bắt gặp những giỏ bánh mỳ được xếp ngay ngắn trên bàn hoặc có nhiều người thường có thói quen gọi thêm bánh mỳ khi ăn. Tuy nhiên, ba đầu bếp nổi tiếng người Mỹ đã thừa nhận với tạp chí Food Network rằng những lát bánh mỳ mà bạn thấy đôi khi có thể là đồ ăn thừa của những bàn khác chuyển đến. Tất cả chúng đều được làm nóng trước khi phục vụ nhưng chưa chắc chúng đã là hàng mới.
Bạn sẽ không thể biết liệu những miếng bánh mỳ thừa đó có dính vi khuẩn từ nước miếng của người sử dụng trước đó hay không. Để an toàn, tốt nhất không nên ăn bánh mỳ trong các nhà hàng trừ khi bạn biết rõ rằng chúng hoàn toàn mới.
Hàu sống: Món hàu sống rất ngon nhưng luôn đi kèm với những rủi ro sức khỏe. Theo ông Jory D. Lange, một luật sư của các vụ ngộ độc thực phẩm cho biết một con hàu có thể chứa những vi khuẩn vô cùng đáng sợ, đó là norovirus, Shigella và Vibrio (vi khuẩn ăn thịt). Vi khuẩn Vibrio có thể khiến bạn nôn ói, tiêu chảy hoặc ngộ độc thực phẩm.
Một đầu bếp được đào tạo bởi Cordon Bleu Mark Nichols cũng cho biết, mình không bao giờ gọi hàu ở bất cứ nhà hàng nào nếu như không biết nguồn gốc của những con hàu đó và chúng được bảo quản như thế nào, nếu ăn phải những loại hàu không được bảo quản đúng cách thì việc ăn sống có thể giết chết bạn.
Đồ chay: Nhiều nhà hàng vẫn sử dụng chất béo động vật trong nước sốt, như một chất làm đặc tự nhiên. Nhiều đầu bếp dùng tay hoặc các dụng cụ dính thịt để làm món.
Cocktail: 95% các loại quả như cam, chanh... để làm cocktail gần như không được rửa sạch, còn người phục vụ đều xử lý bằng tay trần.
Burger: Với những người thích đồ ăn nhanh, thật khó cưỡng lại được một chiếc burger bò với lớp thịt béo ngậy, thơm phức bên trong nhưng thực sự bạn cần nghe những lời khuyên của các đầu bếp khi quyết định gọi món này. "Chẳng có lý do gì để bạn phải trả hơn 20 đôla cho một chiếc burger. Nếu những đầu bếp kẹp những nguyên liệu đắt tiền vào chiếc bánh, đơn giản bởi họ đang muốn moi tiền từ bạn", một đầu bếp nổi tiếng cho biết. Trên thực tế, phần thịt của burger đều là phần thịt không thực sự ngon như bạn tưởng bởi chả ai dùng những phần thịt đắt tiền để làm burger.
Thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương đã tăng cường triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP). Tuy nhiên, nguy cơ mất ATTP, ngộ độc thực phẩm (NĐTP) luôn diễn biến phức tạp tại những nhà hàng, bữa ăn đông người, bếp ăn tập thể, tiệc liên hoan, thức ăn đường phố, do vi khuẩn và độc tố... Do đó, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần cẩn trọng chọn mua, bảo quản, tiêu thụ thực phẩm để phòng ngừa ngộ độc.