Thời gian gần đây, thời tiết khá thất thường khi nhiệt độ liên tục thay đổi đột ngột, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn gây bệnh về đường hô hấp (viêm phế quản, viêm mũi, họng,…) phát triển đặc biệt gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người già và trẻ nhỏ.
Tại BV Lão khoa trung ương những ngày vừa qua, tỷ lệ bệnh nhân vào khám, điều trị liên quan đến các bệnh lý đường hô hấp liên tục tăng cao. Biểu hiện của bệnh thường là ho, sốt, có đờm, khó thở, khò khè... Không ít bệnh nhân viêm phổi nặng phải nhập viện điều trị.
BS Trần Đình Thắng- BV Lão khoa trung ương cho biết, với viêm mũi họng, bệnh có thể khởi phát bằng các đợt cấp tính và dần chuyển sang mạn tính nếu không được điều trị dứt điểm. Các cơn ho kéo dài có thể gây đau thượng vị và kẽ liên sườn do cơ hoành bị kích thích nhiều gây co kéo. Viêm họng mạn tính hoặc viêm mũi mạn tính cũng rất dễ gây ra viêm xoang. Đối với viêm phế quản, viêm phổi thường rất nguy hiểm với người già bởi dấu hiệu lâm sàng không đặc trưng. Người cao tuổi bị viêm phế quản, viêm phổi không sốt cao như người trẻ nên người thân dễ chủ quan, thường chỉ đưa vào viện khi bệnh đã diễn biến xấu. Do vậy, người cao tuổi cần cảnh giác với những dấu hiệu bệnh, chú ý đến những thay đổi bất thường của cơ thể để xử lý kịp thời.
Theo BS Trần Đình Thắng, lý do khiến người già nhập viện vì bệnh viêm đường hô hấp liên tục gia tăng ở thời điểm này vì thời tiết bước vào giai đoạn nồm ẩm, độ ẩm trong không khí cao gây cảm giác khó chịu, mệt mỏi cho cơ thể. Mặt khác, độ ẩm cao còn tạo điều kiện tốt cho các loại virus, vi khuẩn, nấm mốc phát triển, dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhất là với người già có sức đề kháng kém. Những người cao tuổi có thói quen hút thuốc lá, thuốc lào, uống rượu bia càng dễ mắc những bệnh này…
Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ - Trưởng khoa Hồi sức tích cực – BV Bạch Mai biện pháp phòng bệnh hữu hiệu là giữ gìn vệ sinh nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ. Thường xuyên lau nhà cửa bằng những loại vải dễ hút nước. Chăn màn cũng nên thay đổi thường xuyên đề phòng nấm mốc, ẩm ướt gây nhiều loại bệnh. Quần áo trước khi mặc nên sấy, tránh mặc quần áo ẩm.
Để phòng bệnh về đường hô hấp hoặc bệnh cúm, hằng ngày, mỗi người cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ bằng cách đánh răng sau mỗi bữa ăn và súc họng bằng nước muối loãng.
Riêng với bệnh cúm, khác với nhiều loại vắc xin khác, tiêm đủ số mũi là có tác dụng phòng bệnh, vắc xin cúm cần tiêm phòng mỗi năm. Việc tiêm phòng cúm sẽ giảm được nguy cơ mắc bệnh; khi mắc bệnh, biểu hiện bệnh cũng sẽ nhẹ hơn những người chưa tiêm vắc xin phòng bệnh. Do đó, mọi người nên tiêm vắc xin phòng cúm, nhất là những người có cơ địa miễn dịch yếu kém như người cao tuổi, trẻ em...