Thời gian qua, nhiều dự án, khu công nghiệp được xây dựng tại Việt Nam đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, có đến 80% khu công nghiệp vi phạm các quy định về môi trường hiện nay thực sự là một con số đáng quan ngại. Đáng chú ý, theo nhận định của giới chuyên gia, nếu không muốn đánh đổi môi trường, cần cân nhắc kỹ khi tiếp tục cho xây dựng các dự án thép vì đây là “đối tượng” tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Môi trường có thể phải trả giá vì mục tiêu tăng trưởng nóng.
Tiếp tục xây dựng dự án thép
Làm thế nào để vừa tăng trưởng nhưng vẫn giữ sạch được môi trường? Đó có lẽ là câu hỏi được quan tâm nhất hiện nay. Bộ trưởng Bộ Công thương cách đây không lâu đã đưa ra tuyên bố: “Quyết không đánh đổi môi trường lấy dự án”.
Tuy nhiên, không ít chuyên gia đặt câu hỏi: Nếu quyết tâm loại bỏ các dự án gây ô nhiễm môi trường và không đánh đổi môi trường bằng các dự án, tại sao nhà quản lý vẫn có chủ trương tiếp tục đưa các dự án thép lò cao vào quy hoạch?
Cụ thể, theo chủ trương của Bộ Công thương, sẽ tiếp tục xây dựng các nhà máy thép lò cao với công suât 7-10 triệu tấn/năm. Theo nhận định của Bộ Công thương, nếu xây dựng được các khu luyện thép liên hợp có công suất 7-10 triệu tấn/năm, mỗi năm chúng ta có thể khai thác được khoảng 15 triệu tấn quặng sắt từ mỏ sắt Thạch Khê và các mỏ sắt khác trong nước.
Lượng quặng sắt trong nước đủ dùng cho khoảng thời gian 30 năm. Với giá quặng nhập khẩu hiện nay khoảng 60 USD/tấn thì mỗi năm sẽ đóng góp khoảng 900 triệu USD vào giá trị sản xuất nội địa, tương đương 2 triệu tấn dầu thô theo thời giá hiện nay, đóng góp khoảng 0,3% GDP ( năm 2015, GDP Việt Nam khoảng 193 tỷ USD). Đồng thời, sẽ góp phần hạn chế nhập siêu ngành thép mỗi năm 3-4 tỷ USD, tăng nội lực đất nước, đảm bảo nền công nghiệp quốc phòng vững mạnh.
Bộ Công thương cũng đưa ra nhiều lợi thế mà Việt Nam có thể có khi phát triển các dự án thép trong thời gian tới, đó là lợi thế về nguồn nguyên liệu đầu vào, lợi thế cảng nước sâu, lợi thế nhân công, và lợi về chi phí vận chuyển…
“Do vậy, nếu được đầu tư bài bản, chọn đúng hướng đi của các dòng sản phẩm, ngành thép Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh đối với hàng hóa nhập khẩu”-Bộ Công thương nhận định.
Nói về những lo ngại các dự án thép có thể tác động đến môi trường kể từ sau sự cố Formosa, Bộ Công thương cho biết: Theo thống kê của Hiệp hội thép thế giới, sản lượng thép thô thế giới năm 2013 là 1.65 tỷ tấn, năm 2014 đạt 1.67 tỷ tấn.
Trong đó, công nghệ sản xuất thép từ quặng sắt bằng công nghệ lò cao - lò thổi ôxy chiếm khoảng 70% sản lượng, công nghệ lò điện và các công nghệ còn lại chỉ chiếm khoảng 26 - 30%.
Như vậy có thể thấy, sản xuất thép từ quặng sắt sử dụng công nghệ lò cao - lò thổi là công nghệ chính sản xuất thép thế giới hiện nay.
Một thực tế, có hàng trăm tổ hợp thép lớn trên thế giới hoạt động ở cả vùng ven biển hoặc sâu trong lục địa (trong số đó có nhiều nhà máy hoạt động cả trong các thành phố lớn, đông dân cư).
Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, hầu hết các nhà máy đều chưa xảy ra sự cố lớn về môi trường… Các quốc gia phát triển (Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...) vẫn phát triển các khu liên hợp luyện cán thép quy mô lớn.
Nhận định như vậy, Bộ Công thương đưa ra khẳng định: Với trình độ khoa học, công nghệ và thiết bị luyện gang thép hiện nay, nếu tuân thủ đầy đủ các quy trình, quy định về trong vận hành, hoàn toàn có thể kiểm soát được vấn đề môi trường đối với các dự án.
Cân nhắc
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia kinh tế, để bảo vệ được môi trường thì việc tiếp tục phát triển các dự án thép, xi măng, hóa chất là không nên.
Cụ thể, theo GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, vấn đề hiện nay mà bất cứ ai nhắc đến tăng trưởng kinh tế cũng phải quan tâm đó là: Làm thế nào để tăng trưởng nhưng vẫn giữ sạch môi trường?
Điều đầu tiên chính là cơ cấu kinh tế giúp chúng ta có thể đạt được mục tiêu đó. Song theo GS Mại, hiện nay Bộ Công thương vẫn đưa dự án Thép Cà Ná vào quy hoạch.
“Nếu đứng dưới góc độ một đất nước đang phát triển như Việt Nam, đi sau các nước và đang tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng, mà vẫn sản xuất thép theo dạng lò cao là không thể chấp nhận được”, GS Mại nhấn mạnh.
Theo ông Mại, lâu nay, không chỉ đối với dự án thép Cà Ná, ông đã lên tiếng phản đối sự tồn tại của các nhà máy thép cũng như các nhà máy xi măng, hóa chất khác, vì chính những nhà máy này chính là “thủ phạm” gây ra ô nhiễm môi trường nặng nề nhất.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia hiện nay cũng đều cho rằng, nhà quản lý cần phải cân nhắc kỹ khi tiếp tục xây dựng các dự án thép vì môi trường sống của chúng ta có thể sẽ phải trả giá rất đắt. Bên cạnh những tác động đối với môi trường của các dự án thép, theo giới chuyên gia kinh tế, việc thu hút FDI cũng cần phải xem lại nếu Việt Nam không muốn đánh đổi môi trường.
Phần lớn các DN FDI coi môi trường là yếu tố để giảm chi phí, bởi vậy, các DN này đã mang công nghệ bị cấm sử dụng ở nước họ sang Việt Nam vì Việt Nam là nơi có tiêu chuẩn môi trường thấp hơn.
Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, thu hút FDI phải hướng đến yếu tố sạch mới mong nền kinh tế có thể tăng trưởng một cách bền vững.