Ngày 29/8 Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, cảnh báo khẩn sản phẩm pate Minh Chay nhiễm vi khuẩn độc botulinum, gây tình trạng liệt cơ, suy hô hấp khiến 9 người nhập viện trên cả nước.
Sản phẩm do Công ty Lối Sống mới sản xuất, trụ sở tại Hà Nội, chỉ kinh doanh online. Cục An toàn Thực phẩm thu hồi sản phẩm, khuyến cáo người dùng không ăn; nếu sau khi ăn xuất hiện các triệu chứng bất thường cần nhập viện ngay. TP HCM xác định 1.290 người mua sản phẩm công ty này, Hà Nội gần 1.200 người, tuy nhiên số sản phẩm thu hồi được chỉ 10%.
Sáng 4/9, ông Trần Công Ân, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Vĩnh Đức, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam cho biết đang điều trị cho ba bệnh nhân chẩn đoán bị ngộ độc thực phẩm do nhiễm độc tố botulinum từ pate Minh Chay. Ba bệnh nhân mới tại Quảng Nam nâng số người ngộ độc phải nhập viện lên 14. Hầu hết bệnh nhân nhập viện muộn, tình trạng nguy kịch phải thở máy liên tục dài ngày. Tình trạng ngộ độc botulinum 30 năm qua không xuất hiện ở Việt Nam nên không có huyết thanh và thuốc đặc trị, phải đặt mua từ nước ngoài về, bệnh nhân phải thay huyết tương nhiều lần.
Trước tình trạng này, nhiều người dân tỏ ra vô cùng lo lắng khi không thể nhận biết được việc thực phẩm đóng hộp có nhiễm khuẩn hay không. Về vấn đề này, PGS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho biết thực phẩm đóng hộp nằm trong hộp kín phải mở ra kiểm tra mới xác định được chất lượng. Tuy nhiên, bạn có thể dùng giác quan để quan sát màu, trạng thái đặc lỏng, hạn sử dụng và hình dáng bên ngoài hộp có nguyên vẹn để đảm bảo an toàn.
Theo ông Thịnh, đồ hộp có hiện tượng phồng nắp hoặc phồng căng, biến dạng có thể do vi sinh vật sinh khí phát triển, phân hủy và tạo ra khí như CO2, NH3... và sản sinh các độc tố. Trong không gian kín làm tăng áp lực gây ra méo hoặc căng hộp. Khi mở nắp nghe tiếng xì là do ém khí lâu. Ngoài ra, chế biến không đúng quy trình tạo điều kiện để vi sinh vật phát triển khiến sản phẩm bị chua và hỏng. Ví dụ, Clostridium botulinum là vi khuẩn kỵ khí.
“Môi trường càng đóng càng kín bao nhiêu thì nó càng sinh nhiều chất độc bấy nhiêu”, ông Thịnh nói.
Tuy nhiên, có nhiều loại vi sinh vật phát triển không sinh ra chất khí, có thể gây phồng hộp hoặc không nên khó phát hiện.
“Do đó, dấu hiệu phồng lên chỉ là một biểu hiện để cân nhắc dùng đồ hộp”, ông Thịnh nhận định.
Theo ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, thế giới đã cảnh báo những sản phẩm có nguồn gốc nông sản, lại đóng hộp nguy cơ nhiễm khuẩn botulinum cao hơn các loại khác. Người tiêu dùng lưu ý, hộp thực phẩm có hiện tượng phồng nắp hoặc hộp phồng căng bị biến dạng thì không nên sử dụng.
Các chuyên gia khuyến cáo, tất cả các đồ hộp dấu hiệu hỏng do vi sinh vật gây ra, dù hộp bị phồng hay không bị phồng, đều không thể sử dụng làm thức ăn, phải hủy bỏ. Người tiêu dùng nên mua thực phẩm đóng hộp ở cửa hàng uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Kiểm tra hình thức và hạn sử dụng của đồ hộp trước khi mua.