Có nhiều điểm sáng khi xuất nhập khẩu gia tăng, song, bên cạnh những tín hiệu vui này thì nhiều ý kiến quan ngại hạ tầng logistic không đáp ứng nhu cầu. Cụ thể là tình trạng ùn tắc tại cảng Cát Lái (TP HCM).
Quá công suất
Tại hội thảo “Giảm ùn tắc và cải thiện logistics tại cảng Cát Lái”, do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ngày 19/5, tại TP HCM, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho hay, hàng năm cảng Cát Lái phải xử lý một lượng lớn container hàng hóa xuất nhập khẩu. Theo đó, năm 2020 cảng xử lý được 5,6 - 5,7 TEUs.
Năm 2021, trước ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng đơn vị cũng xử lý được 5,5 triệu TEUs. Dự kiến năm 2022 sẽ đáp ứng khoảng 6,5 TEUs.
Dự báo, khối lượng container qua cảng Cát Lái sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030. Điều này tạo áp lực khổng lồ lên hệ thống và hạ tầng hiện nay. Theo Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, có trung bình 16.400 xe tới cảng mỗi ngày để xuất - nhập hàng hóa.
Thậm chí, lúc cao điểm lên đến 20.000 - 22.000 xe. Ngoài ra xe phải xếp hàng 2 - 3 giờ trước khi đến cổng cảng, gây ách tắc giao thông xung quanh và dọc những tuyến đường dẫn vào cảng. Nhu cầu giải quyết ùn tắc ngày càng trở nên cấp thiết khi tính đến tốc độ tăng trưởng container dự kiến.
Nghiên cứu kỹ hoạt động của cảng Cát Lái, ông Claudio Dordi, Giám đốc Dự án USAID TFP nhận định, cảng Cát Lái đang xử lý quá công suất. Cụ thể, năm 2020 cảng phải xử lý 5,5 triệu TEUs, dù công suất thiết kế là 2,5 triệu TEUs. Hiện công suất sử dụng của cảng lên đến 90%, trong khi cảng của các nước trên thế giới chỉ hoạt động khoảng 70 - 80%.
Dự báo, cảng Cát Lái sẽ quá tải lớn trong thời gian tới khi lượng container về cảng sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 vì Việt Nam đang đẩy mạnh hoạt động thương mại với các nước.
Về vấn đề nguy cơ quá tải ở cảng Cát Lái, ông Hoàng Hồng Giang, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, sản lượng hàng hóa thông qua cảng của khu vực chiếm tới 48,8% cả nước, trong đó sản lượng hàng hóa thông qua cảng Cát Lái luôn ở vị trí cao nhất.
Trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng hàng hóa thông qua cảng này đạt 8,3%/năm. Trung bình một tuần cảng đón khoảng 80 - 90 chuyến tàu và 16.400 lượt xe ô tô ra vào cảng.
“Với tốc độ phát triển và sản lượng hàng hóa thông qua như vậy, cảng biển Cát Lái gần như đã hoạt động hết công suất, giao thông tại cầu cảng và đường bộ sau cảng thường trong tình trạng quá tải. Tình trạng trên ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác cảng và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến chi phí logistics”, ông Hoàng Hồng Giang nhấn mạnh.
Bàn cách giảm ùn tắc
Để giải bài toán tình trạng quá tải của cảng Cát Lái, ông Nguyễn Phương Nam cho hay, cảng đã triển khai 31 bãi bốc dỡ ngoài cảng nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được nhiều do nhiều yếu tố khách quan. Nếu được các cơ quan chức năng cho phép điều chỉnh quy hoạch sẽ tăng diện tích dành cho dịch vụ khai thác logistics ngoài công cảng. Trường hợp bãi chứa được triển khai, nhiều container rỗng được chuyển đi để dành đất cho container hàng nhập về.
Ngoài ra, vị này cho rằng, cần có quy định container hàng nhập về sau 48 giờ phải chuyển ra ngoài. Còn tồn quá 30 ngày phải di chuyển về các cảng sâu trong nội địa. Nếu thực hiện đúng quy định trên thì trung bình một năm cảng Cát Lái sẽ xử lý được 6,5 triệu TEUs.
“Cảng Thượng Hải họ quy định ngày nhất định để nhận hàng, không nhận, chậm nhận hàng sẽ có chế tài hoặc phải di chuyển đến các bãi khác” - ông Nam dẫn chứng.
Trước tình hình này, ông Claudio Dordi cho rằng, giải pháp trước mắt hiện nay nhằm giảm quá tải cho cảng Cát Lái chính là lập bến xà lan chuyên dụng tại cảng Cái Mép. Dịch vụ xà lan có thể cải thiện hơn nữa vì bến xà lan hiện có tại cảng Cái Mép (Vũng Tàu) không có đủ công suất. Hệ thống xà lan hiện nay không thể phục vụ được 9 triệu TEUs/năm, chỉ đang phục vụ được 4,5 triệu TEUs.
Hiện 90% lượng container xử lý tại cảng Cái Mép được đưa về TP HCM bằng xà lan 100 - 150 TEUs. Thời gian tới, nếu cần tăng tàu cập cảng Cái Mép thì phải tính toán sao đó cho hoạt động thuận lợi hơn. Đồng thời cần có quy định rõ ràng đảm bảo hoạt động đường thủy vì đang có 63 tuyến xà lan hoạt động 2 chiều.
Đồng quan điểm trên, ông Hoàng Hồng Giang cho rằng: “Với sản lượng hàng hóa thông qua cảng đã vượt quá công suất thiết kế, cùng với tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 15%, cho nên việc đầu tư xây dựng bến sà lan chuyên dụng là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay để giảm tải cho bến cảng chính, đáp ứng được nhu cầu hàng hóa xuất nhập khẩu ngày càng tăng trong thời gian tới”.