Càng ‘yên’ càng cần cảnh giác

Nam Việt 25/11/2020 07:06

Ngày 23/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã kiểm tra việc thực hiện phòng, chống dịch tại hai tỉnh Long An và Đồng Nai.

Kiểm tra thân nhiệt tại Bệnh viện K, kể cả với cán bộ y tế.

Long An là tỉnh có đường biên giới (132 km), còn Đồng Nai có nhiều khu công nghiệp đông công nhân cũng như chuyên gia nước ngoài. Nhìn chung, đây là hai “địa chỉ” cần rất cảnh giác với dịch Covid-19 từ ngoài vào cũng như ngay tại bên trong.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng ta phải giữ an toàn, tạo điều kiện phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế, xã hội. “Bao đê cho chặt”, Phó Thủ tướng lưu ý tỉnh Long An cũng là thông điệp gửi tới tất cả các địa phương có đường biên giới.

Tại cuộc kiểm tra, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý tới việc phòng, chống Covid-19 trong các cơ sở y tế, trường học. Trước hết hệ thống phòng chống dịch phải được siết chặt, kể cả các trạm y tế, tư nhân.

Các cơ sở y tế luôn duy trì trạng thái sẵn sàng để trong trường hợp có ca nhiễm thì khoanh vùng, cách ly dập dịch thật sớm. “Chúng ta nhất định không được để “thủng” hệ thống phòng chống dịch, trong đó mạng lưới cơ sở y tế là xung yếu, các khoa thận nhân tạo, hồi sức, cấp cứu là xung yếu của xung yếu”.

Đáng chú ý, theo Phó Thủ tướng, sau một thời gian “yên”, đã xuất hiện tâm lý chủ quan trong phòng, chống Covid-19. “Chúng ta phải chú ý đến cả những chi tiết nhỏ. Lúc khó khăn thì phải bình tĩnh, nhưng lúc thuận lợi thì phải hết sức cảnh giác”, Phó Thủ tướng nói.

Tâm lý chủ quan với Covid-19 là có thật và đáng tiếc là có xu hướng lan rộng, không chỉ ở một địa phương nào. Trong cuộc chiến chống Covid-19, Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp khẩn trương, quyết liệt nên đã thu được những kết quả đáng tự hào.

Trong khi tại thời điểm này, thế giới vẫn chao đảo vì đại dịch. Con số người mắc trên toàn thế giới đã cán mốc 60 triệu. Nước Mỹ dẫn đầu thế giới khi đã có tới 13 triệu người mắc SARS-CoV-2. Ấn Độ, quốc gia châu Á, cũng là quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới thì cũng đứng thứ hai về số ca lây nhiễm, với gần 10 triệu ca. Với châu Âu, mùa đông năm nay là mùa đông khắc nghiệt khi lần thứ hai dịch Covid-19 bùng phát buộc nhiều nước phải tái áp dụng lệnh phong tỏa, giãn cách.

Trong tình thế đó, Việt Nam không phải là ốc đảo, vì thế nguy cơ lây nhiễm vẫn còn đó, không thể chủ quan.

Còn nhớ, trong đợt chống Covid-19 đầu tiên, chúng ta đã có tới 99 ngày cả nước không phát hiện ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Nhưng rồi thật bất ngờ, cho tới ngày 25/7, Đà Nẵng bùng phát dịch, buộc cả nước lại phải vào cuộc chiến đấu mới, cũng gian nan không kém lần trước.

Tới nay, cũng đã được gần 90 ngày cả nước không phát hiện ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, cũng là thành công lớn. Nhưng ngay vài ba cơ quan chức năng lại thông báo có ca Covid-19 từ nước ngoài vào, phải tiến hành cách ly ngay. Điều đó cho thấy vẫn chưa thể yên tâm.

Việc Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tới phải quyết liệt đề phòng dịch trong các cơ sở y tế phải được xem là rất quan trọng. Trở lại với đợt bùng phát dịch thứ hai, thì cũng bắt đầu từ một bệnh viện ở Đà Nẵng, sau đó là một số bệnh viện khác.

Còn trong lần thứ nhất, hẳn chúng ta chưa thể quên đến ngay cả Bệnh viện Bạch Mai lớn như thế, hiện đại như thế, với đội ngũ thầy thuốc hùng hậu như thế mà cũng bị SARS-CoV-2 tấn công. Bệnh viện là lá chắn che chở cho xã hội trước dịch bệnh, nếu tấm lá chắn bị xuyên thủng thì tai họa sẽ rất lớn.

Điều này chính là hồi chuông cảnh báo dành cho các cơ sở y tế, không bao giờ được phép chủ quan. Trái lại, phải làm gương cho toàn xã hội về phòng, chống dịch bệnh.

Thật đáng suy nghĩ khi Phó Thủ tướng nói rằng, lúc khó khăn thì phải bình tĩnh, nhưng lúc thuận lợi thì phải hết sức cảnh giác. Tới thời điểm này, chúng ta đã chặn được sự lây lan của Covid-19, đó là thuận lợi, nhưng thuận lợi thì cũng lại dễ sinh tật chủ quan. Covid-19 như một bóng ma, nhè lúc sơ hở để tấn công.

Mà cũng không chỉ gói lại trong chuyện chống Covid-19. Ở đời, cũng ít người “thấm nhuần” rằng khi cuộc sống thuận lợi, đời đang “lên hương” thì lại càng cần phải biết coi chừng. Trước hết là do bản thân lúc đang đắc thế thì “tít mắt” lại, dễ làm bừa làm ẩu, tự mình rước họa vào thân.

Còn với bên ngoài, nào phải ai cũng thích, cũng phục mình, ngấm ngầm đợi anh sảy chân lỡ miệng là “tung chưởng”. Không ít người “chết đau chết đớn” ngay lúc đời “lên hương” chính là vì thế. Đắc chí dẫn đến thói “mục hạ vô nhân”. Lúc bị dính đòn đau thì than thân trách phận, nhưng hỡi ôi, khôn lại già rồi.

Thì Covid-19 cũng thế thôi, nó “rình” lúc anh chủ quan, sơ hở là tấn công.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Càng ‘yên’ càng cần cảnh giác