Không thực hiện đúng giao dịch thanh toán mua - bán, mất hàng, hàng bị trả về không rõ lý do,… là những “ngón đòn” mà doanh nghiệp trong nước đang đối diện.
Ảnh minh họa.
Mới đây nhất, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) lên tiếng cảnh báo các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần cảnh giác vì có doanh nghiệp bị lừa đảo trong hoạt động giao dịch.
Vasep thông tin, các lô hàng thủy sản của doanh nghiệp xuất cho đối tác đều được thanh toán qua một ngân hàng cụ thể bằng hình thức L/C và có giấy chứng nhận an toàn của cơ quan kiểm soát an toàn thực phẩm.
Thế nhưng khi các ngân hàng đại diện cho doanh nghiệp tại Việt Nam gửi hồ sơ, chứng từ cho ngân hàng nước ngoài đề nghị thanh toán tiền hàng sau khi đối tác đã lấy được hàng thì phía ngân hàng nước ngoài chậm phản hồi, đồng thời không chịu thanh toán với lý do L/C không hợp lệ.
Vasep và các doanh nghiệp cho rằng, người mua hàng cùng ngân hàng cấu kết lấy hàng mà không thực hiện thanh toán theo đúng hợp đồng cam kết.
Liên quan đến tình trạng doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có nguy cơ bị lừa đảo phải kể đến các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, tiêu.
Đại diện các doanh nghiệp trong ngành từng phản ánh với các tham tán thương mại về tình trạng đối tác mua hàng không thực hiện nghiêm chỉnh hợp đồng đã ký.
Có trường hợp, doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang thị trường Ghana với khối lượng khá lớn, tuy nhiên khi hàng về đến cảng Ghana bị mất cắp thông qua bộ vận đơn giả, cấp phí lệnh giao hàng (D/O) làm thủ tục hải quan thông quan chiếm đoạt 80 container gạo.
Trước khó khăn trên, doanh nghiệp phải cương quyết đấu tranh Tòa án Thượng viện Ghana mới giải quyết trả lại hàng hóa cho doanh nghiệp và không quên điều kiện, buộc doanh nghiệp Việt Nam phải bỏ ra một số tiền khá lớn trả phí lưu container lưu bãi cảng, đóng các loại thuế quan mà theo hợp đồng khoản này bên mua phải chịu.
Sự cố trên gây thiệt hại khá lớn cho doanh nghiệp về tài chính và thời gian. Tương tự, với mong muốn có đơn hàng, doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ không cân nhắc kỹ mà vội vã trong việc xúc tiến làm ăn với các đối tác nước ngoài. Kết quả, đối tác mua hàng không chịu trả tiền, dây dưa việc thanh toán, bỏ hàng không nhận.
Thực tế cho thấy, hầu hết doanh nghiệp Việt rất muốn tạo dựng hợp đồng và mở rộng thị trường kinh doanh sang các nước, vì vậy khi có hợp đồng với số lượng lớn, doanh nghiệp khó tránh khỏi thiếu khả năng hoặc kinh nghiệm xem xét kỹ lưỡng các điều khoản trong hợp đồng xuất - nhập khẩu.
Kết quả, khi xảy ra sự cố thì lúng túng trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại trong hoạt động xuất nhập khẩu. Rõ ràng, xu hướng hội nhập kinh tế hợp đồng thương mại trở nên rất quan trọng, đòi hỏi doanh nghiệp phải am hiểu kỹ.
Cơ bản nhất cũng phải biết đối tác làm ăn với mình là ai, họ lớn mạnh thế nào. Nếu không thể tìm hiểu cặn kẽ được thì cần có giải pháp kiểm soát và bảo vệ chính doanh nghiệp.