Vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường ISchool Nha Trang (Khánh Hòa) mới đây làm hơn 600 học sinh và giáo viên phải nhập viện điều trị, trong đó có 1 học sinh tử vong đang khiến tâm lý của các bậc phụ huynh vô cùng hoang mang.
Nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm trong bữa ăn
Sau bữa ăn trưa ngày 17/11, hàng trăm học sinh Trường ISchool Nha Trang bị đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, sốt và được đưa vào các bệnh viện cấp cứu. Bữa ăn trưa bán trú này gồm các món cơm gà, sốt trứng; gỏi gà (gà xé, cà rốt, bắp sú, rau răm); cánh gà chiên; canh (xương, cà rốt, cải thảo); dưa leo. Tổng cộng có 665 trường hợp phải vào các bệnh viện kiểm tra liên quan ngộ độc tại Trường ISchool Nha Trang. Hiện còn 86 ca đang điều trị tại các bệnh viện và 1 nam sinh đã tử vong. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án.
Theo xét nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang, rất nhiều vi khuẩn gây độc tố được phát hiện trong mẫu cánh gà chiên tại bữa ăn trưa 17/11 do Trường ISchool Nha Trang tổ chức cho học sinh.
3 loại vi khuẩn được phát hiện qua xét nghiệm mẫu cánh gà chiên là Salmonella spp, Escherichia coli và Bacillus cereus. Trong đó, Bacillus cereus - chủng sinh độc tố ly giải hồng cầu và độc tố ruột không ly giải hồng cầu - còn có trong mẫu nước mắm.
Trong số 3 loại vi khuẩn nói trên, theo GS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), trực khuẩn Salmonella là nguyên nhân gây bệnh thương hàn, loại trực khuẩn này cũng là nguyên nhân phổ biến gây bệnh đường tiêu hóa do thức ăn bị nhiễm khuẩn.
“Vi khuẩn Salmonella có nhiều type và có sức đề kháng rất cao, có thể sống hàng tháng ở ngoài môi trường. Vi khuẩn này có thể bị giết chết ở nhiệt độ 55 độ C trong vòng 30 phút. Nếu sử dụng cồn và các loại thuốc sát khuẩn khác cũng có thể tiêu diệt được vi khuẩn này trong thời gian từ 3 - 5 phút. Người ăn thức ăn hay uống nước bị nhiễm khuẩn Salmonella sẽ xuất hiện các triệu chứng sau 12 - 72 giờ, có các biểu hiện như sốt cao, đau bụng, nôn và tiêu chảy. Đối với những người khỏe mạnh, bệnh chỉ có những biến chứng nhẹ, nhưng riêng với trẻ em dưới 5 tuổi, người già và những người có hệ miễn dịch yếu thì tình trạng bệnh sẽ nặng hơn như đi ngoài ra máu, mất nước, sốt cao” - ông Dũng chia sẻ.
Còn Bacillus cereus cũng là một trong những tác nhân hàng đầu gây ra ngộ độc thực phẩm, chuyên gia y tế cho hay, thực phẩm chứa độc tố của vi khuẩn này thường gây hai dạng ngộ độc. Dạng thứ nhất, độc tố gây buồn nôn, nôn ói, đau bụng, khởi phát nhanh trong vòng 6 giờ sau khi ăn. Dạng thứ hai xảy ra chậm hơn, từ 6 đến 15 giờ, gây tiêu chảy khi vi khuẩn ở trong đường ruột. Vi khuẩn này cũng có thể gây nhiễm trùng huyết, đe dọa tính mạng người bệnh.
Cùng với 2 loại vi khuẩn kể trên, vi khuẩn Escherichia coli là một loài thường sống trong ruột của người và động vật. Hầu hết các loại vi khuẩn E.coli chỉ gây tiêu chảy tạm thời và thoáng qua. Tuy nhiên có một vài loại đặc biệt, chẳng hạn như vi khuẩn E.coli O157: H7, có thể gây nhiễm trùng nặng đường ruột dẫn đến bệnh cảnh nặng hơn với tiêu chảy, đau bụng và sốt. Tình trạng ngộ độc thực phẩm do E.coli thường lây nhiễm chủ yếu qua đường tiêu hóa, từ người sang người hay từ động vật sang người, thông qua các thức ăn, nước uống, bàn tay bẩn, đồ dùng cá nhân, dụng cụ ăn uống bị nhiễm vi khuẩn.
Đặc biệt, theo một nghiên cứu mới được công bố do các nhà khoa học Mỹ thực hiện, nhiễm trùng do vi khuẩn là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 trên toàn thế giới, chiếm 1/8 tổng số ca tử vong vào năm 2019 với khoảng 7,7 ca tử vong trên toàn cầu. Trong đó, Escherichia coli - 1 trong 3 vi khuẩn được phát hiện trong vụ ngộ độc thực phẩm tại Nha Trang là một trong số 5 vi khuẩn gây ra tới một nửa số ca tử vong, khoảng hơn 3 triệu ca.
Số vụ ngộ độc tập thể có chiều hướng tăng
Đáng lo ngại hơn, mặc dù vụ việc nói trên được đánh giá là vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng nhất với số người mắc cao, nhưng đó không phải là trường hợp duy nhất. Thực tế, ngộ độc thực phẩm tại trường học chưa bao giờ hết “nóng”. Theo Bộ Y tế, tính đến hết tháng 10/2022, cả nước xảy ra 43 vụ ngộ độc thực phẩm làm 581 người bị ngộ độc, trong đó 11 người tử vong. Năm 2021, toàn quốc ghi nhận 81 vụ ngộ độc thực phẩm làm 1.942 người mắc và 18 trường hợp tử vong. Đối với các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại các bếp ăn tập thể, thống kê trong giai đoạn 2010-2020, trung bình mỗi năm xảy ra 15 vụ với trên 1.130 người mắc và khoảng 1.000 người nhập viện.
Ông Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, qua kiểm tra, khoảng 70% số vụ ngộ độc thực phẩm là do sử dụng suất ăn từ nơi khác vận chuyển đến.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết: “Khi thanh tra, kiểm tra, nhất là ở các cơ sở giáo dục, chúng tôi thấy rằng nhiều trường, nhất là các trường có địa điểm chật hẹp, không đủ điều kiện diện tích để tổ chức nấu nướng tại chỗ, nên thuê một cơ sở nấu ở bên ngoài, sau đó vận chuyển. Đó cũng là một nguy cơ. Theo nguyên tắc, thức ăn nấu xong không nên ăn sau 2 giờ, vì nếu để môi trường bình thường thì nguy cơ về vệ sinh ô nhiễm. Thế nhưng khi nấu ăn ở các địa điểm khác, sau đó vận chuyển, phương thức vận chuyển không bảo đảm thì rất có nguy cơ ô nhiễm trong giai đoạn này. Thứ hai là việc lựa chọn nguyên liệu, nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể là do sử dụng các nguyên liệu, thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, khâu vận chuyển, bảo quản thực phẩm của các đơn vị sản xuất, kinh doanh và cung cấp suất ăn không đảm bảo an toàn. Thứ ba, có sự lơ là trong khâu quản lý, giám sát”.
Liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại Trường ISchool Nha Trang, Công an tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “vi phạm quy định về an toàn thực phẩm", theo điều 317 Bộ luật Hình sự, để tiếp tục điều tra, làm rõ. Được biết, bữa ăn trưa ngày 17/11 của học sinh nhà trường do hộ kinh doanh Bùi Phúc Lam ở đường Hai Bà Trưng, thành phố Nha Trang, chế biến, cung cấp theo hợp đồng với Trường ISchool Nha Trang. Ông Lam có giấy phép hộ kinh doanh cấp năm 2015, với ngành nghề bán hàng ăn uống, giải khát, hải sản tại gian hàng của trường này, cùng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm do Phòng Y tế Nha Trang cấp lần 3 vào tháng 10/2022.
Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản gửi Sở Y tế đề nghị chỉ đạo các bệnh viện gồm: Bệnh viện đa khoa Sài Gòn - Nha Trang, Bệnh viện 22 tháng 12, Bệnh viện tỉnh Khánh Hòa, Bệnh viện Tâm Trí, Viện Quân y 87, Bệnh viện Vinmec và các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh rà soát, tổng hợp số liệu và cung cấp thông tin cho Cơ quan CSĐT.
BS Nguyễn Ngọc Nhã Khanh - khoa Cấp cứu Bệnh đa khoa Tâm Anh (TPHCM), ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra với bất cứ ai ngay sau khi ăn thực phẩm bị ô nhiễm. Do đó, cần trang bị cách sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm để có thể nhanh chóng giúp đỡ bản thân hoặc ai đó khi không may gặp phải tình trạng này. Các cách sơ cứu khi bị ngộ độc thức ăn có thể bao gồm: Gây nôn; cho người bệnh nghỉ ngơi và uống nhiều nước; uống Oresol, đặt người bệnh nằm ngửa, đầu thấp; theo dõi nhịp tim; đưa đến cơ sở y tế... Khi phát hiện tình trạng ngộ độc thực phẩm (thông qua các dấu hiệu nhận biết), người sơ cứu có thể dùng túi kín lưu giữ lại những mẫu thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc hoặc thức ăn người bệnh vừa nôn để bác sĩ có thể nhanh chóng xác định chính xác nguyên nhân và đưa ra hướng giải quyết phù hợp.