Cảnh báo rủi ro

Minh Phương 13/01/2017 06:46

Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu cho biết, giao dịch thương mại quốc tế với các đối tác nước ngoài đôi khi không lường trước được những rủi ro. Vì tin tưởng khách hàng, hoặc vì thấy lợi nhuận lớn, có thể doanh nghiệp sẽ phải chịu “trắng tay”, thậm chí dẫn đến phá sản khi giao dịch với đối tác. Gần đây, một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã lên tiếng kêu cứu khi có nguy cơ bị đối tác lừa “mất trắng” hàng trăm ngàn USD. Một thực tế đáng báo động.

Nhiều DN xuất khẩu thủy sản có nguy cơ thiệt hại hàng trăm ngàn USD vì đối tác nước ngoài lừa đảo.

Mất trắng 8 tỷ USD vì bị lừa đảo

Các chuyên gia cảnh báo, rủi ro lớn nhất trong giao dịch thương mại quốc tế mà DN Việt Nam thường bị rơi vào chính là rủi ro về tín dụng.

Gần đây, nhiều DN xuất nhập khẩu thủy sản cho biết, đã bị đối tác lừa đảo dẫn đến nguy cơ mất hàng trăm nghìn USD với khách hàng Echopack INC, đại diện bởi người có tên Jason Brown, có địa chỉ tại 5084 Francois, Cusson Lachine, Quebec, Canada. Theo đó, Echopack đã cấu kết với Ngân hàng General Equity (New Zealand) để lấy hàng và không thanh toán tiền hàng cho các DN xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Echopack có ý định lừa đảo vì đã lấy hợp đồng có chữ ký khác với hợp đồng đã ký giữa hai bên để mở thư tín dụng (L/C) và trong L/C đã gài điều khoản chữ ký trong hợp đồng gửi cho General Equity mở L/C phải khớp với chữ ký trong hợp đồng đính kèm trong bộ chứng từ gửi đòi tiền. Khi gửi bộ chứng từ đòi tiền theo các điều khoản L/C, General Equity đã biết bộ chứng từ bất hợp lệ nhưng vẫn cho Echopark lấy bản vận đơn chính để lấy hàng.

Không chỉ các DN thủy sản, nhiều trường hợp doanh nghiệp xuất, nhập khẩu các lĩnh vực khác như hạt điều, gỗ, nhôm... cũng gặp phải tình trạng khó thu hồi nợ. Chỉ tính riêng trong năm 2015, xuất khẩu của Việt Nam đã mất khoảng 8 tỷ USD từ các công ty nước ngoài do không thu hồi nợ được hoặc bị lừa đảo.

Giới chuyên gia nhận định, các DN xuất nhập khẩu không thể lường hết được những rủi ro khi giao dịch thương mại quốc tế, dẫn đến những hậu quả khôn lường, mà cao nhất là nguy cơ phải rời khỏi thương trường, tuyên bố phá sản. Đây là một thực tế đáng báo động đối với các DN xuất nhập khẩu khi làm ăn, giao thương với các DN nước ngoài.

Cẩn trọng khi gặp đối tác mới

Để phòng ngừa giảm thiểu các rủi ro trong thương mại quốc tế, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương vừa đưa ra khuyến nghị đối với các DN kinh doanh xuất nhập khẩu lưu ý một số nội dung khi giao dịch với khách hàng. Trong đó, nhấn mạnh, các DN cần ưu tiên hàng đầu việc tìm hiểu thị trường, kiểm tra đánh giá, xếp hạng rủi ro tín dụng, kinh doanh của các đối tác nước ngoài, đặc biệt các đối tác với giao dịch, đối tác tìm được qua kênh trung gian.

Việc thực hiện thẩm tra có thể qua các nguồn tin công khai, mua dịch vụ từ các công ty chuyên cung cấp dịch vụ thẩm tra (như các tổ chức cung cấp thông tin uy tín hay như Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam CIC – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), qua kênh của Hiệp hội tại các nước nhập khẩu, cơ quan đại diện ngoại giao, Thương vụ và Chi nhánh Thương vụ tại nước nhập khẩu…

Theo Cục Xuất nhập khẩu, do hợp đồng mua bán luôn là cơ sở để giải quyết các tranh chấp giữa các bên, nên DN cần quy định chặt chẽ các điều khoản bảo vệ quyền lợi của mình (đặc biệt là điều khoản về cơ quan giải quyết tranh chấp, khiếu nại), tránh các trường hợp bất lợi cho doanh nghiệp khi phát sinh tranh chấp.

“Đối với khâu thanh toán, DN lưu ý tìm hiểu nguyên tắc, thông lệ quốc tế để nắm rõ vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan, qua đó xem xét lựa chọn các phương thức và điều kiện thanh toán hợp lý, đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp” – lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu lưu ý và nhấn mạnh thêm, trong quá trình thực hiện giao dịch, DN có thể cân nhắc việc sử dụng các dịch vụ của ngân hàng (như xác nhận thư tín dụng, chiết khấu miễn truy đòi, bao thanh toán XK…) để có thêm sự đảm bảo cho khả năng đòi tiền từ phía ngân hàng cung cấp dịch vụ, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu đánh giá các thông tin về đối tác nhập khẩu, đơn vị phát hành thư tín dụng.

Giới luật sư cũng lưu ý, các DN xuất nhập khẩu khi giao dịch phải rất cẩn trọng cần có sự trao đổi trực tiếp với đối tác, hoặc thông qua bạn hàng, hiệp hội, công ty tư vấn, thương vụ nước ngoài… để có thể lựa chọn được những đối tác uy tín, loại bỏ những khách hàng thiếu minh bạch.

Đặc biệt, với những đối tác, thương nhân mới chỉ giao dịch lần đầu tiên, càng phải rất thận trọng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần cảnh giác với yếu tố “giá bất thường” so với cung-cầu thị trường, bởi đây chính là những yếu tố dễ khiến cho các DN Việt Nam “dính bẫy”, nhất là khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do, yếu tố này càng cần phải được chú trọng hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh báo rủi ro