Tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hàng Việt có cơ hội xuất khẩu lớn đến nhiều thị trường quan trọng trên thế giới như Mỹ, EU… thế nhưng cơ hội càng lớn thì thách thức cũng càng nhiều.
Theo Bộ Công thương, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã bị các nước khởi xướng điều tra gần 200 vụ việc phòng vệ thương mại.
Trong số đó, Việt Nam đã kháng kiện thành công khoảng 43% vụ việc. Việc kháng kiện này giúp cho nhiều mặt hàng xuất khẩu của DN Việt tiếp tục được “thông đường” sang các thị trường “khó tính” … với thuế suất bằng 0% hoặc ở mức rất thấp. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã khiếu kiện 5 vụ việc ra Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO, trong đó 3 vụ đã kết thúc với kết quả tích cực.
Nhìn vào con số những vụ việc chúng ta kháng kiện thành công, có thể thấy, chưa đạt được 50%, song đó cũng là những nỗ lực rất lớn từ phía nhà quản lý cũng như cộng đồng DN trong việc gỡ rối khỏi các “mớ bòng bong” khi các nước nhập khẩu sử dụng các biện pháp bảo hộ sản xuất trong nước.
Từ những sự vụ về kiện phòng vệ thương mại, chúng ta hiểu rõ hơn để có thể tiến sâu vào thị trường thế giới, DN Việt phải đi trên con đương không bằng phẳng.
Tuy nhiên, nếu mỗi DN tự trang bị cho mình những kiến thức pháp luật chắc chắn, cũng như xây dựng một chiến lược tổng thể, dài hạn trong việc phát triển chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam… thì đối với những rủi ro tương tự như trên, chúng ta hoàn toàn có thể tránh được.
Ngoài ra, DN cũng cần theo dõi và có sự cảnh báo sớm nếu như xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường có hiện tượng gia tăng nhanh đột biến.
Trước đó, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cũng khuyến cáo, để khai thác hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới trong bối cảnh xu thế bảo hộ gia tăng, xung đột thương mại đang diễn biến phức tạp, các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng DN cần nâng cao nhận thức, năng lực phòng vệ thương mại.
Cụ thể như, cần nghiên cứu rà soát và hoàn thiện pháp luật phòng vệ thương mại của Việt Nam đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng bộ, phù hợp và thống nhất với các cam kết quốc tế đồng thời đơn giản hóa thủ tục cho doanh nghiệp.