Uốn ván là một loại bệnh cấp tính nguy hiểm với nguy cơ tử vong rất cao. Tuy nhiên, vì lý do chủ quan, không ít người đã phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch bởi căn bệnh này.
Theo Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố đã ghi nhận 23 ca mắc uốn ván (tăng gấp 2, 3 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 2 trường hợp tử vong.
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận thêm 1 bệnh nhân mắc uốn ván. Bệnh nhân là nam (60 tuổi, ở quận Ba Đình, TP Hà Nội). Trước khi vào viện 14 ngày, bệnh nhân bị bỏng gas ở hai cẳng chân và được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn.
Sau đó, bệnh nhân xuất hiện cứng hàm, co cứng hai chân, hạn chế vận động. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng miệng chỉ há được khoảng 1,5cm, trương lực cơ toàn thân tăng nhẹ. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán mắc uốn ván theo dõi nhiễm khuẩn huyết và bỏng hai chân. Bệnh nhân chưa được tiêm phòng uốn ván.
BS Nguyễn Quốc Phương - Khoa hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) cho biết: Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Clostridium tetani gây ra. Trực khuẩn uốn ván tồn tại trong ruột của súc vật, nhất là trong ruột các đại gia súc ăn cỏ như ngựa, trâu, bò... kể cả người. Tại đây vi khuẩn cư trú một cách bình thường không gây bệnh. Nha bào uốn ván có thể tìm thấy trong đất và các đồ vật bị nhiễm phân súc vật hoặc phân người. Nha bào uốn ván có mặt ở mọi nơi trong môi trường tự nhiên và có thể gây nhiễm cho tất cả các loại vết thương. Thông thường nha bào uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương sâu bị nhiễm đất bẩn, bụi đường, phân người hoặc phân súc vật, qua các vết rách, vết bỏng, vết thương dập nát, vết thương nhẹ, hoặc do tiêm chích nhiễm bẩn. Đôi khi có trường hợp uốn ván sau phẫu thuật, nạo thai trong những điều kiện không vệ sinh. Có trường hợp tổ chức của cơ thể bị hoại tử và/hoặc các dị vật xâm nhập vào cơ thể bị nhiễm bẩn tạo ra môi trường yếm khí cho nha bào uốn ván phát triển.
BS Vũ Viết Sáng - Chủ nhiệm khoa Bệnh lây đường hô hấp và Hồi sức - Viện Lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm (Bệnh viện trung ương quân đội 108) lý giải, nguyên nhân của bệnh uốn ván xuất phát từ những vết thương rất nhỏ như giẫm phải gai, đinh, ở trẻ sơ sinh nhiễm trùng do quá trình cắt và chăm sóc rốn không đảm bảo.
“Đáng quan ngại hơn khi đây là căn bệnh có thời gian ủ bệnh kéo dài từ 5-10 ngày, nên thường tạo ra tâm lý chủ quan cho người bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời, uốn ván sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như gây khó thở, ngạt thở, suy hô hấp, động kinh, viêm phổi, thuyên tắc phổi, thậm chí tử vong” – BS Sáng cho hay.
BS Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa hệ thống tiêm chủng VNVC cho hay, khi có vết thương trên cơ thể, cần phải rửa sạch, sát trùng, để hở vết thương, không để vết thương bị bịt kín tạo đường hầm, không đắp bất cứ thứ gì lên vết thương để tránh viêm nhiễm. Nếu bị trầy xước, đâm vào đinh, sắt, cát, bụi bẩn… cần xử lý sạch vết thương ngay, sau đó đến bệnh viện để khám và điều trị đề phòng uốn ván. Giữ vệ sinh sạch sẽ vết thương tránh nhiễm trùng đề phòng hoại tử…
Theo BS Chính, tất cả mọi người đều có thể tránh được rủi ro về sức khỏe do uốn ván bằng một việc rất dễ dàng và đơn giản, đó là tiêm phòng vaccine. Việc tiêm phòng vaccine uốn ván được khuyến cáo cho tất cả trẻ sơ sinh, trẻ em, trẻ vị thành niên và người lớn/người lớn tuổi.
Liệu trình cơ bản gồm 3 - 4 mũi phụ thuộc vào khuyến cáo của từng quốc gia và sau đó tiêm nhắc lại mỗi 10 năm. Ở trẻ nhỏ, vaccine phòng bệnh uốn ván được sử dụng dưới dạng vaccine phối hợp không chỉ giúp phòng ngừa uốn ván mà còn phòng ngừa thêm các bệnh lý khác có trong vaccine nhằm giảm số mũi tiêm và giảm đau cho trẻ. Điều quan trọng là bố mẹ cần nắm được phác đồ của vaccine uốn ván để đưa trẻ đi tiêm đúng thời gian, giúp duy trì tình trạng miễn dịch chống lại bệnh.