Khoảng 50% thực phẩm từ gia súc và thủy sản nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh, nhiều chủng E.coli được phân lập kháng với ít nhất 6 loại kháng sinh. Đây là kết quả nghiên cứu ban đầu từ Dự án “Nghiên cứu cơ chế lan truyền và xây dựng mô hình giám sát vi khuẩn kháng đa thuốc trong chuỗi thực phẩm tại Việt Nam”do Viện Dinh dưỡng công bố mới đây tại Hà Nội.
Gia súc và thủy sản nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh.
Dự án SATREPS do Nhật Bản hỗ trợ, được triển khai tại 5 tỉnh thành gồm Hà Nội, Thái Bình, Nha Trang, TP HCM và Cần Thơ với sự tham gia của Viện Dinh dưỡng, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Y tế công cộng TP HCM, Đại học Y dược khoa Thái Bình, Đại học Cần Thơ...
Theo bà Bùi Thị Mai Hương, khoa Vi sinh vật thực phẩm và sinh học phân tử, Viện Dinh dưỡng, kết quả nghiên cứu ban đầu từ dự án cho thấy hơn 60% người lành mang trùng nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh, khoảng 50% thực phẩm từ gia súc và thủy sản nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh. Đây là hệ quả của việc sử dụng kháng sinh trong cộng đồng và chăn nuôi tại Việt Nam. Kết quả này tương đồng với các nước Đông Nam Á.
Thực tế, để đánh giá mức độ ô nhiễm vi khuẩn E.coli gây ngộ độc thực phẩm, nhóm nghiên cứu đã lấy 330 mẫu thực phẩm tại các chợ, siêu thị và lò giết mổ tại TP HCM. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy E.coli sinh men ESBL (hủy tác dụng của kháng sinh) được phát hiện trong 150 mẫu, chiếm hơn 45%. Trong đó, tỷ lệ nhiễm cao nhất ở thịt gà (gần 93%), sau đó là thịt lợn (khoảng 35%), thịt bò (34%), cá/tôm (29%).
Gần đây nhất tại hội thảo “Kháng kháng sinh - từ nghiên cứu tới hành động”, các chuyên gia cho biết, thực phẩm tại các chợ bán lẻ đang bị ô nhiễm với vi khuẩn E.coli sinh ESBL (có thể gây ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng) ở mức từ 40% ở Hà Nội và 80% TP HCM. Ở các chợ bán buôn, 45-60% các mặt hàng thực phẩm bị ô nhiễm vi khuẩn E.coli sinh ESBL, trong khi 30-50% vi khuẩn E.coli sinh ESBL được phát hiện tại các mẫu trong siêu thị.
TS Đặng Văn Chính- Chánh thanh tra Bộ Y tế cũng cho rằng, hiện nay chưa có Luật cấm mua bán kháng sinh, trong khi 70% thực phẩm ở Việt Nam được cung cấp bởi hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ nên người dân thường tự chủ động mua kháng sinh cho con vật để phòng tránh vật nuôi ốm đau, làm giảm giá trị kinh tế.
Vì vậy cần phải có nghiên cứu để thay đổi hành vi của người nông dân trong sử dụng kháng sinh khi chăn nuôi gia súc và hải sản. Tại bệnh viện, cần phải kiểm soát nhiễm khuẩn tốt. Ngoài ra, phải có Luật quy định đối với các bác sĩ trong việc kê kháng sinh khi chữa bệnh. Làm sao để không có lợi ích nhóm trong việc kê khai kháng sinh.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ 2013 - 2020. Bên cạnh nâng cao nhận thức cho người dân và chủ động kiểm soát sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, ngành y tế sẽ đặc biệt chú trọng nâng cao nhận thức cho cán bộ y tế, giám sát việc kê toa.