Bệnh nhân Trần Văn Đ. (43 tuổi, Thọ Xuân, Đan Phượng, Hà Nội) nhập viện Nội tiết Trung ương ngày 21/11 trong tình trạng đau nhức xương, đi lại khó khăn, biến dạng xương hàm, mặt.
Qua khai thác tiền sử bệnh nhân được biết bệnh nhân mắc suy thận đã 12 năm, đang chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần tại Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên thời gian gần đây bệnh nhân thường xuyên đau xương, đi lại khó khăn do vậy đã tới khám tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương.
Sau khi tiến hành các xét nghiệm cận lâm sàng như chụp X-quang tiêu xương chỏm và cổ xương đùi, xét nghiệm sinh hoá, nhân viên y tế phát hiện bệnh nhân mắc cường cận giáp hai bên, hóc môn PTH (Parathyroid hormone) tăng gấp 60 lần so với người bình thường. Do vậy bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt 3, 5 tuyến cận giáp. PGS Trần Ngọc Lương- Giám đốc BV này cho hay, đây là trường hợp đầu tiên BV phẫu thuật cho bệnh nhân bị cường cận giáp trên nền bệnh nhân suy thận. “Nếu không tiến hành phẫu thuật kịp thời, hóc môn PTH sẽ dần lấy hết can xi trong máu của bệnh nhân, khiến độ cứng trong xương bệnh nhân giảm gây ra hiện tượng giòn, gẫy xương, nặng có thể biến chứng gây tử vong”, theo PGS Trần Ngọc Lương.
Cường cận giáp thứ phát ở bệnh nhân bệnh thận mạn tính là bệnh lý khá nguy hiểm. Theo bác sĩ Vũ Mạnh Trường- Khoa Phẫu thuật tuyến giáp, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, triệu chứng lâm sàng của cường cận giáp thứ phát do suy thận mạn là đau xương, yếu cơ, hoại tử da do calci, viêm quanh khớp, đứt gân tự phát, biến dạng xương. Các triệu chứng khác: Đau bụng, buồn nôn, nôn, chán ăn; viêm tuỵ; loét dạ dày (do nồng độ calci máu cao kích thích dạ dày tiết nhiều dịch vị acid); lú lẫn, suy giảm trí nhớ; bệnh lý thần kinh ngoại biên; thiếu máu, giảm bạch cầu (do phá huỷ tuỷ xương), giảm chức năng tiểu cầu; tăng huyết áp, bệnh lý cơ tim (phì đại thất trái).
PGS Trần Ngọc Lương khuyến cáo, với những bệnh nhân suy thận nếu thấy triệu trứng đau nhức xương cần đến cơ sở chuyên khoa tiến hành các xét nghiệm cận lâm sàng như siêu âm, chụp X-quang xương, xét nghiệm sinh hóa để nhân viên y tế có những chỉ định kịp thời, tránh được những hậu quả nặng nề. Cái khó của căn bệnh này hiện nay là chưa được nhiều nhân viên y tế quan tâm nên thường bỏ qua triệu chứng bệnh dẫn đến khi phát hiện ra tình trạng đã nặng. Phẫu thuật là điều trị phổ biến nhất đối với mặt bệnh này. Bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ chỉ những tuyến phì đại hoặc có khối u (u tuyến). Nếu tất cả bốn tuyến bị ảnh hưởng, bác sĩ phẫu thuật có khả năng loại bỏ chỉ ba tuyến và có lẽ để lại một số mô chức năng tuyến cận giáp thứ tư.