Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), ước tính hiện nay cả nước có gần 13 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp với những diễn biến thầm lặng, từ từ hủy hoại sức khỏe con người. Thế nhưng, chỉ có hơn 50% số người mắc bệnh được phát hiện và cũng chỉ có một nửa trong số người phát hiện được điều trị. Đáng lo ngại, không chỉ có người già, rất nhiều người trẻ cũng đang mắc căn bệnh này.
Sát thủ thầm lặng
Theo các bác sĩ, tăng huyết áp là trạng thái máu lưu thông với áp lực tăng liên tục. Các triệu chứng của tăng huyết áp rất phức tạp và nặng nhẹ khác nhau, biểu hiện tùy thuộc theo thể trạng của từng người. Tuy là một căn bệnh không lây nhiễm nhưng tăng huyết áp lại có những biến chứng nghiêm trọng như tai biến mạch máu não và các bệnh tim mạch khác.Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ xuất huyết não (đột quỵ) gấp 10 lần.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Bệnh diễn biến âm thầm, tiến triển kéo dài từ 15-20 năm mà người bệnh không biết. Có một điều cần đặc biệt lưu ý là người bị tăng huyết áp vẫn sống và làm việc bình thường trong khi bệnh đang huỷ hoại cơ thể dần dần. Thường thì bệnh này không có biểu hiện gì rõ nét nên người bệnh hay bỏ qua các triệu chứng thông thường. Điều đó lý giải cho việc nhiều người đến khi nhập viện mới biết mình bị huyết áp cao.
Người bị tăng huyết áp thường có các triệu chứng choáng váng, nhức đầu; mất ngủ, chóng mặt, ù tai, hoa mắt; khó thở, đau tức ngực, hồi hộp; đỏ mặt, buồn nôn. Nếu có các dấu hiệu kể trên cần nhanh chóng kiểm tra huyết áp tại nhà và đến các cơ sở y tế gần nhất để khám, xác định bệnh và điều trị kịp thời.
Người bị tăng huyết áp thường bị giảm thọ từ 10 đến 20 năm, bởi vậy các bác sĩ cho rằng tăng huyết áp là sát thủ thầm lặng.
Nhiều người trẻ cũng bị bệnh tăng huyết áp
Triệu chứng tăng huyết áp Tăng huyết áp là tăng tình trạng huyết áp tối đa lớn hơn 140 mmHg, huyết áp tối thiểu lớn hơn hoặc bằng 90 mmHg trở lên. Triệu chứng bệnh cao huyết áp như nhức đầu, chóng mặt, ù tai, mất ngủ mức độ nhẹ, hoa mắt… Cũng có thể tuỳ bệnh nhân mà các triệu chứng này dữ dội hơn, có thể đau vùng tim, giảm thị lực, người bệnh thở gấp, mặt đỏ bừng tái xanh, nôn ói, hồi hộp, hốt hoảng… |
Trước đây người ta vẫn cho rằng chỉ có người già mới hay mắc bệnh tăng huyết áp, thế nhưng quan niệm này hoàn toàn sai lầm, hiện rất nhiều người trẻ mắc căn bệnh này với tỉ lệ từ 5-12%. Có điều đặc biệt lo ngại là do chủ quan, nên nhiều người bỏ qua các dấu hiệu thông thường của bệnh tăng huyết áp, đến khi bệnh nặng mới đi khám nên đã để lại những hậu quả đáng tiếc.
Thời gian gần đây chi Ngọc Linh (TP. Vinh – Nghệ An) thấy có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, cứ nghĩ là do làm việc căng thẳng, quá sức nên chị chỉ uống thuốc giảm đau, nghỉ ngơi và bổ sung chế độ ăn uống. Tuy nhiên, trong đợt khám sức khỏe của cơ quan chị giật mình khi biết chỉ số huyết áp của mình lên tới 160/90. Đến bệnh viện khám, chị Linh được bác sĩ tư vấn: Ở người trẻ, tỉ lệ tăng huyết áp có nguyên nhân cao hơn so với người lớn tuổi. Các nguyên nhân có thể gặp là do mất thăng bằng nội tiết tố, dùng nhiều rượu, bia, làm việc căng thẳng, quá sức...
Bởi vậy, ngoài việc dùng thuốc theo đơn, chị Linh còn được hướng dẫn cách ăn uống, nghỉ ngơi và tập thể dục để phòng bệnh. “Bác sĩ cũng bảo là trường hợp của tôi phát hiện sớm nên điều trị sẽ hiệu quả, nhiều trường hợp để xảy ra tai biến thì hậu quả thật khó lường”, chị Linh chia sẻ.
Theo đánh giá của các chuyên gia tim mạch, bệnh tăng huyết áp ở người trẻ có đến 70% là không có triệu chứng điển hình và thường được phát hiện tình cờ trong những đợt khám sức khỏe định kỳ hoặc bệnh nhân đến khám bệnh vì lý do khác. Dấu hiệu không điển hình của bệnh tăng huyết áp ở người trẻ có thể gặp như khó kiềm chế cảm xúc, dễ nóng giận, dễ mất tập trung, dễ ảnh hưởng đến công việc, giao tiếp...
Bởi vậy, các bác sĩ khuyến cáo, phòng ngừa bệnh tăng huyết áp ở người trẻ tuổi cần có chế độ ăn khoa học: Ít đường, ít mỡ, nhiều chất xơ... Chỉ nên ăn không quá 2 – 4gr muối mỗi ngày. Không nên ăn quá ngọt, nên ăn nhiều rau xanh, trái cây để cung cấp chất khoáng, vitamin và chất xơ. Ngoài ra, phải hạn chế uống rượu. Tập thể dục mỗi ngày khoảng 30 phút…
Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh tăng huyết áp có thể dẫn đến tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, mù lòa… Những biến chứng này gây ảnh hưởng nặng nề đến người bệnh, gây tàn phế hoặc tử vong. Nguy cơ tăng huyết áp tăng cùng với tuổi, nhất là ở người từ 45 tuổi trở lên. Bởi vậy, ngoài chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, tránh bị stress…thì kiểm tra huyết áp thường xuyên là biện pháp quan trọng nhất giúp phát hiện sớm và phòng ngừa hiệu quả.