Cảnh giác với sách giáo khoa 'mạng'

Hàn Minh 27/10/2023 08:52

Thời gian qua trên mạng xã hội xôn xao về một số ngữ liệu không phù hợp để dạy học sinh được cho là xuất hiện trong sách giáo khoa Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Một số hình ảnh về ngữ liệu lan truyền trên mạng xã hội không có trong sách giáo khoa hiện hành. Ảnh: MOET.

Thông tin sai lệch

Sách giáo khoa (SGK) luôn được coi là chuẩn mực để áp dụng trong việc dạy và học trong nhà trường. Vì vậy, khi thông tin về một số nội dung được cho là ngữ liệu trong SGK như: "Giã gạo thổi cơm", "Bắn tung tóe", "Bạn An dũng cảm", "Bé xách đỡ mẹ", "Vẽ gì khó"... lan truyền trên mạng xã hội gây nhiều tranh cãi. (Ngữ liệu là tập hợp các đơn vị ngôn ngữ, được sử dụng để nghiên cứu ngôn ngữ hoặc để tạo ra các sản phẩm ngôn ngữ. Trong lĩnh vực giáo dục, ngữ liệu được sử dụng để giảng dạy ngôn ngữ).

Sau đó, Bộ GDĐT lên tiếng khẳng định các ngữ liệu trên không có trong SGK đang được dùng để giảng dạy trong nhà trường. Bộ GDĐT nói các ngữ liệu này nằm rải rác trong một số cuốn sách, truyện như cuốn "Nựng nựng nà nà" thuộc bộ "Đồng dao cho bé" của NXB Kim Đồng hay sách Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục từng được sử dụng trong một số trường theo chương trình cũ.

Dẫu vậy, thông tin trên mạng vẫn khiến không ít phụ huynh lo lắng không biết những văn bản được trích dẫn có phải đang được giảng dạy trong nhà trường hay không. Nhiều bậc phụ huynh không có cơ sở để kiểm chứng do mỗi đứa trẻ chỉ học một bộ SGK. Khoảng trống này gây ra sự băn khoăn, thậm chí những phản ứng nghiêng về phê phán, ảnh hưởng xấu đến việc dạy và học. Hiệu ứng đám đông lan truyền trên mạng xã hội khiến học sinh thiếu tin tưởng vào SGK, gây áp lực lên đội ngũ tác giả, hội đồng thẩm định…

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 môn Ngữ văn cho biết, những đoạn trích trên mạng có nội dung phản giáo dục. Ông cho rằng phụ huynh và người dùng mạng xã hội nên tỉnh táo phân tích, không để bị ảnh hưởng tiêu cực.

Một số người bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng xử lý nghiêm những người xuyên tạc nội dung sách giáo khoa, thậm chí sử dụng những nội dung này nhằm mục đích câu like, câu view...

Cô giáo Lê Hoàn Châu, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Công Trứ (Hà Nội) cho biết để ngăn ngừa thông tin giả mạo ảnh hưởng tới nhà trường, học sinh và phụ huynh, trường ổ chức các buổi trao đổi để giáo viên và học sinh hiểu rõ tác hại của “thông tin độc hại”.

Chú ý trong sử dụng ngữ liệu giảng dạy

Việc đổi mới dạy và học môn Ngữ văn trong nhà trường phổ thông, đang được ngành giáo dục nỗ lực triển khai, nhấn mạnh nội dung giáo viên có thể tham khảo nhiều SGK, các văn bản ngoài SGK phù hợp với học sinh đưa vào giảng dạy. Giáo viên có thể lấy ngữ liệu ngoài SGK, các ngữ liệu tương đồng áp dụng vào đề bài kiểm tra, đánh giá để học sinh vận dụng năng lực khám phá, khai thác, lưu ý nguồn được trích để bảo đảm tính tin cậy, chính xác, khoa học.

Việc tham khảo các văn bản ngoài sách đòi hỏi sự cẩn trọng. Giáo viên cần lựa chọn những văn bản chuẩn mực, tin cậy.

Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, hiện có nhiều bộ SGK cùng được giảng dạy trong nhà trường. Nhiều người đang không phân biệt được SGK với sách tham khảo, sách ngoài thị trường và sách được lưu hành trong nhà trường, sách của những lần đổi mới trước và sách mới theo chương trình GDPT năm 2018… Vì vậy, việc viện dẫn tên bài, tác giả, nhà xuất bản, năm xuất bản cần được đặc biệt chú ý.

Cô giáo Lê Thị Tuyết (Trường THCS Trần Phú, Hà Nam) cho biết, khi khai thác ngữ liệu của SGK và tài liệu tham khảo, cô luôn chú ý dựa vào chuẩn yêu cầu của Chương trình GDPT 2018, sau đó căn cứ vào trình độ của từng nhóm đối tượng để chọn ngữ liệu, đặt ra các yêu cầu để học sinh tìm hiểu, phân tích…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh giác với sách giáo khoa 'mạng'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO