Chiều 5/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam (CSBVN). Qua thảo luận, nhiều ĐB đã bày tỏ nhất trí quy định CSBVN là lực lượng vũ trang nhân dân.
Về vị trí, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam, theo ông Võ Trọng Việt- Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh, có một số ý kiến nhất trí quy định CSBVN là lực lượng vũ trang nhân dân; một số ý kiến đề nghị quy định CSBVN thuộc lực lượng vũ trang nhân dân hoặc thuộc Quân đội nhân dân; có ý kiến đề nghị quy định CSBVN thuộc Chính phủ. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, quy định CSBVN là lực lượng vũ trang nhân dân là chưa thống nhất với Luật Quốc phòng; dễ gây hiểu nhầm CSBVN tương đương Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Dân quân tự vệ; khi có tranh chấp, xung đột trên biển, dễ bị thế lực thù định lợi dụng.
Trước vấn đề trên, UBTVQH cho rằng: Quy định CSBVN là lực lượng vũ trang nhân dân là kế thừa Pháp lệnh lực lượng CSBVN năm 1998 và năm 2008; thực hiện hơn 20 năm qua không có vướng mắc và đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế, phù hợp với một số quy định của pháp luật; đồng thời làm căn cứ pháp lý để xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và là cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách, bảo đảm cho hoạt động và tạo điều kiện thuận lợi để CSBVN hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. “Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội giữ như Dự thảo Luật do Chính phủ trình”- ông Việt nêu quan điểm của UBTVQH.
ĐB Bố Thị Xuân Linh- Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận cho rằng, đặc thù biển Việt Nam rất rộng, có nhiều khu vực có đường biên giới biển cách xa bờ. Cho nên việc quy định rõ trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng để nâng cao hiệu quả, xử lý các tình huống trên biển là vô cùng cần thiết. Việc quy định sự phối hợp thống nhất sẽ nâng cao chất lượng trong phối hợp, xác định rõ trách nhiệm giữa các cơ quan. Từ đó tạo cơ sở pháp lý đảm bảo tính khả thi khi áp dụng luật vào thực tế.
Bà Linh cũng cho rằng, việc quy định cảnh sát biển là lực lượng vũ trang nhân dân là hoàn toàn phù hợp, nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 09 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, trong đó xác định CSBVN là một trong những lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh quốc gia cũng như thống nhất với Luật An ninh quốc gia, nhằm khẳng định vị trí, vai trò của CSBVN là một trong những lực lượng chính, chủ yếu trong bảo đảm thực thi pháp luật trên biển. Theo bà Linh, “đây cũng là định hướng để xây dựng quân đội trong những năm tiếp theo, là cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, và phù hợp với thông lệ quốc tế”.
Theo ĐB Lê Thị Nguyệt (Đoàn Vĩnh Phúc), luật có quy định công tác phối hợp hoạt động với bộ, ngành chính quyền địa phương, tuy nhiên lại không quy định trách nhiệm phối hợp với HĐND, và UBMTTQ Việt Nam. Nếu không quy định phối hợp thì không có lý do gì để quy trách nhiệm cho HĐND, và UBMTTQ Việt Nam. Vì vậy cần xem xét, phối hợp với HĐND, và UBMTTQ Việt Nam để có căn cứ quy định trách nhiệm đối với 2 cơ quan này. Bà Nguyệt cũng cho rằng, việc quy định CSBVN là lực lượng chuyên trách của Nhà nước là phù hợp với một số quy định của pháp luật trong nước cũng như thông lệ quốc tế.
Cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.