Đến nay, cả UBND tỉnh Thái Bình và UBND tỉnh Nam Định đều đồng ý về chủ trương áp dụng thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền Dự án tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua địa bàn 2 tỉnh, tổng khối lượng khoảng 5,2 triệu mét khối.
Ngày 18/10, UBND tỉnh Nam Định có văn bản gửi UBND tỉnh Thái Bình (cơ quan được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp thực hiện Dự án đường cao tốc trên), về việc áp dụng thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu để đắp nền đường Dự án tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình.
Theo UBND tỉnh Nam Định, trước đó UBND tỉnh này nhận được văn bản ngày 10/10 của UBND tỉnh Thái Bình về chủ trương trên.
Xét đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường; ý kiến của các sở Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Xuân Trường, căn cứ Thông báo kết luận của tập thể lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định ngày 18/10; căn cứ văn bản của Bộ Giao thông vận tải (về việc sử dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu đắp nền đường), ý kiến của UBND tỉnh Thái Bình (về việc áp dụng thí điểm sử dụng vật liệu cát biển để đắp nền đường thuộc Dự án tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định, Thái Bình), UBND tỉnh Nam Định đồng ý về chủ trương cho phép áp dụng thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng thông thường để đắp nền đường đối với dự án đường cao tốc trên, tại đoạn tuyến thuộc địa bàn huyện Xuân Trường; khối lượng đắp dự kiến khoảng 2 triệu mét khối.
UBND tỉnh Nam Định nhấn mạnh việc áp dụng thí điểm phải đảm bảo tuân thủ đúng hướng dẫn và các nội dung tại báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Theo UBND tỉnh Nam Định, việc áp dụng thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu để đắp nền đường có nguy cơ gây nhiễm mặn, ảnh hưởng đến sản xuất, môi trường xung quanh và đời sống sinh hoạt của người dân khu vực. Do đó, khi triển khai thí điểm, UBND tỉnh Nam Định lưu ý nhà đầu tư phải xây dựng phương án phòng chống sự cố môi trường; có các giải pháp để đảm bảo việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường không ảnh hưởng đến sản xuất, môi trường xung quanh và đời sống sinh hoạt của người dân; thực hiện đúng, đầy đủ việc theo dõi, quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường trong khu vực dự án thực hiện thí điểm; trường hợp phát hiện dấu hiệu nhiễm mặn ảnh hưởng đến môi trường xung quanh hoặc xảy ra sự cố nhiễm mặn ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất và nuôi trồng thủy sản… phải dừng ngay thi công, đánh giá cụ thể nguyên nhân và thực hiện đền bù, khắc phục sự cố theo quy định.
Trong văn bản, UBND tỉnh Nam Định giao các sở, ngành, địa phương liên quan của tỉnh theo dõi, giám sát việc thực hiện thí điểm.
Liên quan chủ trương thí điểm trên, trước đó, vào ngày 9/10, UBND tỉnh Thái Bình (cơ quan được Chính phủ giao chủ trì thực hiện dự án) cũng đã có văn bản gửi Tập đoàn Geleximco - nhà đầu tư đề xuất dự an, thể hiện ý kiến đồng ý về chủ trương cho phép thực hiện thí điểm sử dụng vật liệu cát biển làm vật liệu đắp nền đường Dự án tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình, đối với đoạn tuyến qua địa bàn huyện Thái Thụy, khối lượng đắp dự kiến khoảng 3,2 triệu mét khối.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua Nam Định - Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 25/12/2023, theo phương thức đối tác công tư; tổng mức đầu tư gần 20 nghìn tỷ đồng, bao gồm cả lãi vay.
Dự án dài khoảng 60,9km (qua Nam Định dài 27,6km, qua Thái Bình dài 33,3km), điểm đầu tại đầu cầu vượt sông Đáy (xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định); điểm cuối tại nút giao giữa Quốc lộ 37 mới và đường ven biển (xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình); được thiết kế theo tiêu chuẩn đường bộ cao tốc, 4 làn xe, nền rộng 24,75m, vận tốc thiết kế 120 km/giờ.
UBND tỉnh Thái Bình được Chính phủ giao làm cơ quan chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Nam Định và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện dự án.