Cấp bách khơi thông hàng nông sản

QUỐC ĐỊNH 25/08/2021 06:35

Ngoài những chi phí như trước đây, các thương lái mua hàng nông sản ở phía Nam còn phải bỏ thêm nhiều phí theo quy định về phòng, dịch Covid-19, trong đó có cả chi phí lặp lại. Hao tốn chi phí và thời gian nên thương lái không còn mặn mà với việc thu mua nông sản, khiến nông sản lại rơi vào cảnh ùn tắc.

Tăng chi phí, thương lái ngại thu mua nông sản

Bà Nguyễn Thị Hoa, đại diện một cơ sở thu mua nông sản ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho biết, từ đầu tháng 8 đến nay, doanh nghiệp (DN) của bà chỉ thu mua chưa tới 10 tấn nông sản mỗi ngày, trong khi thời điểm trước đợt 4 đại dịch Covid-19, DN bà thu mua khoảng 60 tấn/ngày. Nguyên nhân theo bà Hoa, là do dịch bệnh khiến việc vận chuyển gặp khó khăn và phát sinh nhiều chi phí. “Chi phí bị đẩy lên cao quá nên các thương lái nản, không mặn mà việc thu mua nông sản” - bà Hoa cho hay.

Trong khi đó, riêng địa bàn huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) thời điểm này, có khoảng 950 ha vườn cây ăn trái bước vào vụ thu hoạch. Lãnh đạo chính quyền địa phương cũng thừa nhận việc giảm sản lượng thu mua nông sản một phần do thương lái ngại vì chi phí phát sinh lớn.

Còn tại tỉnh Long An, trong vụ lúa Hè thu 2021 đã thu hoạch gần 118.000ha, sản lượng trên 600.000 tấn và hiện còn hơn 102.000ha sắp thu hoạch, chủ yếu tập trung ở 2 huyện Mộc Hoá và Thạnh Hoá. Thế nhưng, việc thu mua lúa cũng khó khăn từ những vấn đề mà các thương lái đang gặp phải. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạnh Hóa Nguyễn Kinh Kha cho biết, việc vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương gặp khó nên các thương lái từ các nơi khác không đến thu mua, trong khi thương lái tại địa phương chỉ có thể mua khoảng 30% diện tích.

Một số thương lái cho biết, muốn thu mua lúa thì họ cần phải có 2 loại giấy, gồm giấy xác nhận mua lúa từ điểm đi tới điểm thu mua lúa và giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19. Với mỗi ghe chở lúa bình thường có 3 nhân công nên phải tốn chi phí gần 1 triệu đồng/lần xét nghiệm nhanh. Không những vậy, mỗi chuyến ghe phải xét nghiệm từ 1 - 2 lần… “Đây là một trong những lý do dẫn đến việc các thương lái nghỉ mua hoặc huỷ hợp đồng”, ông Nguyễn Đức Việt, một thương lái nói.

Cần có “luồng xanh” trên sông

Khó khăn hơn khi các phương tiện lưu thông đường thủy ở ĐBSCL vẫn chưa có “luồng xanh” như đường bộ, trong khi mỗi địa phương lại có quy định khác nhau. Thế nên, để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá nông sản ở vùng ĐBSCL, ngày 18/8, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã ký văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN vận chuyển hàng hóa trên đường thủy.

Để gỡ khó cho thương lái, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạnh Hóa đề xuất các địa phương cần có sự thống nhất về những loại giấy tờ, điều kiện vận chuyển, giao thương hàng hóa nhằm hỗ trợ nông dân tiêu thụ lúa trong lúc khó khăn này.

Là địa phương có nhiều khu vực hàng nông sản đang tồn đọng, ông Trần Lâm Sinh, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, cho hay Sở đã lập Tổ hỗ trợ Covid-19 để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, đưa sản phẩm đến tiêu thụ trong các khu vực cách ly. Sở cũng đã làm việc với TPHCM và các địa phương khác để nối lại thị trường tiêu thụ nông sản.

Theo các chuyên gia, để khắc phục tình trạng ùn tắc trong cấp giấy phép nhận diện “luồng xanh” có mã QR, chính quyền các địa phương cần tổ chức nhiều hơn các chốt, hoặc nhánh kiểm tra nhằm “chia lửa” cho các chốt chính để tránh việc ùn tắc. Ngoài ra, cũng cần xem xét lại cơ chế, quy định để đồng nhất giữa các tỉnh, thành phố, tránh hiện tượng doanh nghiệp, tài xế bị “hành” xét nghiệm Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cấp bách khơi thông hàng nông sản