Chầm chậm ở Hành Thiện

TRẦN DUY HƯNG 30/01/2022 14:00

Chầm chậm vì về làng Hành Thiện mà đi nhanh, đi lướt thì “rất phí”. Tôi đã nhiều lần về Hành Thiện nhưng lần nào cũng muốn được chầm chậm ở đây. Chầm chậm để cảm nhận sự đẹp đẽ ở ngay tên làng: Hành Thiện (nơi chỉ làm việc thiện lành). Chầm chậm để còn biết mình đang đứng ở đâu trong ngôi làng có “hình làng, thế đất” giống một con cá chép đang “quẫy đuôi”, vượt vũ môn ở liền kề ngã ba sông Hồng, sông Ninh Cơ này. Chầm chậm để cảm nhận nét cổ kính nhưng cũng rất văn minh, rất phong lưu...

Cổng xóm 7, một trong 14 xóm của làng Hành Thiện.

Ngay cả khi nghe người làng kể chuyện về làng, tôi cũng muốn được nghe chậm, vì chuyện về Hành Thiện thường gắn liền với chuyện học hành, chữ nghĩa, chuyện nhiều người đỗ đạt, thành tài cả xưa lẫn nay. Nghe qua loa, chiếu lệ không thể “cảm”, không thể thấy hết được cái hay, nét đẹp. Giữa nhiều địa chỉ ở ngôi làng “chỉ làm việc thiện lành” này, chiều ấy tôi tìm tới nhà, thăm lại ông Nguyễn Thế Hiệp. Thăm lại ông bởi cứ ấn tượng mãi về ông - người cán bộ trước khi nghỉ hưu có tròn 30 năm làm việc trông coi, hướng dẫn các đoàn khách về tham quan, tìm hiểu Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh, một “địa chỉ đỏ” ở Hành Thiện, ở Nam Định.

Với vốn hiểu biết sâu rộng về lịch sử, truyền thống của làng do tự nghiên cứu; với vốn chữ Hán, chữ Nôm được thừa hưởng từ người cha vốn là một ông đồ và với lối truyền đạt trang trọng nhưng đầy sự lôi cuốn, trong suốt 30 năm ấy ông đã giúp không biết bao nhiêu đoàn khách, cả trong và ngoài nước biết đến, ngạc nhiên về một làng quê đặc biệt như Hành Thiện, được hiểu rõ hơn về thân thế, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Trường Chinh - một người con của làng.

Đua thuyền, nét đẹp trong lễ hội Chùa Keo Hành Thiện.

Chiều ấy, bên ấm trà, tôi được ông Hiệp “đãi” một “bữa tiệc” về lịch sử, truyền thống, văn hóa ngôi làng của ông, về những bậc hiền tài của làng bằng sự thủng thẳng nhưng rành rẽ. Ông cho hay, đến thời Trần, vùng đất Hành Thiện nằm liền kề ngã ba sông này hẳn đã trù phú lắm nên mới được triều đình chọn xây dựng Hành Cung trang, có cả vườn Kim Quất (cam ngọt) để vua quan về thưởng lãm. Và chắc hẳn do phù sa màu mỡ, dâu tằm tốt tươi nên nghề trồng dâu, nuôi tằm, kéo sợi, dệt vải đã sớm hình thành, phát triển ở đây. Rồi nữa, không rõ hình làng, thế đất “cá chép vượt vũ môn”, biểu tượng của sự đỗ đạt có liên hệ, tác động gì đến việc học hành của người làng hay không? Chỉ biết, ngay từ đầu thế kỷ 16 (năm 1522), dưới triều Lê, làng đã sớm “gặt hái” được thành quả học hành, với việc ông Nguyễn Thiện Sỹ đỗ cử nhân, được sử làng vinh danh là bậc “khai khoa”, khởi đầu cho truyền thống khoa bảng rực rỡ của làng, kéo dài cho đến tận ngày nay.

Lần dở cuốn “Hành Thiện xã chí”, ông Hiệp cho hay, chỉ tính trong thời khoa cử phong kiến làng Hành Thiện đã có tới 419 người học hành đỗ đạt. Trong đó có 7 đỗ đại khoa (3 tiến sĩ, 4 phó bảng), 97 cử nhân, 315 tú tài. Người đỗ đạt cao nhất là cụ Đặng Xuân Bảng, ông nội ông Đặng Xuân Khu, tức cố Tổng Bí thư Trường Chinh. Cụ sinh năm 1828, đỗ Tam giáp tiến sĩ đệ nhất danh năm 1856.

Đến thời Pháp thuộc, làng có thêm tới 51 người đỗ từ tú tài đến cử nhân. Đời sống ở Hành Thiện trong suốt thời phong kiến, thời Pháp được gói gọn trong 6 chữ: “Trai học hành, gái canh cửi”; vang danh trong những câu ca “Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện”, “Đậu phụ Thủy Nha, Tú tài Hành Thiện”. Trong thời hiện đại, sơ sơ làng đã có tới 6 người được phong Giáo sư; 2 người được Giải thưởng Hồ Chí Minh; 7 tướng lĩnh quân đội, 3 Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động; 2 người làm Bộ trưởng (Đặng Hồi Xuân, Đặng Vũ Chư), 1 người làm Phó Chủ tịch Quốc hội (Đặng Quân Thụy). Và, như đã biết, Hành Thiện là quê hương của cố Tổng Bí thư Trường Chinh.

Hỏi ông Hiệp chuyện học hành của con em làng hiện nay, thay bằng trả lời, ông đứng lên chỉ vào tấm bằng Hội Khuyến học làng vinh danh vị Tiến sỹ thứ 196 của làng, đỗ năm 2016, ngành Y khoa, tên Nguyễn Thế Hiển. Và, vị Tiến sỹ ấy chính là con trai cả ông Hiệp. “Tôi nuôi 3 con ăn học bằng lương của một chuyên viên Phòng Văn hóa huyện làm công tác hướng dẫn. Ngày trước không có lương, được xã trả 3 tạ thóc/năm” - ông chia sẻ.

Ông Nguyễn Thế Hiệp, người có 30 năm trông coi, giới thiệu tại Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh ở làng Hành Thiện.

Thời hiện đại có nhiều người nổi danh như Giáo sư Đặng Vũ Khiêu, cha con hai Giáo sư Đặng Vũ Hỷ, Đặng Vũ Minh; nguyên Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Đặng Vũ Chư; Giáo sư, Tiến sĩ y khoa Đặng Vũ Thiên Thanh (từng làm việc tại Đại học Harvard - Mỹ)…

Văn hóa, văn hiến, hiếu học như vậy nên theo sử làng, đến năm 1823 làng được vua Minh Mạng đổi tên thành Hành Thiện và ban tặng 4 chữ “Mỹ tục khả phong”. Cho đến nay, theo ông Hiệp, cùng với truyền thống hiếu học, người Hành Thiện vẫn duy trì nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp. Làng vẫn duy trì tục Yến Lão, ba năm tổ chức một lần với nhiều nghi lễ trang trọng để tri ân các bậc cao niên; duy trì nguyên vẹn những sinh hoạt đậm chất truyền thống, cộng đồng của lễ hội chùa Keo, trong đó có môn đua thuyền, như một hình thức tưởng nhớ Thiền sư Dương Không Lộ, người đã dạy dân làng nghề chài lưới. Chỉ nhìn vào con kênh chạy qua làng, hai bên dân cư đông đúc, chợ họp liền kề nhưng lòng kênh không hề có rác thải đã cho thấy sự văn minh của người Hành Thiện.

Rồi nữa, ở một ngôi làng có quá nhiều con em đỗ đạt, thành tài nhưng đi khắp làng không thấy có những ngôi nhà “siêu to, siêu khủng” như đang thấy ở nhiều làng quê khác, chỉ thấy những ngôi nhà vừa phải, sạch sẽ, nhiều cây xanh, những chiếc cổng nhỏ xinh trước mỗi xóm, những ngôi từ đường được chăm chút, trùng tu cẩn thận, tỷ mỷ. Phải chăng, đây chính là sự tinh tế, thể hiện chiều sâu văn hóa của người Hành Thiện trong việc gìn giữ sự hài hòa của kiến trúc làng quê?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chầm chậm ở Hành Thiện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO