Ngày 17/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016.
Đồng thời, Ủy ban Thượng vụ Quốc hội cũng xem xét kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017; kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011-2015); kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Báo cáo của Chính phủ cho rằng, tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt khoảng 6,3 - 6,5% (thấp hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao 6,7%). Tính toán sơ bộ, nếu Quý IV năm nay giữ mức tăng trưởng như Quý III (6,4%) thì cả năm 2016, tăng trưởng chỉ đạt 6,0%.
Nếu tăng trưởng tương đương Quý IV năm 2015 là 7% thì cả năm 2016, mức tăng đạt 6,3%. Để tăng trưởng cả năm đạt 6,5%, thì Quý IV phải tăng 7,7%. Đây đã được coi là mốc rất cao, không dễ đạt được. Còn để đạt mục tiêu kế hoạch đề ra là 6,7%, GDP Quý IV phải tăng 8,3%.
Thẩm định báo cáo trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều ý kiến trong Ủy ban Kinh tế nhìn nhận, tái cơ cấu DNNN ít có sự chuyển biến.
Tốc độ cổ phần hoá DNNN chậm, trong đó có nguyên nhân là chưa có sự vào cuộc quyết liệt của bộ, ngành, chưa xác định trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp.
Theo ông Thanh, một số DN đã cổ phần hóa nhưng tỷ lệ cổ phần nắm giữ của Nhà nước còn lớn chưa tạo chuyển biến về chất đối với việc huy động vốn từ xã hội cho đầu tư phát triển và quản trị doanh nghiệp.
Chậm cổ phần hóa, hoạt động không hiệu quả nhưng chi phí tiền lương vẫn rất cao (chủ yếu cho lãnh đạo DN). Trên cơ sở đó, ông Thanh cho rằng, cần đánh giá đầy đủ việc sắp xếp, mua bán, sáp nhập và sử dụng vốn nhà nước không tuân thủ Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN tại một số công ty cổ phần Nhà nước nắm vốn chi phối; sử dụng đất tại các DNNN.
Đồng thời đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể về hiệu quả công tác quản lý, sử dụng vốn nhà nước và phương án xử lý các dự án đầu tư lãng phí, kém hiệu quả mà dư luận quan tâm.
Trước đề xuất nâng tỷ lệ nợ chính phủ từ 50% lên 55% GDP, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, nợ chính phủ đã vượt giới hạn cho phép vào cuối năm 2015, đã ở mức 50,3% GDP.
Chính phủ đề nghị nâng mức trần lên 55% GDP cho giai đoạn 2016-2020. Không có đề nghị nới trần nợ công nhưng lại dự báo rằng nếu GDP không đạt, thì nợ công có thể tiến đến mức 70% GDP. Như vậy có đảm bảo an ninh tài chính quốc gia không?
Trong khi đó ông Nguyễn Đức Hải- Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị, Chính phủ rà soát, báo cáo đầy đủ tình hình nợ công để có những giải pháp điều hành, cân đối ngân sách nhà nước chủ động và kịp thời.
Trường hợp ngân sách nhà nước hụt thu, đề nghị giảm nhiệm vụ chi tương ứng để giảm bội chi, đảm bảo nợ công trong giới hạn cho phép.