Trái ngược với chiến lược mua lại thương hiệu hoặc tăng cường quảng bá thương hiệu, doanh nghiệp ngoại, doanh nghiệp Việt lại tỏ ra khá chậm chạp trong việc đăng ký bảo hộ và phát triển thương hiệu.
Đăng ký bảo hộ và phát triển thương hiệu chưa được quan tâm đúng mức.
E ngại về chất lượng và quy mô
Theo khảo sát của Bộ Công thương, hiện nay mới chỉ khoảng 20% doanh nghiệp (DN) Việt đầu tư xây dựng thương hiệu. Đi đầu về bảo hộ và xây dựng thương hiệu phải kể đến quần áo Việt Tiến, An Phước; ba lô, giỏ xách Minh Tiến; giày dép Biti’s, Bita’s; gốm sứ Minh Long; nước mắm Phú Quốc; kẹo dừa Bến Tre, cà phê Trung Nguyên…Các chuyên gia kinh tế nhận xét, cộng đồng DN Việt khá đông đảo cùng nhiều sản phẩm chất lượng được người tiêu dùng lựa chọn. Thế nhưng, không hiểu sao DN Việt lại không mặn mà trong việc bảo hộ và xây dựng thương hiệu.
“Tại sao các nước khác nỗ lực phấn đấu xây dựng thương hiệu sản phẩm để gia tăng khả năng cạnh tranh trên thương trường, trong khi DN Việt vẫn “bình chân như vại”?” - một chuyên gia kinh tế thắc mắc.
Một thống kê chỉ rõ, từ năm 1988 đến năm 2017 có gần 30.000 DN nộp đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. Tuy nhiên, đơn kiểu dáng của DN đăng ký đa phần là những sản phẩm đơn giản, hoặc hộp đựng, bao bì, nhãn mác… Điều tra mới đây của Dự án hỗ trợ doanh nghiệp về năng lực xây dựng và quảng bá thương hiệu ghi nhận, khoảng 25% DN không đầu tư xây dựng thương hiệu, 70% có đầu tư nhưng không toàn diện.
Tìm lời giải cho thực trạng trên, hầu hết ý kiến khẳng định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc DN thờ ơ xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm. Ghi nhận của phóng viên, đa phần DN cho rằng, quy mô nhỏ, sản phẩm không đủ tính cạnh tranh nên không chủ động bảo vệ thương hiệu. Đại diện một DN thừa nhận, họ chưa thực sự thấy cần thiết với quy mô hoạt động của mình nên đã không gửi đơn đăng ký thương hiệu. Yếu điểm khác cũng được chỉ rõ, DN chưa chú trọng việc thiết kế sản phẩm, thường thì sao chép kiểu dáng từ những mẫu không được bảo hộ trước đây. Ngoài ra, nguyên nhân không kém phần nản lòng đó là tuổi thọ của kiểu dáng ngắn, thời gian nộp đơn để được cấp giấy chứng nhận còn dài.
Theo Cục Sở hữu trí tuệ, phần đông DN chưa thật sự có chú ý đến việc bảo hộ kiểu dáng cho sản phẩm - tài sản vô hình. Riêng ở thị trường nước ngoài, hầu như DN chỉ xuất khẩu sản phẩm thô nên xem nhẹ việc đăng ký.
Cần thiết bảo hộ và phát triển thương hiệu
Không riêng thị trường trong nước, ở thị trường nước ngoài, hàng tiêu dùng, nông sản, thủy hải sản, thực phẩm của Việt Nam được người tiêu dùng các nước đánh giá cao, song việc đăng ký bảo hộ kiểu thương hiệu cũng không được quan tâm. Kết quả là, khá nhiều thương hiệu Việt Nam phải đối diện với tranh chấp thương hiệu trên thị trường thế giới như: Cà phê Trung Nguyên, kẹo dừa Bến Tre, Vinataba, Biti’s…
Thống kê cho thấy, số lượng đơn đăng ký bảo hộ thương hiệu, kiểu dáng công nghiệp của DN Việt Nam ở nước ngoài chiếm tỷ lệ rất thấp. Với thị trường xuất khẩu lớn và đầy tiềm năng như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ mà số lượng sản phẩm đăng ký bảo hộ cho thương hiệu cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điển hình, tại EU có khoảng 166 kiểu dáng được đăng ký. Tương tự, tại thị trường Mỹ chỉ có 10 kiểu dáng được đăng ký. Các kiểu dáng được đăng ký chủ yếu là xe cộ, chén bát…của những DN tên tuổi như Vinfast, Minh Long.
TS Lê Đăng Doanh - thành viên Ủy ban Chính sách phát triển LHQ khẳng định, thương hiệu sản phẩm hay dịch vụ của DN là hình ảnh đại diện cho đất nước trong thời kinh tế hội nhập. Yêu cầu đặt ra, DN phải đăng ký bảo hộ và bảo vệ thương hiệu tránh những tranh chấp thương mại không đáng như trước đây của kẹo dừa Bến Tre, cà phê Trung Nguyên. Đồng tình quan điểm trên, lực lượng quản lý thị trường trong nước nhiều lần nhắc nhở DN nên đăng ký bảo hộ, không để hàng giả, hàng nhái chèn ép.
Theo ông Phạm Lê Cường - Trung tâm chứng nhận phù hợp (QUACERT), muốn mở rộng thị trường đòi hỏi phải có thương hiệu tốt dựa trên nền tảng chất lượng sản phẩm. Khi sản phẩm có thương hiệu sẽ buộc DN phải bảo hộ và phát triển.
Cục Sở hữu trí tuệ cho hay, trong bối cảnh hội nhập kinh tế và toàn cầu hóa hiện nay, việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp trở thành một nhu cầu cần thiết. Nhằm hỗ trợ DN đăng ký bảo hộ thương hiệu, chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016- 2020 của Cục Sở hữu trí tuệ ra đời tập trung hỗ trợ bảo hộ, áp dụng sáng chế, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ.
Trước đó, nói về hỗ trợ DN đăng ký bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ khẳng định, Cục tiếp tục tạo thuận lợi cho DN đăng ký bảo hộ trong và ngoài nước thông qua đàm phán, gia nhập các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ.