Đến khu nhà ở dành cho công nhân tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội), chúng tôi rất ngạc nhiên khi tại đây có dịch vụ wifi miễn phí. Việc được sử dụng wifi miễn phí giúp công nhân có thể nâng cao khả năng tiếp cận thông tin, hưởng thụ các tiện ích của không gian mạng cũng như các nhu cầu giải trí...
Đời sống công nhân ngày càng được chăm lo nhiều hơn.
Cách đây tròn một năm, tại cuộc đối thoại giữa công nhân và UBND TP Hà Nội, một số công nhân đã đề nghị được cung cấp dịch vụ wifi miễn phí tại các khu nhà ở tập trung. Kiến nghị đó đã được thành phố tiếp thu và đáp ứng. Nhiều công nhân không thể tin rằng, đề xuất đó đến nay đã thành hiện thực.
Chị Vũ Thu Hà, công nhân KCN Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) cho biết: “Công nhân chúng tôi ai cũng có nhu cầu sử dụng đường truyền internet chất lượng cao. Tuy nhiên, sử dụng 3G khá tốn kém. Khi có wifi miễn phí, chúng tôi có thể tiếp cận internet dễ dàng, có thể có nhiều hoạt động học tập, giải trí sau giờ làm việc vất vả”. Ngoài KCN Kim Chung, những khu tập trung nhiều nhà cao tầng ở các KCN Đông Anh, Thạch Thất, Quốc Oai và KCN Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ đã được lắp đặt wifi miễn phí.
Không chỉ diễn ra trong Tháng Công nhân, việc quan tâm, chăm sóc đời sống công nhân lao động luôn được chính quyền, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội coi là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; trong đó, luôn song hành nhiệm vụ chăm lo đời sống vật chất và cả tinh thần. Đối với đời sống vật chất, Liên đoàn Lao động thành phố luôn phối hợp công đoàn cơ sở rà soát để nắm thông tin về tình hình kinh tế của các đoàn viên công đoàn, từ đó, đề ra các biện pháp hỗ trợ thích hợp.
Năm 2017, LĐLĐ thành phố Hà Nội xét duyệt hỗ trợ xây dựng 65 “Mái ấm Công đoàn” với số tiền gần 1,8 tỷ đồng. Không chỉ giúp các cá nhân có tên trong danh sách hỗ trợ của “Mái ấm công đoàn”, trong năm qua, các cấp công đoàn tại Hà Nội đã chủ động chia sẻ, hỗ trợ các gia đình đoàn viên bị ảnh hưởng do thiên tai, tai nạn. Công đoàn các cấp đã thăm hỏi, trợ cấp cho hơn 23 nghìn CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, gia đình công nhân lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với số tiền hàng chục tỷ đồng.
Theo Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật (LĐLĐ TP Hà Nội) Nguyễn Thanh Thủy, với một số đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn, việc sửa chữa, xây nhà mới là điều họ không dám nghĩ tới. Do đó, để nâng cao chất lượng đời sống của đoàn viên công đoàn, hằng năm các cấp công đoàn đã rà soát, lập danh sách hỗ trợ xây dựng “Mái ấm công đoàn”. Đồng thời tích cực vận động các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng, người thân cùng chung tay chung sức giúp đoàn viên khó khăn “an cư lạc nghiệp”, tạo động lực cho đoàn viên nỗ lực vươn lên.
Gia đình chị Lê Mai Hương, công nhân may Công ty TNHH Toyota Boshoku Hà Nội là một ví dụ điển hình. Chị Hương không may sinh con gái bị khuyết tật, chồng chị bỏ đi để mặc hai mẹ con tự xoay xở. Nhiều năm qua mẹ con phải sống trong căn nhà ông ngoại cho đã xuống cấp mà chưa có điều kiện sửa chữa. Nhờ chương trình “Mái ấm công đoàn” mà mẹ con chị đã có mái ấm nhỏ, chắc chắn, yên tâm sinh sống nhất là những ngày mưa bão. Trong năm 2018 này, Liên đoàn Lao động TP tiếp tục đẩy mạnh quan tâm đến việc thực hiện chương trình “Mái ấm công đoàn”, để không còn đoàn viên công đoàn nào sống trong những mái nhà dột nát.
Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có hơn 231 nghìn doanh nghiệp với 2,5 triệu công nhân lao động. Việc quan tâm, chăm lo đời sống công nhân lao động là nhiệm vụ ngày càng nặng nề, đòi hỏi những sáng tạo trong công tác.
Để nắm bắt nguyện vọng, đáp ứng tốt hơn yêu cầu cuộc sống của công nhân lao động, TP Hà Nội liên tục tổ chức các cuộc đối thoại giữa đại diện chính quyền thành phố với công nhân. Sau các buổi đối thoại, lãnh đạo thành phố đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, đơn vị để nhanh chóng giải quyết các vấn đề người lao động quan tâm.
Ông Phạm Khắc Tuấn, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết: Sau hội nghị đối thoại với công nhân lao động năm 2017, UBND thành phố đã giao 47 nhiệm vụ cho 20 sở, ngành, địa phương, đơn vị trực thuộc giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp và người lao động trong các KCN. Ðến nay, đã có 30 nhiệm vụ được thực hiện xong, bảy nhiệm vụ đang tiếp tục triển khai.
Ở cuộc đối thoại năm 2018 mới đây, đã có 1.012 ý kiến, kiến nghị tập trung vào 54 nội dung, sáu nhóm vấn đề gửi tới UBND TP Hà Nội. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã tiếp nhận, yêu cầu các cơ quan chức năng giải quyết những kiến nghị chính đáng. Trong đó, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh sẽ tiếp tục quan tâm đến vấn đề nhà ở, trạm y tế, trường mầm non cho các KCN để công nhân yên tâm hơn trong lao động, sản xuất.