Xã hội

Chăm lo đời sống người có công với cách mạng

Lan Hương 08/05/2024 14:14

Theo Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), trong 4 tháng đầu năm các địa phương đã chi trả trợ cấp cho 1.054.953 người có công với cách mạng với kinh phí ước khoảng hơn 8.000 tỷ đồng.

Đánh giá về công tác chăm sóc người có công với cách mạng, Bộ LĐTBXH cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2024, Bộ LĐTBXH đã tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn. Theo đó, trong quý I/2024, các địa phương trong cả nước đã thực hiện chi trả trợ cấp cho 1.054.953 người có công với cách mạng với kinh phí ước khoảng hơn 8,05 nghìn tỷ đồng.

Trong những tháng tới đây, Bộ LĐTBXH tiếp tục hoàn thiện chi trả trợ cấp ưu đãi người có công thông qua tổ chức dịch vụ bưu chính công ích; đẩy mạnh chi trả không dùng tiền mặt đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và đặc thù của đối tượng hưởng.

Đối với các trường hợp đặc biệt không thể đi lại được và không có người thân lĩnh thay thì sẽ phục vụ chi trả tận nhà. “Hiện nay, Bộ LĐTBXH đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, dự kiến trình Chính phủ ban hành trong tháng 5/2024” - đại diện Bộ LĐTBXH cho hay.

Cùng với công tác chăm sóc người có công, Bộ LĐTBXH cũng cho biết, thị trường việc làm trong 4 tháng đầu năm hồi phục rõ nét. Theo đó, lực lượng lao động thường tăng so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp giảm, theo quy luật thường thấy ở quý có Tết Nguyên đán.

Đáng chú ý, trong quý I/2024 thu nhập bình quân của lao động quý I/2024 là 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 301nghìn đồng so với quý IV/2023 và tăng 549 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2023.

Bộ LĐTBXH đánh giá, chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Tính đến nay, khoảng 37,8 triệu người lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên.

Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vẫn còn cao. Cả nước có khoảng 1,4 triệu thanh niên không có việc làm (từ 15-24 tuổi) và không tham gia học tập, đào tạo (chiếm 11% tổng số thanh niên). Tỷ lệ này ở khu vực nông thôn cũng cao hơn khu vực thành thị (12,8% so với 8,3%).

Để ổn định thị trường lao động, thời gian qua Bộ LĐTBXH vẫn tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động, nhằm duy trì lực lượng lao động ổn định.

Về giải pháp cụ thể, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tăng kết nối cung - cầu lao động trên thị trường, nhất là kết nối thị trường lao động các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm. Chú trọng giải quyết việc làm cho thanh niên, lao động trung niên, lao động yếu thế và lao động nữ.

Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi diễn biến của thị trường lao động để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm tăng cường tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm, thông tin thị trường lao đông để kin thời hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chăm lo đời sống người có công với cách mạng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO