Tết cũng đã đến với người dân vùng rốn lũ Hương Khê (Hà Tĩnh). Nhưng điều khiến cả hệ thống chính trị ở huyện trăn trở là làm sao để người nghèo vùng lũ đón Tết đầm ấm, đủ đầy. PV Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với bà Từ Thị Hòa- Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hương Khê (Hà Tĩnh).
Bà Từ Thị Hòa.
PV: Bà có thể cho biết, sau đợt lũ chồng lũ vừa qua, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của huyện có tăng so với năm ngoái hay không?
Bà Từ Thị Hòa: Những trận lũ lớn nhỏ trong năm 2016 vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân cũng như tình hình kinh tế - xã hội của huyện Hương Khê. Điều đó được thể hiện khá rõ ở việc tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo năm nay đều tăng so với năm ngoái.
Theo số liệu chúng tôi vừa thống kê thì tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 của huyện là 19,02%, cận nghèo 10,04%. Với số liệu này thì tỷ lệ hộ nghèo năm nay tăng 3,19% (tăng 1.066 hộ), tỷ lệ hộ cận nghèo tăng 1,97% (tăng 655 hộ) so với năm 2015.
Sau khi lũ đi qua, Mặt trận mình đã có những hoạt động gì giúp người dân ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất?
Lũ đi qua, khó khăn để lại, cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Điều quan trọng nhất được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể huyện xác định là tập trung cứu trợ, ổn định tình hình, giúp dân khôi phục sản xuất. Dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ban, ngành cấp tỉnh, trong từng thời điểm, huyện đã vạch ra lộ trình, kế hoạch cụ thể.
Trong và sau lũ, Mặt trận huyện đã phối hợp với Ban cứu trợ tỉnh tiến hành cứu trợ khẩn cấp cho người dân vùng lũ cũng như tuyên truyền, vận động người dân nhanh chóng khôi phục sản xuất.
Đến thời điểm này đã có gần 1.340 lượt đoàn cứu trợ từ khắp nơi trên cả nước đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt với tổng giá trị gần 75 tỷ đồng, trong đó tiền mặt hơn 50 tỷ đồng. Số tiền này đã góp phần giúp người dân vơi bớt khó khăn, nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Khi lũ đi qua, việc khắc phục sản xuất được Ban Thường vụ huyện ủy, UBND huyện, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể triển khai một cách quyết liệt.
Mặt trận huyện đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể ở cơ sở như đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, hội Nông dân... tuyên truyền, vận động người dân tập trung sản xuất, nhất là ngô vụ đông. Đây là vụ đông thắng lợi nhất từ trước đến nay với tổng diện tích hơn 1.700 ha, cung cấp cho người dân hơn 40 tấn giống ngô, 2 tấn giống rau các loại, 50 tấn giống khoai lang, 80 tấn giống lúa vụ xuân…
Màu xanh đã trở lại.
Tết Nguyên đán 2017 đang cận kề, đến nay việc chăm lo Tết cho người nghèo được Mặt trận cũng như chính quyền địa phương thực hiện như thế nào, thưa bà?
Có thể nói là cả hệ thống chính trị đã và đang vào cuộc để vận động, xây dựng kế hoạch chăm lo Tết cho người nghèo một cách đầm ấm, sum vầy. Mặt trận đã phối hợp và giám sát việc phân bổ, cấp phát gạo cứu đói cho người dân. Trên cơ sở đề xuất của các thôn xóm, đến nay huyện đã cấp phát xong 855 tấn gạo cứu đói cho người dân.
Ngay từ ngày 30/12/2016, Ban Thường vụ huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 16 về việc chăm lo Tết cho người nghèo, UBND huyện xây dựng kế hoạch về việc thực hiện cuộc vận động “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”.
Mặt trận huyện phối hợp với Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện và một số đoàn cứu trợ trao 800 suất quà (mỗi suất 500 nghìn đồng) cho người dân vùng lũ và hộ nghèo.
Quỹ Vì người nghèo tỉnh và huyện trao 300 suất quà cho hộ nghèo, 100 suất cho hộ cận nghèo (mỗi suất 300 nghìn đồng). Hiện tại, Mặt trận đang tổ chức hướng dẫn, đến tận nhà thăm hỏi, động viên, trao quà cho người nghèo.
Ngoài ra, Mặt trận các xã còn tự vận động thêm người dân, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn để hỗ trợ thêm cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo ăn Tết. Cả hệ thống chính trị đều vào cuộc chăm lo Tết cho người dân.
Năm nay Mặt trận huyện đã đổi mới cách phân bổ, rà soát đối tượng hỗ trợ trong dịp Tết, trước đây thông qua UBND cấp xã nhưng năm nay thông qua các tổ chức hội. Như vậy sẽ tránh được tình trạng bỏ sót hội viên ở cơ sở có hoàn cảnh khó khăn.
Nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp và sự hỗ trợ rất lớn của các nhà hảo tâm nên nhân dân hết sức phấn khởi. Đến nay việc khôi phục sản xuất được triển khai bài bản, quyết liệt nên người dân vùng “rốn lũ” Hương Khê sẽ đón một cái Tết tương đối ấm cúng, đủ đầy.
Theo bà, để người dân vùng lũ thoát nghèo bền vững, giảm được thiệt hại tối đa mỗi khi lũ về thì có giải pháp căn cơ nào không?
Hầu như năm nào vùng “rốn lũ” Hương Khê này đều chịu ít nhất là một đến hai trận lũ, với địa hình lòng chảo như ở đây thì từ xưa đến nay người dân đều sống chung với lũ. Để giảm thiểu được thiệt hại khi lũ về thì biện pháp hữu hiệu nhất là nhà hoặc chòi tránh lũ.
Hiện nay, cũng có một số chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng nhà tránh lũ cho người dân nhưng cũng chỉ mới được một số nhà chưa đáng kể. Vì thế rất cần sự quan tâm, đầu tư của các ban ngành cấp trên trong việc hỗ trợ xây nhà tránh lũ cho người dân.
Trong sản xuất, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể cần hướng dẫn, xây dựng nề nếp, tập quán sản xuất tránh thời điểm mưa lũ để góp phần giảm thiểu thiệt hại. Tập trung thực hiện thật tốt phương châm 4 tại chỗ. Hiện nay, đề án di dời người dân vùng lũ ở Hương Khê đã có nhưng mới chỉ thực hiện được một số hộ ở một vài xã.
Trân trọng cảm ơn bà!