Mặc dù phải đợi đến ngày 5/9 mới chính thức khai giảng năm học mới, nhưng hầu hết các trường đều đã tập trung học sinh để làm công tác sắp xếp, ổn định các khối, lớp. Sau kỳ nghỉ hè kéo dài hơn hai tháng, học sinh dường như cũng đã bắt đầu nhớ thầy cô, bạn bè và muốn được cắp sách tới trường rồi. Thật đáng mừng khi thấy các con ham học. Nhà nhà náo nức rộn ràng sắm sửa sách vở, đồ dùng học tập, đồng phục… chuẩn bị cho một năm học mới nhiều hy vọng thắng lợi mới.
Một năm học mới đã bắt đầu. Ảnh: Quang Vinh.
Một đứa trẻ muốn phát triển nhân cách và thể chất một cách toàn diện để trở thành một người trưởng thành thì phải trải qua một quá trình chăm sóc, giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện các phẩm chất và năng lực trong suốt quá trình rất lâu dài, liên tục, diễn ra ở nhiều môi trường khác nhau, liên quan đến nhiều mối quan hệ phức tạp. Vì thế, việc chăm sóc, giáo dục trẻ cần sự phối hợp đồng bộ của toàn xã hội, trong đó đặc biệt là sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, sát sao giữa gia đình và nhà trường, mà cụ thể là giữa phụ huynh và thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy, quản lý, chăm sóc trẻ. Tuy nhiên, tiếc rằng không phải phụ huynh nào cũng hiểu và thực hiện được điều này.
Không ít người cho rằng, sau khi gửi gắm con cho một ngôi trường nào đó là xong nhiệm vụ giáo dục con, nhất là những ngôi trường càng đắt tiền càng tốt, chương trình giáo dục càng tân tiến càng tốt. Nhà trường sẽ đón và trả con về tận cửa nhà, cho con ăn, ngủ, học hành cả ngày ở trường với các bài học về kiến thức trong sách vở lẫn kỹ năng sống ngoài đời, tối về các con chỉ việc tắm rửa, nghỉ ngơi rồi đi ngủ, sáng hôm sau lại bắt đầu lặp lại một ngày như thế. Cha mẹ yên tâm, thoải mái đi làm, kiếm tiền, đi công tác, ngoại giao, thậm chí phụ huynh nữ thì có thêm thời gian để cà phê với bạn bè, shopping, spa, làm đẹp… Nhưng cho dù là trường công hay trường tư, trường “bình dân” hay trường “cao cấp” thì cũng không bao giờ có một giáo án hay một chương trình chăm sóc, giáo dục nào hoàn hảo tuyệt đối cả. Có những phần việc mà thầy cô không thể làm thay phụ huynh.
Gia đình với nền tảng truyền thống là cái nôi sinh thành và nuôi dưỡng, là môi trường bồi đắp cho sự phát triển nhân cách của mỗi con người. Thầy cô, nhà trường là người truyền thụ tri thức, hướng dẫn trẻ cách tiếp cận và tiếp thu tri thức. Nhưng thầy cô thì ít, học trò thì đông. Thầy cô không thể kè kè kèm cặp sát sao từng học sinh được nên rất cần phụ huynh để ý, quan tâm, nhắc nhở con em mình học hành bám chắc theo chương trình trên lớp, ôn luyện thêm ở nhà, dạy dỗ thêm cho con phép tắc, lễ nghĩa về các mối quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con, làm sao để con tin tưởng, chia sẻ những băn khoăn, lo lắng từ những chuyện riêng tư nhất để có thể kịp thời giải đáp thắc mắc, chấn chỉnh những việc làm lệch chuẩn của con. Bằng những hiểu biết và kinh nghiệm của mình, cha mẹ có thể phân tích, định hướng, giúp con có những sự lựa chọn đúng đắn về nghề nghiệp tương lai và trước những quyết định quan trọng khác. Gia đình sẽ là điểm tựa vững chắc cho con vững bước vào đời, là cầu nối giữa con với nhà trường và xã hội.
Trước đây, học sinh thường chỉ phải học nửa ngày ở trường, nhưng xu hướng chung bây giờ là học bán trú (đối với lứa tuổi từ THCS trở xuống). Học sinh THPT nếu không học bán trú thì cũng vẫn có những tiết học tăng cường cho nửa ngày còn lại. Nên thời gian trẻ sinh hoạt ở trường là chủ yếu. Cha mẹ cần giữ mối liên hệ mật thiết với thầy cô giáo của con, đảm bảo đường dây thông tin liên lạc giữa gia đình và nhà trường phải luôn luôn thông suốt để phối hợp cùng nhà trường quản lý con, kịp thời xử lý những sự cố bất ngờ, tránh để xảy ra những hậu quả đáng tiếc như vụ học sinh bị bỏ quên trên xe bus vừa rồi. Phụ huynh cố gắng thu xếp thời gian để đồng hành cùng con trong các hoạt động ngoại khóa của nhà trường, một mặt để hiểu con hơn và mặt khác cũng là để chung tay cùng chia sẻ, gánh vác những việc mang tính chất xã hội hóa giáo dục.
Ảnh: Quang Vinh.
Những năm tháng đầu đời, khi trẻ bắt đầu bước vào cấp học đầu tiên là tiểu học, ý thức tự giác và nhận thức của trẻ về tầm quan trọng của việc học chưa cao nên còn mải chơi, thậm chí có trẻ ngại học, sợ học. Ở trên lớp, thầy cô sẽ cầm tay uốn nắn cho trẻ từng con chữ, nhưng sĩ số lớp thường quá đông, thời gian thầy cô dành cho mỗi học sinh không được nhiều như mong muốn. Bởi vậy khi về nhà, cha mẹ cần tiếp tục động viên, nhắc nhở, hướng dẫn và rèn cho con nề nếp, tự giác học hành. Khi trẻ học bài, cha mẹ cũng dừng tất cả các việc riêng và thú vui giải trí cá nhân của mình lại như tivi, nghe nhạc, mạng xã hội… để tạo ra một không gian yên tĩnh cho con tập trung học. Nếu cha mẹ cứ hò hét con phải học đi mà bản thân mình lại mở tivi ồn ào hoặc cắm mặt vào máy tính, điện thoại lướt mạng thì con sẽ không thể học nổi. Chỉ cho đến khi nào chúng ta đã rèn cho con được nề nếp tự giác, cho con thấy được việc học là cần thiết, là quan trọng, là quyền lợi và cũng là nghĩa vụ của con thì chúng ta mới có thể nới lỏng dần. Lên các cấp học cao hơn, chúng ta không cần phải kè kè bên bàn học của con nữa, chỉ cần thỉnh thoảng hỏi han, chia sẻ, nhắc nhở con là được.
Chăm sóc và nuôi dưỡng một đứa trẻ cũng giống như chăm sóc và nuôi dưỡng một cái cây. Chúng ta phải cẩn thận, kỹ càng ngay từ khâu chọn hạt giống, chọn mảnh đất tốt để gieo hạt. Khi hạt nảy mầm, lên xanh, hàng ngày chúng ta vẫn phải tưới tắm, rào giậu để bảo vệ. Khi cây đã đủ trưởng thành, rễ đủ dài để tự bám sâu vào trong lòng đất tìm nguồn dinh dưỡng để sống, thân cây, cành lá đủ cứng cáp để tự vươn lên tìm ánh sáng, chịu đựng được giông bão cuộc đời, thì lúc ấy chúng ta mới có thể nới lỏng vòng tay, để cho con hòa nhập vào với tự nhiên, tự sống và tự quyết định cuộc đời mình. Khi ấy, việc của chúng ta là quan sát các con từ xa, chỉ hỗ trợ, giúp đỡ những khi con thực sự cần.
Gia đình - nhà trường - xã hội luôn luôn là ba đỉnh của một tam giác có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển, thành công của một học sinh là trọng tâm của tam giác ấy. Ba đỉnh này luôn luôn phải được gắn kết với nhau bằng những “gạch nối” của mối quan hệ tương hỗ, nhịp nhàng. Thiếu một trong ba yếu tố ấy thì “trọng tâm” kia sẽ bị phát triển “khập khiễng”, không đồng bộ, thiếu nhất quán và đặc biệt, nếu thiếu đi sự quan tâm, phối hợp từ phía gia đình thì mỗi học sinh sẽ bị mất đi một nền tảng vững chắc cho bệ phóng thành công của cuộc đời mình.
Không ít người cho rằng, sau khi gửi gắm con cho một ngôi trường nào đó là xong nhiệm vụ giáo dục con, nhất là những ngôi trường càng đắt tiền càng tốt. Nhưng cho dù là trường công hay trường tư, trường “bình dân” hay trường “cao cấp” thì cũng không bao giờ có một giáo án hay một chương trình chăm sóc, giáo dục nào hoàn hảo tuyệt đối cả. Có những phần việc mà thầy cô không thể làm thay phụ huynh. Gia đình với nền tảng truyền thống là cái nôi sinh thành và nuôi dưỡng, là môi trường bồi đắp cho sự phát triển nhân cách của mỗi con người…