Đã lâu lắm rồi 4 đứa văn chương chúng tôi mới có dịp ngồi lâu với nhau. Lê Minh Khuê, Vũ Thị Hồng, Nguyễn Thu Trang và tôi, tại không gian nghệ thuật “Phố Hoài”.
Tôi rất cảm động, không chỉ vì những món quà quê rất ngon các bạn mang đến mà vì các bạn đã phải vượt quãng đường rất xa. Bốn đứa chúng tôi nhà ở bốn phía của thành phố, và đứa nào cũng đã già, tuổi xấp xỉ nhau, cùng trên bảy mươi, Thu Trang trẻ hơn một ít...
Thực ra, đôi khi chúng tôi vẫn gặp nhau ở các hội nghị, hội thảo văn chương. Nhưng đến với nhau tại nhà riêng nó mang một cảm xúc khác hẳn. Được ngắm nghía nhau thật gần, nói những câu chuyện thật sâu; những kỷ niệm được nhắc đến, những chuyện đùa cợt mà chỉ bốn đứa nghe mới thú vị; được khóc cười mà không sợ ai chê bai, chỉ trích...
Tôi ngưỡng mộ các bạn của mình. Hồng và Khuê đều là người đóng góp tuổi trẻ vào cuộc chiến tranh hơn 50 năm về trước. Đều là người nổi tiếng trên văn đàn. Cả hai đều viết văn, làm phóng viên chiến trường từ khi chưa đến 20 tuổi. Vũ Thị Hồng có chồng là nhà văn Chu Lai nổi tiếng. Chồng Lê Minh Khuê là giảng viên dạy môn Xã hội học ở trường báo chí, nơi tôi từng theo học…
Bài viết này tôi muốn nói về Vũ Thị Hồng. Tôi thủ thỉ Hồng: “Vậy là đã hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày cậu lên đường vào chiến trường. Cậu và Lê Minh Khuê đã vượt qua biết bao nhiêu khó khăn thử thách, thậm chí cận kề cái chết... Sức mạnh nào thôi thúc cậu, đứa con gái xinh đẹp, trẻ măng của Hà Nội đã kiên quyết tham gia, dù có rất nhiều lý do để ở lại?
Hồng bảo: Tớ thấy đơn giản mà, nó là khí thế chung của những năm tháng hào hùng của toàn dân tộc, đã là thanh niên thì phải có mặt ở chiến trường thôi. Không thể nào cứ yên ổn ở hậu phương khi Tổ quốc kêu gọi. Một điều khác thôi thúc tớ là mối thù của gia đình. Hồi đó Mỹ đang tiến hành chiến tranh leo thang ra miền Bắc. Vào 22/8/1967, lần thứ hai Mỹ ném bom xuống Hà Nội, một quả bom trúng ngôi nhà 140 Phố Huế, nơi bố tớ làm việc ở tầng 3. Tầng 1 là hiệu thuốc.
Hôm đó người ta đang bán thuốc B12 không cần đơn, nên nhiều người xếp hàng mua. Rất nhiều người đã chết vì bom cậu ạ. Bố ra đi đột ngột để lại mẹ tớ lúc đó mới 39 tuổi, với 6 chị em tớ, đứa nhỏ nhất chưa đầy 4 tuổi. Lúc đó tớ chưa học xong năm thứ 3 khoa Văn của Đại học Tổng hợp…
“Cậu có khi nào ân hận không, sau khi hăng hái ra đi đã gặp bao nhiêu khổ ải?” Tôi hỏi tiếp. Hồng bảo: Tớ chưa bao giờ ân hận cả. Thật đấy. Mặc dù tớ đã biết trước sẽ gặp vô vàn khó khăn gian khổ, kể cả hy sinh… Những gì bây giờ kể lại thì chỉ là một phần của cái thực tế vô cùng tàn khốc hồi đó cậu ạ.
Nhưng mấy chị em chúng tớ, đều đang học ở khóa viết văn, bảo nhau, dù có thế nào cũng đi về phía trước không được quay lại. Nếu có chết cũng phải chết ở chiến trường… Cậu đừng bảo tớ nói màu mè nhé. Thực tế là như vậy đấy, thậm chí cả bốn đứa đã thể hiện quyết tâm bằng cách cắt bỏ lại mái tóc ngang vai trước ngày hành quân vào chiến trường…
Hỏi thế, định để trêu bạn không ngờ chạm vào ký ức của bạn, một ký ức nhiều đau thương nhưng không kém tự hào. Con gái Hà Nội, có năng khiếu văn chương, vậy mà bạn đã từng ba tháng lội bộ, trên vai là chiếc ba lô nặng hơn người, vượt qua hơn một ngàn cây số đường Trường Sơn để vào nơi đóng quân. Đi qua những nẻo đường chiến trận, nhìn thấy những nấm mộ mới đắp còn tươi màu đất của đồng đội. Qua những cánh rừng, lội suối, vượt sông, đói, rét, nhọc mệt…
Đôi vai nhỏ của bạn từng bầm tím vì mang vác, chân bạn phồng rộp vì lội suối vượt sông. Bạn đã từng leo những con dốc cao hàng nghìn mét như dốc Bà Định, dốc Năm Thang… Mệt nhọc vì sức yếu lại thêm nắng, nóng, những cơn mưa dài của rừng thiêng nước độc khiến quần áo của bạn lúc nào cũng đẫm nước mưa, quyện mồ hôi, để rồi bạn mắc bệnh sốt rét. Nhưng đáng sợ hơn cả là bạn bị vắt cắn…
Hồi trẻ Hồng mắc bệnh đau khớp, mắt kém, nếu có giấy gọi lên đường Hồng có thể đưa những điều đó ra để được ưu tiên, được miễn. Nhưng bạn lại giấu bệnh và xung phong. Trong ba lô, ngoài quân trang quân dụng bạn còn mang theo những cuốn sách của Paustovsky, của Lev Tolstoy…
Là phụ nữ nhưng Hồng không bao giờ chịu sự ưu tiên của đồng đội. Hồng không ngồi một chỗ trên trung đoàn mà xuống thẳng đại đội để tìm được những con người, những chi tiết, những câu chuyện đáng viết. Không chỉ xinh đẹp mà Hồng còn có giọng hát. Nhiều lần Hồng đã hát "Người ở đừng về"; hay "Đường chúng ta đi" của Huy Du… cho đồng đội nghe trước khi cùng họ ra mặt trận.
*
Câu chuyện về Hồng và các nữ phóng viên chiến trường luôn gây xúc động cho tôi, một người cũng nghèo khổ như các bạn ấy nhưng, trừ mấy tháng vào tuyến lửa theo chương trình tăng cường công nhân kỹ thuật, còn lại là tôi được hưởng thụ cuộc sống cùng chồng con nơi thành phố. Nói đến chuyện chồng con, tôi hỏi Hồng:
“Sau khi rời chiến trường, một người có khả năng như bạn sao lại không cầm bút ngay, mà chịu ẩn mình trong công tác quản lý, và chỉ luôn đứng đằng sau chồng? Lý do gì?”.
Hồng bảo: “Tớ viết chậm, viết ít, 17 năm công tác tại NXB Quân đội nhân dân, chỉ ra được 4 tập truyện ngắn, 1 cuốn tiểu thuyết. Sau thì làm Trưởng ban Phụ nữ quân đội lại càng bận bịu với công tác quản lý, tớ đi công tác suốt nên càng không có thời gian ngồi viết. Vả lại đã có “ông xã” Chu Lai viết hết cả phần rồi (cười).
Từ ngày về hưu tớ cũng chỉ viết thêm được 1 tập tiểu thuyết và truyện ký “Chạm vào ký ức” vừa hoàn thành, mà cậu đang đọc đấy. Có thể cũng là do tớ lười biếng hoặc tự ti với bản thân. Tớ hay bị phê bình là thiếu cần cù và say mê với công việc viết lách….
Hồng khiêm tốn nói thế thôi. Nhưng, Vũ Thị Hồng mang hàm đại tá, là phóng viên - nhà văn hiếm hoi có mặt ở chiến trường, từng có nhiều truyện ngắn, có tiểu thuyết đoạt giải thưởng Văn học về đề tài chiến tranh Cách mạng. Gần đây nhất, năm 2015, với tiểu thuyết "Mùa thu ở lại", Vũ Thị Hồng đoạt giải Nhì của cuộc vận động sáng tác về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" do Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Và trước đó, vào năm 1991, trong cuộc thi "Người phụ nữ trên mặt trận bảo vệ An ninh Tổ quốc", tác phẩm "Trở lại là em" của Vũ Thị Hồng cũng đã được nhận giải A.
Tiếp theo cái mạch, cần phải viết nhiều hơn mới đúng với tài năng của bạn, tôi trêu: Tại cậu nhường ông Chu Lai rồi. Không ít cặp vợ chồng cùng là nghệ sĩ, thì người vợ lùi lại phía sau để “vừa mắt” chồng, gia đình nhà chồng? Hồng bảo, cậu nói gì lạ thế. Tớ rất may mắn làm dâu trong một gia đình văn nghệ sĩ. Bố chồng tớ là cụ Chu Văn Tập - tức Học Phi, nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng. Anh của chồng là nhà văn, nhà viết kịch Hồng Phi, chồng là Chu Lai thì bạn biết rồi (cười)… Không có chuyện phải lùi lại phía sau mà ngược lại tớ rất được quan tâm, được động viên sáng tác. Nhất là “ông xã”, không chỉ động viên suông mà chúng tôi còn đọc, góp ý cho các bản viết đầu tiên của nhau.
Tôi trêu: Đến bây giờ cậu vẫn rất đẹp, nghe các bạn cùng thời với cậu kể rằng hồi ở chiến trường cậu được nhiều các nhà văn, chiến sĩ say mê. Vậy sao cậu lại chọn nhà văn Chu Lai? Mê tài, mê đẹp trai hay mê chất ga-lăng của ông ấy?
Thoáng ửng đỏ đôi má lúm đồng tiền, Hồng bảo: Chắc là vì duyên thôi, lúc đó cả hai mới tập tọng viết, cả hai cùng là thiếu úy và mới ra khỏi cuộc chiến tranh. Có lẽ vì cả hai cùng là người lính và đều trải qua những tháng năm bom đạn ở chiến trường nên hiểu và cảm thông cho nhau. Tớ là người đọc và biên tập những chương đầu tiên của cuốn tiểu thuyết “Nắng đồng bằng” của anh ấy đấy, gần như một cuốn tự truyện về cuộc sống của một người chiến sĩ đặc công vùng ven Sài gòn những năm tháng ác liệt nhất.
Qua những trang sách mình rất rung động và thấy rất yêu những người lính đặc công trinh sát vì đó là những người lính dũng cảm, can trường nhất.
Hồng cho biết sau khi về hưu sống rất ổn bên chồng con, an nhiên, tự tại, không vướng vào những bon chen đời thường, cũng không phải vất vả vì mưu sinh. Hồng rất yêu hai đứa cháu nội, một trai, một gái và bằng lòng với một cuộc sống giản dị.
“Nhiều lần tớ định trở lại chiến trường xưa và nung nấu viết một cái gì đó để trả ơn những năm tháng được sống và chiến đấu ở Quảng Nam, Bình Định, cho những đồng đội đã nằm lại… Nhưng mãi 2022 tớ mới viết “Chạm vào ký ức”. Tớ viết và xuất bản chỉ trong vòng 2 năm (2022-2023) thôi đấy. Cũng là một cách trả ơn những năm tháng gian khổ đó, bạn ạ.
Tớ nghĩ rằng, viết cho mình, cho đồng đội của mình và viết cho các bạn trẻ sau này, đừng bao giờ quên lịch sử hào hùng của dân tộc, đừng bao giờ quên máu xương của lớp người đi trước, và càng thêm trân quý cuộc sống hôm nay. Cái giá phải trả đắt lắm. Chúng ta phải sống thế nào cho xứng đáng với sự hy sinh cao cả của cha ông chúng ta…”, Hồng tâm sự.
Trên bàn làm việc của tôi cuốn “Chạm vào ký ức” vẫn còn thơm mùi giấy, nhiều trang đọc mà muốn khóc vì cảm động. Chân thật, giàu tình cảm. Văn chương quý ở chi tiết và giàu cảm xúc, trong “Chạm vào ký ức” của Vũ Thị Hồng có cả hai điều đó.