Trò chuyện

Nhà văn Phong Điệp: Sẵn sàng bước ra khỏi ‘vùng an toàn’

NGUYỄN THANH BÌNH (thực hiện) 18/11/2023 07:18

Trong thế hệ 7X, Phong Điệp là nhà văn viết đều, và viết nhiều thể loại. Luôn biết cách tự làm mới mình, thậm chí chị sẵn sàng bước ra khỏi những đề tài quen thuộc, an toàn để tìm mình trong những đề tài, thể loại mới.

Phong Điệp xác định, sáng tác là chọn đi những con đường của riêng mình, với không ít chông gai, thậm chí cô độc. Nhưng với chị, được viết văn là niềm hạnh phúc…

PV: Tôi ấn tượng với cái tên Phong Điệp bắt đầu từ những truyện ngắn trên báo Hoa Học Trò. Khi đó, chị viết văn vì đang học chuyên Văn, hay vì cơn cớ gì?

Nhà văn Phong Điệp.

Nhà văn PHONG ĐIỆP:(Cười) Khi xuất hiện trên báo Hoa Học Trò, rồi trở thành thành viên của Hội bút Hương đầu mùa được giới học sinh thuở ấy mến mộ thì tôi đã âm thầm nuôi “mộng viết” từ khi mới chỉ là học sinh tiểu học.

Anh biết không, ngay từ bé tôi đã mê văn học. Chính xác hơn thì tôi mê đọc sách, mê những bài thơ hay, những câu chuyện kỳ thú, kích thích trí tưởng tưởng của con trẻ. Tôi mê đọc sách hơn hết thảy những thú vui của trẻ nhỏ ngày đó. Tôi nhớ những cuốn sách giấy đen xỉn, long gáy, rách bìa mà tôi đọc đi đọc lại mãi không chán. Tan học, tôi thích la cà ở hiệu sách cũ ở gần Bưu điện Thành phố, có khi chỉ để nhìn những cuốn sách xếp trên giá mà ao ước, thèm thuồng.

Hôm nào ông chủ hiệu sách dễ tính thì tôi tranh thủ ngồi gọn một góc để đọc, tránh làm phiền đến người xung quanh. Có hôm thành phố lên đèn tôi mới thất thểu đi về nhà, đầu óc vẫn còn vẩn vơ với câu chuyện mà mình vừa đọc được.

Vậy là có thể nói, chính những trang sách ấy đã “dẫn đường” cho Phong Điệp bước vào con đường văn chương?

- Vâng. Chính từ những trang sách tôi đọc khi ấy đã khiến tôi trỗi dậy niềm khao khát viết ra câu chuyện của chính mình. Điều ấy có thể được không? Tôi tự hỏi mình. Và tôi bắt đầu viết. Mỗi câu chuyện, mỗi vần thơ được viết ra, chúng khiến tôi hạnh phúc. Niềm hạnh phúc “được viết” của một đứa trẻ chỉ mới 10 tuổi thật khó diễn tả.

Kể từ khi viết ra những con chữ vụng dại cho riêng mình, thế giới quanh tôi bỗng hiện lên vô cùng sống động, kể cả một chiếc lá vừa rơi xuống mặt ao hay một bóng nắng vừa chớm vào ô cửa sổ. Tất cả những xao động ấy thúc giục tôi ngồi vào bàn và câu chữ chảy tràn.

Hành trình dấn bước vào văn chương của chị đã bắt đầu như vậy. Thế còn bây giờ, chị thường viết vì điều gì?

- Nhiều năm nay, tôi dành nhiều mối quan tâm về đời sống nơi đô thị. Đó cũng là đời sống mà hàng ngày tôi ngụp lặn trong đó, chứng kiến những sự vận động không ngừng của nó để rồi không hết băn khoăn, day dứt. Ba mươi năm sống với Hà Nội, tôi luôn có cảm giác mình như người ở trọ, mình không thuộc về nơi này.

Vì sao vậy?

- Tôi viết nhiều về đề tài đô thị, có lẽ cũng là cách để đi tìm lời giải cho chính mình… (Cười)

Nhà văn Phong Điệp với các em thiếu nhi trong chuyến công tác ở quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), 2023.

Ở tuổi trung niên, với gần 30 đầu sách, có khi nào chị nhìn lại con đường văn chương của mình không?

- Tôi không hay nhìn lại con đường văn chương của mình. Ở tuổi này, thú thực tôi hay nhớ về những ngày tháng cũ. Thật lạ, những ký ức tưởng chừng đã lùi xa, những năm tháng học trò vụng dại, thời sinh viên nhiều ngơ ngác… Vậy mà đến giờ, chúng bỗng hiển hiện và choán ngợp tâm trí tôi, tươi ròng, nóng hổi như thể mới hôm qua.

Nhà văn Phong Điệp sinh năm 1976 tại Giao Thủy, Nam Định, hiện công tác tại báo Nhân dân, là Ủy viên Hội đồng văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Phong Điệp là tác giả của gần 30 đầu sách, trong đó có truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện thiếu nhi, tản văn, phê bình - tiểu luận… Một số truyện ngắn đã được dịch và xuất bản ở Trung Quốc, Nga, Mỹ...

Thực lòng, tôi sợ cảm giác tự mãn về những gì mình đã đạt được bằng việc ngồi liệt kê thành tích. Sách được in ở trong nước, rồi được dịch ở nước ngoài; tác phẩm đoạt giải thưởng; được bạn đọc ghi nhận điều đó có ý nghĩa rất lớn về tinh thần đối với người viết.

Nhưng với người sáng tác như tôi thì việc cần thiết nhất, quan trọng nhất đương nhiên là thai nghén để cho ra những tác phẩm mới. Mà việc sáng tác thì vốn dĩ là cô độc, là chọn đi những con đường của riêng mình, với không ít chông gai. Vậy nên cứ lặng lẽ mà tiến về phía trước thôi.

Dù vậy, tôi vẫn muốn chị, trong cuộc trò chuyện này, một cách thành thực nhất, tự đánh giá về con đường văn chương của mình. Chị bằng lòng? Và có thể dùng hai chữ thành công?

- Mỗi người sẽ có những tiêu chí khác nhau để đánh giá về sự thành công trong sự nghiệp của mình. Cá nhân tôi không muốn quy về số lượng tác phẩm hay giải thưởng. Tôi nghĩ nhiều về giá trị mà văn chương đã mang lại cho mình. Với tôi, được viết văn là niềm hạnh phúc. Tôi thấy mình thành công với văn chương vì nhờ văn chương tôi được sống một cuộc đời đáng sống. Tôi hạnh phúc vì điều đó.

Tôi hiểu ý chị, và cũng hiểu rằng nếu có cơ hội lựa chọn lại, chị vẫn chọn văn chương?

- Đúng. Tôi thậm chí không nghĩ đến một lựa chọn nào khác ngoài văn chương. Vì quả thực không viết văn, tôi không biết mình làm được gì khác. Viết văn là niềm đam mê của tôi, cũng là công việc mà tôi tự thấy là mình trở nên có ích (Cười).

Trong quan sát của tôi, Phong Điệp là một nhà văn đa dạng. Chị viết truyện ngắn, tiểu thuyết, rẽ qua viết truyện thiếu nhi… Và ở những khoảng giữa của những tập truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện thiếu nhi đó, tôi thấy chị có những cuốn sách chân dung văn nghệ, tiểu luận, tản văn… Vậy quan niệm của chị khi viết các thể loại có khác nhau không?

- Mỗi thể loại có những sứ mệnh khác nhau. Tôi thích truyện ngắn vì nó giúp tôi giải quyết hiệu quả những vấn đề của đời sống mà tôi đang trăn trở, day dứt. Truyện ngắn không cho phép dông dài, kể lể. Nó phải như ánh chớp lóe lên trên bầu trời mà người viết phải biết bắt lấy đúng khoảnh khắc đó để tái hiện lại cho người đọc. Những ý tưởng truyện ngắn thường hình thành rất nhanh. Để hoàn thành một truyện ngắn tôi không mất quá nhiều thời gian. Từng có tác phẩm tôi viết xong trong một buổi chiều, như truyện ngắn “Ma Mèo” (giải Nhì, không có giải Nhất cuộc thi truyện ngắn do báo Văn nghệ Trẻ tổ chức năm 1995-1996).

Nhà văn Phong Điệp và NSND Trung Hiếu. Ảnh: FBNV.

Thế còn với thể loại tiểu thuyết, truyện thiếu nhi…?

- Tư duy viết luôn thường trực trong tôi. Những ý tưởng, những đề tài… luôn nảy sinh trong đầu, chỉ cần tôi ngồi vào bàn và viết ra. Song không phải ý tưởng nào, đề tài nào cũng có thể triển khai dưới dạng truyện ngắn. Nó sẽ phù hợp hơn trong khuôn khổ của một cuốn tiểu thuyết. Tôi cũng thích viết tiểu luận, các bài chân dung, đối thoại văn học… Đó chính là cách thức làm việc của tôi.

Chị làm tôi nhớ đến nhà văn Tô Hoài. Sinh thời ông cũng viết nhiều mảng. Ông nêu một quan niệm thế này: “Người viết văn như cái cửa hàng bách hóa càng nhiều mặt hàng, càng dễ chạy…”

- Tôi thấy rằng cùng lúc mình có thể triển khai nhiều ý tưởng, với những tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau. Cách thức làm việc như vậy kích thích tư duy của tôi vận động liên tục. Như thời điểm này, tôi có trong đầu một phác thảo truyện dài cho thiếu nhi, song tôi cũng bắt đầu tư duy nhiều hơn với một tiểu thuyết có yếu tố tâm lý, hình sự. Có lúc tôi đùa rằng trong đầu mình có nhiều ngăn kéo. Tôi thích đóng mở chúng mỗi ngày, tiếp nguyên liệu vào đó, làm cho nó giàu có hơn.

Ở chỗ này, tôi muốn dừng lại một chút. Mới rồi chị ra mắt tiểu thuyết “Cuốn sổ máu”. Điều đặc biệt, lần đầu chị thử sức với thể loại tiểu thuyết trinh thám. Chị đang thử thách mình, buộc mình phải tự thoát khỏi “vùng an toàn”. Tôi nghĩ thế không biết có đúng không?

- Cảm ơn anh với nhận xét này. Đúng, với tác phẩm này tôi đang bước ra khỏi “vùng an toàn”. Tôi muốn những sự thay đổi trong phong cách cũng như đề tài mình lựa chọn thể hiện.

“Cuốn sổ máu” đúng là một thử thách mà tôi muốn mình dấn bước. Thực ra khi viết tác phẩm này, tôi không nghĩ nhiều về thể loại, rằng đó là trinh thám hay hình sự. Thể loại xét cho cùng là cách chúng ta quy định với nhau mà thôi. Điều thôi thúc trong tôi lúc đó là muốn kể một câu chuyện về góc khuất phía sau của một tội ác. Khi một vụ án xảy ra, người ta sẽ quan tâm nhiều đến thủ phạm là ai. Nhưng tôi muốn đưa ra một cách tiếp cận khác, đó là số phận những người có liên quan đến vụ án ấy. Kẻ gây tội ác chắc chắn sẽ bị pháp luật trừng trị. Nhưng hình phạt nào có thể bù đắp lại được nỗi đau về tinh thần và thể xác mà những người lương thiện không may phải gánh chịu. Và nếu nạn nhân vô tình là chính người thân của kẻ gây ra tội ác thì sao?

Đó là câu chuyện nhức nhối của đời sống này mà người viết cần phải lên tiếng. Để dù cho một vụ án nào đó đã khép lại, kẻ xấu đã phải đền tội thì chúng ta cũng vẫn luôn phải nhắc nhở chính mình về cách mà chúng ta cư xử, đối đãi với nhau hàng ngày. Sự tử tế sẽ luôn cần hiện diện trong cuộc đời này.

Thông điệp này đã được tôi đề cập đến trong những tác phẩm khác của mình. Nhưng với “Cuốn sổ máu”, với việc thử sức với tâm lý hình sự, tôi muốn đặt ra một cách rốt ráo hơn.

Mỗi nhà văn đều có một cái tạng riêng, nói rộng ra, mỗi nghệ sĩ cũng vậy. Nhưng nếu cứ giữ trong những khuôn mẫu quen thuộc, giống như khi đi lại quá quen trên một con đường, dễ thấy sự nhàm chán. Có lẽ vì thế, việc như chị, luôn thay đổi ở đề tài và thể loại, là một sự tìm mình, làm mới mình. Điều đó, hình như có sự ảnh hưởng từ nghề báo mà chị cũng gắn bó từ rất sớm?

- Tôi thích chữ “làm mới mình” anh vừa nói. Với nghề báo và viết văn, bản chất là công việc sáng tạo. Do đó yêu cầu thay đổi, làm mới bản thân, làm mới các sản phẩm do mình sáng tạo ra là tất yếu. Đương nhiên mỗi nghệ sĩ có tạng riêng, có một không gian sáng tạo của riêng mình, nhưng nếu nghệ sĩ ấy cứ quanh quẩn, lặp lại chính mình thì công chúng dù yêu quý họ vô cùng thì cũng sẽ tìm đến những người có sáng tạo mới mẻ hơn.

Nhà văn Nam Cao, trong tác phẩm “Đời thừa” cũng nêu ra quan niệm: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có”.

- Từ rất lâu rồi tôi đã thích quan niệm này của nhà văn Nam Cao. Càng sau này, khi xác định gắn bó với văn chương một cách nghiêm túc, tôi càng nghĩ nhiều về chia sẻ của Nam Cao, coi đây như một bài học vô cùng ý nghĩa cho công việc của mình.

Nhà văn Phong Điệp quan niệm "viết văn là niềm hạnh phúc" - Ảnh: NVCC.

Chất liệu trong đời sống đương đại quá nhiều, ngồn ngộn và thậm chí vụn vặt. Chị thường để chất liệu đến và lọc chất liệu như thế nào khi quyết định viết một cuốn sách?

- Tình cờ đây cũng là nội dung mà tôi đã lựa chọn để trao đổi trong ngày 11/11/2023 với các độc giả của mình xoay quanh chủ đề “Kể chuyện li kỳ trên chất liệu hiện thực”. Thực tế cho thấy trong ngồn ngộn chất liệu của hiện thực cuộc sống và dòng chảy văn hóa, người viết văn cần có sự lựa chọn chất liệu phù hợp để đưa vào tác phẩm của mình.

Chất liệu cho một truyện ngắn sẽ khác chất liệu cho một cuốn tiểu thuyết. Ví von một cách hình ảnh thì có thể tưởng tượng viết truyện ngắn như một trận đánh thì viết tiểu thuyết giống như một chiến dịch. Và chất liệu cũng không có sẵn mà buộc người viết phải tự tìm kiếm cho tác phẩm của mình bằng những cách thức khác nhau. Nó là yếu tố quan trọng giúp tác phẩm có thành công hay không.

Nhiều nhà văn đến giờ vẫn từ chối dùng mạng xã hội. Trong khi một số nhà văn thì lại sử dụng mạng xã hội không phải để công bố tác phẩm mà để tỏ bày chính kiến về những vấn đề xã hội. Trang cá nhân trên Facebook của chị thì gặp nhiều hình ảnh những chuyến đi... Mạng xã hội mang đến nhiều thông tin ngồn ngộn nhưng theo chị, có “đánh cắp” mất nhiều tác phẩm, nhà văn?

- Mỗi người có những lựa chọn của mình, và chúng ta nên tôn trọng. Với tôi, tôi thích những điều mới mẻ, và sẽ càng tuyệt hơn khi những ứng dụng khoa học công nghệ có thể giúp ích cho công việc của mình. Tôi không lựa chọn đăng tải tác phẩm mới lên Facebook cá nhân vì cách đọc Facebook của đa số hiện nay, chủ yếu là đọc tin tức. Với cách đọc này thì việc đưa tác phẩm văn học lên Facebook tôi thấy là thực sự không phù hợp. Tôi dùng Facebook cá nhân của mình chủ yếu giải trí, hướng đến nội dung thư giãn, nhẹ nhàng, mang lại cảm xúc tích cực cho bạn bè.

Còn điều anh nêu ra, mạng xã hội có “đánh cắp” mất nhiều tác phẩm, nhà văn thì tôi nghĩ rằng, mạng xã hội có hay không thì người viết văn đích thực vẫn làm công việc của mình. Còn nếu người viết nào đó để mạng xã hội dẫn dắt, “đánh cắp” đi chính mình thì điều đó chỉ chứng tỏ họ không đủ đam mê, không đủ tâm huyết để gắn bó với văn chương mà thôi.

Trong góc nhìn của chị, báo chí văn nghệ hiện nay như thế nào? Tôi hỏi điều này vì thấy mạng xã hội đang chiếm ưu thế, và những trang báo, tờ báo văn nghệ có đổi mới kiểu gì cũng khó mà thu hút độc giả?

- Dù tôi luôn muốn hướng đến sự lạc quan nhưng phải thú nhận rằng trong bối cảnh hiện nay, khi mạng xã hội phát triển như vũ bão, thói quen, nhu cầu thưởng thức văn hóa văn nghệ của công chúng có sự thay đổi thì báo chí nói chung và báo chí văn nghệ nói riêng đang đứng trước sự thử thách khốc liệt.

Đơn cử như tờ báo Văn nghệ đã từng có thời kỳ in tới hàng chục vạn bản, mỗi số báo phát hành được nhiều người nóng lòng đón đợi, lùng sục tìm mua bằng được để thưởng thức những truyện ngắn hay của Nguyễn Huy Thiệp, ký của Trần Huy Quang, Phùng Gia Lộc,… thì nay không khí ấy đã không còn nữa, số lượng in ấn mỗi số chỉ còn vài nghìn mà phát hành vẫn khá trầy trật.

Báo in truyền thống đa phần đều sụt giảm số lượng, báo chí văn nghệ chịu hậu quả còn nặng nề hơn. Để tìm lý do thì có nhiều, cả khách quan, cả chủ quan. Nhưng dù là lý do gì thì sự kém phát triển của báo chí văn nghệ cũng là điều đáng buồn.

Báo chí không còn là nơi mà nhiều cây bút trẻ tìm đến. Ngay cả các nhà văn cũng vậy. Bởi thời nay, có những không gian khác để người ta có thể tỏ bày, công bố những gì người ta vừa viết ra…

- Vâng, quả đúng vậy. Chừng 10 năm trước, các weblog văn chương phát triển rầm rộ. Khi đó đời sống văn chương khá rôm rả trong không khí “nhà nhà lập web”. Thay vì gửi tác phẩm đến các tòa soạn, chờ đợi tác phẩm của mình được đăng tải thì người viết toàn quyền chủ động đăng tải sáng tác của mình trên các trang blog cá nhân.

Đến nay thì Facebook đang chiếm ưu thế. Nhiều nhà văn, nhà thơ sử dụng Facebook cá nhân như một trang quảng bá tác phẩm và giao lưu với bạn đọc. Tôi nghĩ điều này cũng có mặt tích cực vì xét ở khía cạnh nhất định sự cổ vũ của cộng đồng mạng có tính chất động viên, khuyến khích người viết tự tin công bố tác phẩm của mình.

Nhất là với tác giả trẻ chưa được nhiều người biết đến thì mạng xã hội giúp họ có cơ hội tiếp cận và tìm kiếm độc giả của mình. Không ít bạn trẻ đã “thành danh” từ mạng xã hội, từ những sáng tác được đăng tải trên mạng sau khi được cộng đồng mạng đón nhận đã xuất bản và có tiếng nói trong đời sống văn học. Tuy nhiên mạng xã hội cũng có tính hai mặt.

Người viết cũng cần phải tỉnh táo trước những lời khen tặng đôi khi quá hào phóng từ cộng đồng mạng để không ảo tưởng về tài năng của mình, để rồi biến thành những tác giả “văng mạng”, gánh chịu nhiều tai tiếng và sự chỉ trích.

Nhà văn Phong Điệp trong chuyến đi Hà Giang - Ảnh: FBNV.

Trở lại câu chuyện văn chương. Tôi thật sự muốn biết chị có ngưỡng mộ một nhà văn nào không, coi họ như một bậc thầy văn chương chẳng hạn?

- Tôi đọc khá nhiều các nhà văn trong nước và nước ngoài. Sở thích ấy được tôi duy trì từ nhỏ. Anh biết không, những câu chữ, những tình huống truyện… khiến tôi xao xuyến, khiến tôi ám ảnh thì kèm theo đó là sự ngưỡng mộ của tôi dành cho tác giả của những tác phẩm ấy. Tôi tự thốt lên rằng: trời ơi sao họ có thể viết xúc động đến như thế. Sao chi tiết ấy có thể hay đến thế. Và tôi học hỏi họ trong niềm thán phục, với mong muốn mình có thể sáng tạo ra những tác phẩm tuyệt vời như vậy. Vậy nên để trả lời câu hỏi của anh thì quả thực danh sách các nhà văn mà tôi ngưỡng mộ dài lắm, khó lòng có thể kể hết ra được. (Cười).

Vậy Phong Điệp có ngại không nếu tôi muốn chị đưa ra một vài nhận định về thế hệ viết của chị. Thế hệ 7X ấy…

- Tôi yêu các bạn viết thuộc thế hệ 7X của mình. Chúng tôi đã đến với văn chương với sự trong trẻo, thuần khiết và cũng đầy mơ mộng, khát khao. Ngay từ những ngày đầu mới xuất hiện, lứa viết 7X đã đọc nhau, nể phục nhau, tìm đến với nhau, đua nhau viết và dần hình thành nên một đội ngũ hùng hậu, sung sức trong đời sống văn học nước nhà.

Trải qua thời gian, không ít người vì nhiều lý do đã bỏ cuộc chơi, nhưng những người còn trụ lại cho đến thời điểm hiện nay, có thể thấy họ đều là những tiếng nói không thể lẫn được trong dòng chảy văn học hiện nay, và ngày càng “chín” như Trần Nhã Thụy, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Tiến Thụy, Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Xuân Thủy, Bình Nguyên Trang,…

Theo chị, đâu là đóng góp nổi bật của thế hệ 7X trong dòng chảy văn chương đương đại?

- Thế hệ 7X lớn lên trong bối cảnh đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, mở cửa, sự giao lưu quốc tế ngày càng được mở rộng. Điều này có tác động rất lớn đến nhận thức của người viết thế hệ 7X. Theo tôi một đóng góp nổi bật của thế hệ 7X với đời sống văn học đương đại đó là việc họ đã mạnh dạn, tự tin xác lập những “tiếng nói riêng” trong sáng tạo. “Cái tôi” cá nhân được họ quan tâm và giải mã quyết liệt hơn so với thế hệ trước khi đặt vào trong sự vận động của của xã hội và thời cuộc.

Trong thế hệ 7X ấy, chị thích đọc ai nhất?

- Tôi đọc sáng tác của các bạn bè mình để rồi thấy phục tài nhau, thần tượng nhau. Đến giờ nhớ lại, tôi vẫn có thể kể tên vanh vách những tác giả của thế hệ mình mà tôi vô cùng yêu mến và tự hào. Tôi thích đọc tất cả họ, còn bởi vì tôi học được ở họ nhiều điều giá trị. Cùng nhau chúng tôi tạo nên một thế hệ trong văn học, để rồi mỗi ngày lại tự thấy mình cần phải nỗ lực hơn, mong muốn cống hiến nhiều hơn.

Trân trọng cảm ơn chị!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà văn Phong Điệp: Sẵn sàng bước ra khỏi ‘vùng an toàn’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO