Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã có quyết định thu hồi phù hiệu, biển hiệu của 3.856 phương tiện là xe kinh doanh vận tải, có từ 5 lần vi phạm tốc độ/1.000km trong 1 tháng. Cá biệt có xe container vi phạm tốc độ tới 1.486 lần cũng chỉ trong 1 tháng. Vi phạm tốc độ là một trong những nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông, nhưng việc này vẫn không chấm dứt.
Thật đáng lo ngại khi có doanh nghiệp dịch vụ vận tải có tới 41 phương tiện vi phạm tốc độ nhiều lần, trong đó một xe container của hợp tác xã này vi phạm tốc độ tới 803 lần trong 1 tháng. Xe đầu kéo của một hợp tác xã vận tải khác vi phạm tốc độ 1.133 lần trong 1 tháng và có tới hơn 90 phương tiện vi phạm tốc độ bị thu hồi phù hiệu. Nhưng “kỉ lục” có lẽ là 1 xe container vi phạm tới 1.486 lần cũng chỉ trong 1 tháng.
Có thể nói, việc ô tô (chở hàng hóa hoặc vận chuyển khách) phóng nhanh vượt ẩu là rất phổ biến. Đó cần phải coi là một vấn nạn tiềm ẩn tai nạn giao thông nghiêm trọng. Cơ quan chức năng, đặc biệt là cảnh sát giao thông đã xử lý rất nhiều trường hợp vi phạm tốc độ, nhưng tình hình vẫn rất căng thẳng. Nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc liên quan tới việc lái xe vi phạm tốc độ thời gian qua không khỏi khiến người dân bất an.
Dẫn tới tình trạng này là do các doanh nghiệp vận tải buông lỏng quản lý hay là do lái xe? Câu trả lời là do cả hai. Cũng có ý kiến cho rằng do chế tài xử lý chưa nghiêm, không đủ sức răn đe. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào Nghị định 41/2024 của Chính phủ thì các xe vi phạm sẽ bị thu hồi phù hiệu trong 30 ngày, tái phạm lần thứ 2 sẽ bị thu hồi phù hiệu 60 ngày. Như vậy, không thể nói là chế tài chưa nghiêm. Vì thế, với việc có doanh nghiệp tháng nào cũng có cả nghìn lượt xe vi phạm tốc độ nhưng vẫn tái diễn, thì việc xác định nguyên nhân lại phải “đào sâu” hơn.
Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, tình trạng này bắt nguồn từ sự coi thường pháp luật, buông lỏng quản lý lái xe của các doanh nghiệp vận tải. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đầu tiên, cao nhất với vi phạm do lái xe của mình gây ra.
Đó là với xe chở hàng hóa. Xe chuyên chở khách cũng “nhờn luật” không kém, có khi còn trầm trọng hơn. Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi cho biết, có tháng, 12 xe khách của một nhà xe vi phạm tốc độ hơn 6.000 lần. Cơ quan chức năng đã tước phù hiệu, thế nhưng không lâu sau xe vẫn chạy và vẫn vi phạm.
Như vậy, hành khách buộc phải đặt tính mạng của mình vào tay lái xe. Nếu như tình trạng phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách, tranh cướp đường vẫn không chấm dứt thì tính mạng người dân vẫn bị đe dọa. Trong khi việc trích xuất dữ liệu hộp đen và xử lý cho thấy chưa hiệu quả.
Vậy, không lẽ bó tay trước hành vi vi phạm tốc độ của lái xe?
Thực tế cho thấy, lỗi vi phạm này từ xe chở hàng, xe vận chuyển hành khách đã “lây” cả sang xe ôm, taxi. Trong thành phố, trước tín hiệu đèn đỏ, hầu hết số người vẫn vượt là đội ngũ xe ôm. Còn taxi thì lách qua lách lại, tạt ngang tạt dọc, bất ngờ quay đầu bất chấp sự phiền phức kể cả đem tới nguy hiểm cho người đi đường.
Vi phạm giao thông đường bộ chẳng những không giảm mà ngày càng gia tăng, đòi hỏi sự kiên quyết hơn từ lực lượng chức năng, nhất là cảnh sát giao thông. Việc phạt nặng lỗi vi phạm của lái xe uống rượu bia thời gian qua được dư luận đồng tình. Không chỉ kéo giảm số vụ tai nạn, số người chết, bị thương mà còn góp phần quan trọng trong việc hình thành văn hóa giao thông. Từ đó có thể thấy, cũng rất cần xử phạt nặng với lái xe và với nhà xe vi phạm tốc độ. Chỉ có như vậy mới ngăn chặn được rủi ro giao thông đường bộ.
Trở lại với việc Sở Giao thông vận tải Hà Nội quyết định thu hồi phù hiệu, biển hiệu của gần 4.000 phương tiện là xe kinh doanh vận tải vi phạm thông qua trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam, đây là việc làm cần thiết. Việc làm này cần nhân rộng tại tất cả các địa phương trong cả nước. Chỉ có như vậy mới có thể chặn bước những “hung thần xa lộ”, trả lại sự bình yên cho những con đường.
Không thể bó tay với tình trạng vi phạm giao thông, trong đó có việc phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách vì ai cũng biết rằng tai họa từ đó mà ra. Đau thương đến với nhiều gia đình, gánh nặng cho xã hội cũng từ đó mà ra.