Theo Bộ Giao thông vận tải, hiện cả nước có tới 1.900 bến thủy nội địa đang hoạt động không phép. Trong số đó, 991 bến hết hạn hoạt động; 909 bến hoạt động không phép, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi mùa mưa bão sắp tới. Thời gian qua cũng đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đường thủy nội địa, để lại hậu quả lớn.
Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, riêng hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đã có tới 134 bến hết hạn hoạt động, hoạt động không phép. Trong đó Bắc Giang có 82 bến nằm trên tuyến sông Thương và sông Lục Nam, sông Cầu. Bắc Ninh có 58 bến nằm trên hai tuyến sông Cầu và sông Đuống.
Thông tin từ Bộ GTVT cho biết, sắp tới sẽ tiến hành tổng kiểm tra, rà soát và đề xuất phương hướng xử lý các bến đường thủy không phép.
Nhưng cũng thật đáng tiếc khi lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa cho rằng tình hình phức tạp do các bến không phép chủ yếu thuộc địa bàn địa phương quản lý. Có nghĩa là lực lượng thanh tra - an toàn đường thủy nội địa thuộc Cục này hiện không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, mà chỉ nhắc nhở vi phạm và kiến nghị các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương xử lý.
Nếu so với đường bộ, tai nạn đến từ đường thủy nội địa ít hơn. Vì thế, đôi khi bị xem nhẹ. Nhưng thực tế tai nạn đường thủy nội địa cũng rất kinh hoàng. Nhiều người còn nhớ khoảng 7 giờ sáng ngày 25/1/2009 (tức 30 Tết), con đò chở người dân đi sắm Tết ngang sông Gianh tại xã Quảng Hải (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) bị lật giữa dòng, làm 40 người thiệt mạng. Trước đó, cũng vào lúc 7 giờ sáng, ngày 7/10/2006, con đò chở hơn 30 học sinh từ bản Chôm Lôm (xã Lạng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) vượt sông Lam đưa các em sang trường trung học cơ sở đã bị chìm; 15 học sinh nữ, 4 nam bị nước cuốn trôi.
Cũng hết sức đau xót vụ tai nạn xảy ra lúc chiều tối ngày 20/5/2011, tàu BD 0913 của Khu du lịch Xanh Dìn Ký (thuộc ấp Bình Thuận, xã Bình Nhâm, Thuận An, Bình Dương) đang lưu thông trên sông Sài Gòn thì gặp nạn; 16 người chết, trong đó có 9 người thuộc 3 thế hệ của một gia đình. Cùng trong năm 2011, vụ chìm tàu du lịch mang số hiệu QN5198 trên đảo Ti-tốp (vịnh Hạ Long) khiến 10 du khách nước ngoài và 2 du khách người Việt thiệt mạng...
Từ đầu tháng 12/2023 (có hiệu lực từ 15/1/2024), Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 33, quy định về phân cấp quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu (theo các nguyên tắc quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương). UBND cấp tỉnh tổ chức thực hiện quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định.
Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông đường thủy (về phía con người) bao gồm: người lái tàu/thuyền không tuân thủ quy tắc giao thông, say rượu vẫn điều khiển phương tiện, chủ quan trong chằng buộc khiến hàng hóa bị xê dịch, chở quá tải trọng cho phép...
Trong khi đó, việc phối hợp liên ngành trong tuần tra, kiểm soát không được tổ chức thường xuyên dẫn tới việc các phương tiện hoạt động “ngoài tầm kiểm soát”. Chính vì thế, dù đã phân cấp cho địa phương nhưng giao thông sông nước vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trước hết và nguy hiểm nhất chính là các bến hết hạn hoạt động hoặc hoạt động không phép.
Mùa mưa bão đã đến gần, việc tổng rà soát, kiểm tra hoạt động giao thông đường thủy nội địa cần phải được đặt ra một cách khẩn trương. Cấp chính quyền địa phương cơ sở (xã/phường) không thể không biết bến nào có phép, bến nào không. Chỉ có phối hợp tốt giữa Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ GTVT) với chính quyền các địa phương; cùng nâng cao trách nhiệm thì mới ngăn chặn, đẩy lùi được tai nạn.
Không thể đơn giản nói rằng nhiều bến thủy nội địa hoạt động trái phép tồn tại là do đối tượng vi phạm pháp luật ngày một đa dạng hơn, tinh vi hơn, nên khó phát hiện. Cũng không thể nói đó là trách nhiệm của riêng địa phương mà cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này “vô can”. Việc phối hợp giữa địa phương và Cục Đường thủy nội địa cần phải chặt chẽ hơn rất nhiều, nhất là trong việc thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh vận tải tại các cảng, bến thủy nội địa.
Ngay từ năm 2011, đã có cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”. Nhưng rồi thời gian qua đi, đến nay thật đáng tiếc là ít người còn nhớ và càng ít người thực hiện. Vì thế rủi ro sông nước vẫn chưa thôi rình rập, nhất là trong mùa mưa bão.