Thông tin từ Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết, mới phát hiện nhiều rạn san hô bị tẩy trắng, chết. Đây cũng không phải lần đầu vì vào các năm 1998, 2010, 2016 hiện tượng này cũng đã xảy ra tại Côn Đảo. Tương tự, tại Vịnh Nha Trang, nhiều rạn san hô cũng từng bị tẩy trắng. Trong khi việc phục hồi các rạn san hô đôi khi là bất khả thi.
Nghiên cứu công bố trên tạp chí Science Advances của Mỹ cho biết, các rạn san hô giúp bảo vệ bờ biển, thúc đẩy du lịch biển và mang về giá trị kinh tế toàn cầu ước tính 375 tỷ USD/năm.
Các rạn san hô có giá trị quan trọng điều hòa môi trường, cung cấp dinh dưỡng trong vùng biển đồng thời là nơi cư trú, sinh đẻ và ươm nuôi ấu trùng của nhiều loài thủy sinh không chỉ vùng bờ, mà còn cả ngoài khơi vào theo mùa vụ. Theo Tổng cục Thủy sản, vùng biển Việt Nam có khoảng 1.100km2 rạn san hô với 240 loài, tuy nhiên mỗi năm Việt Nam mất hơn 50 tấn san hô. Hệ sinh thái này bị mất dẫn tới cạn kiệt nguồn lợi thủy sản bởi rạn san hô là nơi cư ngụ của 25% các loài sinh vật biển.
Trở lại với Côn Đảo, thông tin từ Phòng Bảo tồn và Hợp tác quốc tế (Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo) cho biết, các rạn san hô vùng Vịnh Côn Sơn, Hòn Bảy Cạnh, Hòn Cau, Vịnh Đầm Tre, Hòn Tre Nhỏ, Hòn Tre Lớn, Ông Đụng, Hòn Bà, Hòn Tài và Hòn Trứng, đã xuất hiện hiện tượng bị tẩy trắng. Nguyên nhân có thể là do hiện tượng El Nino khiến nước biển tầng đáy nóng lên một cách dị thường.
Trước đó, vào tháng 8/2022, khảo sát của đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại khu vực Hòn Mun thuộc vịnh Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) cho rằng, ngoài tác động biến đổi khí hậu thì việc san hô bị tẩy trắng và chết cho thấy việc bảo tồn chưa được chú trọng đúng mức. Đáng chú ý, Hòn Mun là dự án đầu tiên do các nhà tài trợ quốc tế lựa chọn để bảo tồn tài nguyên môi trường biển ở Việt Nam. Nơi đây cũng được chọn là 1 trong 3 khu bảo tồn tiêu biểu trên thế giới do các đặc trưng về đa dạng sinh học và đặc thù nguồn lợi mang lại cho địa phương, con người.
Cũng chính vì thế mà lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã có chỉ đạo quyết liệt nhằm “chữa lành những vết thương” cho hệ sinh thái biển.
Câu chuyện các rạn san hô không chỉ là việc biến đổi khí hậu, môi trường sống của nhiều sinh vật ven biển, mà còn là du lịch biển, là nguồn sống của nhiều gia đình ngư dân. Đáng tiếc từ nhận thức đến bảo vệ các rạn san hô chưa được chú ý đúng mức, mặc dù các nhà khoa học đã nhiều lần cảnh báo về sự suy thoái môi trường biển ven bờ. Trong đó nạn dùng mìn đánh cá đã phá hủy rất nhiều rạn san hô. Khi du lịch phát triển, ngư dân lại dùng xyanua để đánh bắt thủy sản phục vụ nhu cầu ăn uống và thú chơi cá cảnh, nhưng cũng đã phá hủy các rạn san hô.
Theo PGS.TS Nguyễn Tác An - nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học, ngăn chặn suy thoái vùng biển ven bờ không đơn giản là thả giống con này con kia, mà cần có chính sách về bảo tồn, phát huy tài nguyên biển một cách khoa học, hợp lý.
Ông An còn cho rằng sinh kế cho người dân rất quan trọng, vì thế phải tạo việc làm ổn định cho dân. Chỉ khi cuộc sống ổn định, người dân mới xem tài nguyên biển là của chính họ và tự bảo vệ. Biển có chức năng phát triển du lịch, tuy nhiên muốn khai thác phải nhìn nhận hết chức năng của nó, nhìn toàn cục sự việc để có những quyết định đúng đắn nhất.
Nếu như việc các rạn san hộ bị tẩy trắng do nước biển ấm lên là rất khó khắc phục, thì nguyên nhân đến từ con người lại hoàn toàn có thể ngăn chặn. Lâu nay, việc bảo vệ môi trường triển khai khá rộng rãi, nhưng trên thực tế vẫn chưa tốt, đôi khi chỉ là các hoạt động mang tính phong trào, không đủ sức tạo nên ý thức cũng như tập quán cộng đồng. Thời gian qua, việc phát hiện, xử lý các vụ vi phạm môi trường, nhất là môi trường biển ít và cũng không đủ sức răn đe.
Bờ biển, vịnh biển nước ta đẹp có phần đóng góp của các rạn ran hô. Ngay từ bây giờ nếu không kiên quyết bảo vệ, thì các rạn san hô vẫn sẽ tiếp tục bị tẩy trắng, bị chết. Hệ lụy sẽ rất lớn và kéo dài vì việc hồi sinh, trả lại màu sắc lấp lánh cho các rạn san hô đã bị tẩy trắng là hết sức khó khăn.