Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Không lẽ đó là bệnh mãn tính?

Nam Việt 30/05/2024 09:32

Vụ bé lớp 1 phải ngồi nhìn các bạn ăn liên hoan vì mẹ không đóng quỹ, được chia sẻ trên mạng xã hội đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải vào cuộc. Nhưng vụ việc cũng đã để lại nhiều day dứt. Đáng tiếc là băn khoăn, day dứt không chỉ có vậy, mà còn nhiều chuyện khác vẫn lặp đi lặp lại như một căn bệnh mãn tính trong nhà trường.

Đối với trẻ em, nhất là học sinh tiểu học, người lớn càng cần bao dung hơn, tâm lý hơn. Thông tư 28/2020 của Bộ GDĐT về Điều lệ trường tiểu học có điểm rất đáng chú ý: giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh, là hành vi giáo viên không được làm.

Đó là với tiểu học. Còn với học sinh lớp 5 vào lớp 6 (lớp đầu tiên của bậc THCS) thì cũng có chuyện để bàn. Thời gian này nhiều phụ huynh TPHCM băn khoăn trong việc đăng ký khảo sát năng lực cho con vào lớp 6 năm học 2024-2025 sắp tới. Thành phố có 6 trường THCS tổ chức khảo sát đánh giá năng lực. Điều đó khiến phụ huynh rất hồi hộp khi mà mỗi học sinh chỉ được đăng ký dự khảo sát đầu vào tại một trường.

Còn với lớp đầu cấp THPT (lớp 10), cuộc chạy đua vào trường công đang càng ngày càng nóng, đặc biệt tại Hà Nội và TPHCM. Tỉ lệ “chọi” gay gắt khiến phụ huynh lẫn học sinh đều vã mồ hôi. Tỉ lệ vào lớp 10 rất hạn hẹp sẽ có nhiều học sinh phải đứng ngoài cánh cửa trường công. Còn nếu học trường tư thì đóng góp quá cao, nhiều gia đình không chịu đựng được. Nếu “rẽ ngang” học nghề hoặc đi làm, thì nhiều gia đình thành phố không muốn.

Ngược lại, giáo viên ở một số địa phương lại “khuyên can” học sinh không nên thi vào trường công, với lý do học lực kém. Thậm chí có trường còn “thảo sẵn” đơn xin không tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025. Nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao như vậy? Liệu có phải do năng lực học tập của học sinh, việc phân luồng hay vì bệnh thành tích trong giáo dục? Trong khi về mặt pháp lý tất cả học sinh tốt nghiệp THCS đều được quyền tham gia tuyển sinh vào lớp 10 THPT mà không ai được quyền tước đoạt dưới bất kì hình thức nào.

Một năm học nữa đã đi qua với học sinh phổ thông cả nước. Mùa nghỉ hè đã đến. Nhưng với những gì xảy ra khiến niềm vui không trọn vẹn. Vẫn biết rằng những tồn tại đó không phải là quá lớn, quá phổ biến nhưng chính vì thế lại càng đáng tiếc. Nhà trường không phải là thương trường, mà phải là nơi ấp ủ yêu thương, nâng cánh ước mơ cho các thế hệ. Để mỗi ngày đến trường là một ngày vui thì những “hạt sạn” cần phải được “nhặt sạch”, mà điều đó chỉ có được nếu từng nhà giáo có tấm lòng vì học sinh và giáo dục phải thực sự trở thành Quốc sách.

Nhân đây, cũng xin được nói về vấn đề rất thời sự đang được đặt ra ở Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Đó là dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó có nội dung trường chất lượng cao. Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) cho rằng, trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) thì trường chất lượng cao được thể hiện dưới khái niệm "cơ sở giáo dục chất lượng cao". Tuy nhiên, kèm theo đó mới là tiêu chí tuyển sinh đầu vào, còn đầu ra thì bỏ trống. Bà Nga cũng cho rằng nhiều trường công lập có chất lượng đang làm đề án xin nâng lên thành trường chất lượng cao. Điều này khiến phụ huynh lo lắng khi học phí cao mà gia đình không có điều kiện thì biết chuyển con sang trường học nào. Đấy là chưa kể, nhiều trường phổ thông công lập ở Hà Nội đang trong tình trạng quá tải, có nơi trên 60 học sinh/lớp.

“Điều này cho thấy Hà Nội còn chưa đáp ứng được đủ trường học công lập cho yêu cầu giáo dục đại trà. Nay đầu tư nhiều cho trường chất lượng cao, học phí cao nếu không thận trọng sẽ dẫn đến phân tầng giáo dục” - bà Nga nói và cho rằng hệ thống trường phổ thông công lập trước hết phải đảm bảo cơ hội tiếp cận công bằng trong giáo dục. Không phủ nhận thực tế là trong xã hội có nhu cầu về giáo dục chất lượng cao, nhưng việc này nên để trường tư đáp ứng.

Tất nhiên đó chỉ là một ý kiến, nhưng là ý kiến cần phải được cân nhắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không lẽ đó là bệnh mãn tính?