Chấn chỉnh ‘lệch chuẩn’ đạo đức người thầy

VIỆT THẮNG (thực hiện) 08/10/2023 07:10

Học sinh phải quỳ khóc xin cô giáo tha lỗi; thầy giáo chửi mắng học sinh ngay trên lớp; hay cắt xén tiền ăn của vận động viên trẻ đang dấy lên những lo ngại về đạo đức của người thầy. PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, phải quan tâm cùng lúc cả lương tâm, lương tri, lương tháng của giáo viên.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, cần xác lập lại vai trò vị thế của nhà giáo để họ có vị trí ở trong xã hội, và những người đã theo nghề giáo viên thậm chí phải có chứng chỉ nghề giáo viên. Qua đó để thực sự chọn những con người có đạo đức là yếu tố rất quan trọng.

PV: Thưa ông, vừa qua dư luận xã hội “nóng” với việc ngay tại Hà Nội xảy ra việc nữ sinh phải quỳ khóc xin cô giáo tha lỗi khi đặt bánh sinh nhật khác với yêu cầu của cô giáo; rồi chuyện thầy giáo xưng mày - tao, mắng chửi học sinh ngay trên lớp... Ông đánh giá như thế nào về cách ứng xử của những giáo viên này?

PGS.TS Trần Thành Nam.

PGS.TS TRẦN THÀNH NAM: Chúng ta đang sống trong một quy luật thực tế rất sôi động. Ở một khía cạnh nào đó, trong xã hội, con người dường như đang chạy theo những giá trị về vật chất nhiều hơn. Mọi người trở nên thực dụng. Tất cả các mối quan hệ đều trở thành yếu tố giống như hàng hóa. Đặc biệt, ở một số lĩnh vực rất nhạy cảm như giáo dục cũng đang bị… thị trường hóa. Coi như giáo dục cũng trở thành nghề cung cấp, cũng là nghề để kiếm tiền.

Nghề giáo được xã hội đặt cho một vị thế uy tín rất lớn. Vì để trở thành nhà giáo thì phải hun đúc, bồi dưỡng được “tam lương”. Đó là: lương tri (những cái đúng, giá trị cốt lõi phải được thể hiện, và trao truyền cho thế hệ sau); lương tâm (nhà giáo luôn luôn phải là tấm gương trau dồi về lương tâm, biết được đâu là giá trị cảm xúc, đạo đức, sự thông cảm, lan tỏa những giá trị phổ quát và nhân lên cái đẹp; lương tháng (cái nuôi sống). Rõ ràng nếu chúng ta không giúp cho nhà giáo rèn luyện “tam lương” đều nhau thì rõ ràng một số giáo viên cảm thấy năng lực, học tập, công sức mà bỏ ra so với đồng lương đang nhận không tương xứng. Nhiều nhà giáo cảm thấy mình quá tải vì quá nhiều công việc, áp lực liên quan đến sổ sách ngoài chuyên môn. Rồi yêu cầu về đổi mới giáo dục dẫn đến họ phải cập nhật mọi thứ quá nhiều, không cân bằng được thời gian cho công việc và gia đình. Lương hạn hẹp, còn sự yêu cầu của mọi người và xã hội ngày càng cao. Cho nên khiến một số giáo viên chưa bồi dưỡng được “2 lương” là: lương tâm; và lương tri. “2 lương” đó không vững nên bị lung lay, dẫn đến vật chất hóa tất cả các mối quan hệ.

Những chính sách của ta có thể chưa đủ mạnh, nên lương tháng “ngáng” lương tâm, lương tháng “ngáng” lương tri, dẫn đến nhiều vụ việc “lệch chuẩn” đạo đức. Tôi nói luôn rằng, ngay cả việc lạm thu hay dạy thêm bản chất cũng là do lương tháng chưa đủ sống và “ngáng” vào lương tâm, lương tri. Ngay cả việc nữ sinh đặt bánh sinh nhật không theo ý cô thì đằng sau của việc “đặt bánh” cũng là như thế.

Có ý kiến cho rằng, đằng sau sự “lệch chuẩn” đó cũng có yếu tố góp phần từ chính các phụ huynh?

- Đó là “văn hóa phong bì” của các ngày Lễ đầu năm, hay dịp 20/11. Bản chất hạnh phúc của người thầy giáo, cô giáo lớn nhất từ trước đến nay đâu phải là những đồng tiền như thế. Hạnh phúc lớn nhất của người giáo viên là thấy người học trò có thể bị lầm lạc nhưng nhờ có sự giáo dục của mình thì cuộc sống thay đổi, trở thành người tốt, có bước ngoặt để trở thành người thành đạt, có ảnh hưởng trong xã hội và truyền cảm hứng cho các người khác. Đó mới chính là hạnh phúc của người thầy giáo.

Cho nên bây giờ đúng là có những việc phụ huynh “làm hư” giáo viên. Cứ tự vật chất hóa các mối quan hệ. Có khi các thầy cô không yêu cầu nhưng phụ huynh cứ tự đưa phong bì dù con mới học lớp 1. Tất cả sự méo mó đó làm cho mối quan hệ, sự tôn trọng giữa phụ huynh với nhà trường, với giáo viên ngày càng cách xa nhau ra. Đứa trẻ nhìn thấy bố mẹ “xử lý” các mối quan hệ như thế và sự gắn kết về mặt cảm xúc giữa học trò với thầy cô cũng bị cách xa, bị ảnh hưởng bởi khoảng cách các yếu tố “ngoài giáo dục” là các yếu tố liên quan đến vật chất.

Đạo đức và yêu trẻ là yếu tố rất quan trọng của người giáo viên.

Nền kinh tế thị trường đang tác động tới toàn xã hội, trong khi đó phải chăng giáo dục lại chưa có giải pháp để thích ứng, thưa ông?

- Chúng ta đang sống trong thế giới quá nhiều áp lực. Cho nên ngay bản thân giáo viên cũng đang bị căng thẳng. Lẽ ra, giáo viên cũng phải có kỹ năng chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho chính mình. Chứ giáo viên cũng bị tổn thương sức khoẻ tâm thần thì làm sao giáo viên có thể thấu cảm, hay đồng cảm với học sinh? Một khi không thấu cảm, đồng cảm thì làm sao thiết lập được mối quan hệ giữa cô và trò một cách thân mật, và thấu hiểu. Khi không thấu hiểu thì đứa trẻ càng phản ứng, càng phản ứng thì cô càng căng thẳng. Và bố mẹ thấy cô cứ “căng thẳng” với con mình thì mình cũng chả biết làm cách nào cả, cuối cùng dùng vật chất như một cách để đền bù. Điều đó trở thành một vòng luẩn quẩn, càng ngày khoảng cách cảm xúc giữa phụ huynh với giáo viên, giữa giáo viên với học sinh, và giữa cha mẹ với con cái cũng cách xa nhau. Cách xa nhau dẫn đến không hiểu nhau, không hiểu nhau dẫn đến bạo lực học đường. Chỉ từ xích mích nhỏ, không hiểu nhau trở thành ghét nhau thái độ và thổi bùng lên thành các vấn đề, hành vi nghiêm trọng.

Vậy theo ông cần giải pháp nào để xử lý thực trạng trên?

- Giải pháp thực sự là phải tăng cường công tác chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho giáo viên, phòng chống việc kiệt sức cho giáo viên. Tìm các loại chính sách để nâng cao lương tháng cho giáo viên, đừng để cho 1 trong 3 lương bị tụt xuống, phải hun bồi cùng lúc cả 3 lương: lương tâm, lương tri, lương tháng của họ cho đầy đủ.

Bây giờ cũng cần xác lập lại vai trò vị thế của nhà giáo để họ có vị trí ở trong xã hội, và những người đã theo nghề giáo viên thậm chí phải có chứng chỉ nghề giáo viên. Qua đó để thực sự chọn những con người có đạo đức là yếu tố rất quan trọng. Đạo đức và yêu trẻ là yếu tố rất quan trọng để dẫu rằng có các yếu tố liên quan đến vật chất như một cách thức để cảm ơn thầy, cô thì yếu tố vật chất đó cũng rất là nhỏ so với giá trị tinh thần mà xã hội gửi gắm cho nhà giáo. Lúc đó nhà giáo mới chuyên tâm trao lại những giá trị tinh thần cho những đứa trẻ.

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì chỉ một phản ứng rất nhỏ cũng có thể bị quay clip và đưa lên mạng xã hội. Dẫu nhỏ song lại gây phản cảm, nhất là một ngành nhạy cảm như giáo dục. Cho nên cách ứng xử và cách giải quyết cũng rất quan trọng trong nhìn nhận sự việc, thưa ông?

- Bây giờ giáo viên cần phải thực sự hiểu tâm lý của học sinh. Giáo viên “có vấn đề” thường là những giáo viên gây ra những lùm xùm trong thời gian qua. Hay nói cách khác là khoảng cách giữa giáo viên với học trò là chưa hiểu nhau. Ví dụ bây giờ với thế hệ gen Z thì điện thoại và Smartphone là một phần cuộc sống của các em. Chúng ta không thể nào áp dụng biện pháp tịch thu khi các em sử dụng như trước kia. Nhất là các em thích thể hiện bản thân mình, muốn tham gia vào các hoạt động tạo ra ảnh hưởng tích cực cho xã hội. Nhưng nếu các thầy cô chưa hiểu mà ngăn cấm sẽ dẫn đến những mâu thuẫn khi hai con người toàn nóng tính, không chịu dừng lại một chút để nhìn lại.

Bên cạnh đó, khi sự việc xảy ra có 4 góc nhìn: thứ nhất là góc nhìn của giáo viên; thứ hai là góc nhìn của học sinh; thứ ba là góc nhìn của cả cộng đồng mạng, cộng đồng xã hội phán xét sự việc đó trên khía cạnh đạo đức; thứ tư là góc nhìn của sự thật.

Nếu 4 góc nhìn đó là 1 thì cả thế giới hòa bình, chả có gì mâu thuẫn với nhau. Nhưng trên thực tế góc nhìn của giáo viên và góc nhìn của học sinh hoàn toàn khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau. Bên cạnh đó, còn chịu ảnh hưởng phức tạp của góc nhìn xã hội, các “anh hùng bàn phím” trên mạng đôi khi làm rắc rối, phức tạp thêm tình hình trong khi góc nhìn của sự thật thì chỉ là một mà thôi. Trong khi thường khi sự việc xảy ra chán chê rồi, lan truyền thông tin, đưa tình tiết này, tình tiết kia các kiểu thì sự thật cũng chưa được công bố.

Cho nên mọi người cần bình tĩnh lại một chút, góc nhìn của mình hay của những người khác nghe có vẻ mâu thuẫn nhau nhưng chưa chắc đã là góc nhìn của sự thật. Bây giờ kỹ năng kiềm chế, kiểm soát cảm xúc, hành vi xung động của mình chính là kỹ năng cần thiết cho cả xã hội này. Chúng ta đang thiên về tốc độ, cho nên phản ứng quá nhanh trong khi chúng ta không tư duy kịp và phản biện thấu đáo. Không kịp vì ai cũng có xu hướng phản ứng nhanh và luôn ưu tiên tốc độ nên có rất nhiều chuyện ai cũng muốn phán xét người khác, gây ra tâm điểm của sự chú ý. Mà nhiều khi tâm điểm sốc đó là cái trong đầu mình nghĩ ra một cách vô thức chứ không hẳn đã là sự thật.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chấn chỉnh ‘lệch chuẩn’ đạo đức người thầy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO