Chặn đứng mục đích tham nhũng

Nam Việt 25/08/2023 07:00

Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã ra kết luận điều tra, đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố 38 bị can trong vụ án Công ty Việt Á về nhiều tội danh. Và gần đây nhất, việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương báo cáo, đề nghị Bộ Chính trị xem xét, quyết định kỷ luật đối với ông Lê Đức Thọ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre - được dư luận hết sức quan tâm.

Với vụ Việt Á, các bị can bị cơ quan điều tra cáo buộc các tội: Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; tham ô tài sản; nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trong số này, 6 bị can bị đề nghị truy tố về tội "nhận hối lộ" là cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long; Nguyễn Huỳnh - cựu thư ký của Nguyễn Thanh Long; Phạm Duy Tuyến - cựu Giám đốc CDC Hải Dương; Trịnh Thanh Hùng - cựu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ); Nguyễn Minh Tuấn - cựu Vụ trưởng Trang thiết bị và Công trình Y tế (Bộ Y tế); Nguyễn Nam Liên - cựu Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế).

Cũng trong vụ này, Phan Quốc Việt - Tổng Giám đốc Công ty Việt Á và Vũ Đình Hiệp (Phó Giám đốc Công ty Việt Á) bị đề nghị truy tố về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và tội "đưa hối lộ".

Cựu Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Chu Ngọc Anh bị đề nghị truy tố tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí"

Các bị can khác gồm nhiều vụ trưởng, vụ phó cấp bộ; cán bộ UBND hoặc tỉnh ủy; lãnh đạo cấp sở, nhân viên y tế, cán bộ CDC của 24 tỉnh, thành phố.

Kết quả điều tra ban đầu xác định nhằm thu lợi bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào. Trong doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng, doanh nghiệp này chi gần 800 tỷ đồng tiền lót tay cho các đơn vị, cá nhân.

Trong quá trình mở rộng điều tra, cơ quan tố tụng thuộc Bộ Quốc phòng cũng đã khởi tố một số sĩ quan quân đội để giải quyết theo thẩm quyền.

Trước đó, ngày 28/7/2023, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên các mức án đối với 54 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu. Trong đó có 21 bị cáo là các cán bộ, cựu quan chức. Đáng chú ý, Hội đồng xét xử đã tuyên 4 án chung thân cho các bị cáo: Hoàng Văn Hưng - cựu điều tra viên; Phạm Trung Kiên - cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế; Vũ Anh Tuấn - cựu phó trưởng phòng tham mưu Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) và Nguyễn Thị Hương Lan - cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao).

Như vậy, tới thời điểm này, liên quan đến đại dịch Covid-19, đã có 2 đại án với tổng 92 bị can, bị cáo. Trong đó có nhiều cán bộ cấp cao, vi phạm diễn ra ở nhiều bộ ngành, địa phương, kể cả ở nước ngoài. Cả hai đại án cho thấy sự thoái hóa biến chất của một số cán bộ, kể cả bộ trưởng, Bí thư tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố. Qua đó cũng cho thấy việc tạo nhóm lợi ích để bắt tay nhau trục lợi cá nhân của số cán bộ có chức có quyền trong hệ thống chính quyền với doanh nghiệp tư nhân; không chỉ là việc hình thành đường dây hối lộ - nhận hối lộ, mà cả đường dây chạy án.

Gần đây nhất, vụ ông Lê Đức Thọ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương báo cáo, đề nghị Bộ Chính trị xem xét kỷ luật được xem là trường hợp điển hình trong việc không kê khai minh bạch tài sản, thu nhập; giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đầy đủ, không đúng quy định.

Việc bóc dỡ đường dây tội phạm trong các đại án là rất khó khăn. Đối tượng phạm tội lại có chức có quyền, có nhiều tiền, dùng tiền làm lá chắn che thân. Tuy nhiên, “lưới trời lồng lộng tuy thưa mà khó lọt”, kỷ luật của Đảng, pháp luật Nhà nước nghiêm minh, bất kể hình thức tội phạm nào rồi cũng sẽ bị vạch trần.

Ở đây, liên quan đến cả việc kê khai tài sản không trung thực, dù cho đã có quy định việc kê khai đối với cán bộ kèm theo đó là công tác kiểm tra, giám sát. Kê khai tài sản không trung thực là kê sai gian dối thấp hơn tài sản sở hữu, hoặc tài sản của mình nhưng đứng tên người khác, rồi giấu giếm số tài sản đó. Có nghĩa là tẩu tán bớt tài sản.

Đồng tiền bất minh mới phải giấu giếm, che đậy, tẩu tán, lừa gạt tổ chức.

Vì vậy, với cán bộ công chức nhận hối lộ, tạo thành nhóm lợi ích để vơ vét, trục lợi cần phải xử lý tăng nặng. Với cán bộ công chức che giấu tài sản, không giải trình được nguồn gốc tài sản thì đó chính là đầu mối, là dấu hiệu của hành vi vi phạm cần phải điều tra làm rõ; xử lý nghiêm. Và, cần phải kê biên, niêm phong tài sản, đóng băng tài khoản của tất cả các đối tượng vi phạm để phục vụ công tác điều tra, thi hành án. Điều đó cũng có nghĩa là chặn đứng mục đích của tội phạm kinh tế, tham nhũng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chặn đứng mục đích tham nhũng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO