Việc Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ động cho các phóng viên xem clip “cát tặc” khai thác cát ngay cạnh tàu cảnh sát đường thủy cuối tuần trước đã thu hút sự chú ý của dư luận. Sự việc này đưa ra nhiều thông điệp và trong đó có thể thấy dẹp nạn cát tặc không dễ nếu chính quyền không cương quyết, thậm chí là có sự bảo kê, móc ngoặc, tiếp tay cho cát tặc.
Nạn khai thác cát bừa bãi gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Giá như tàu xuất hiện cạnh tàu của cát tặc trong đoạn clip là tàu của người dân bình thường thì dư luận không sục sôi đến thế! Trần tình vì sao tàu cảnh sát lại có mặt trong clip, Đại tá Đỗ Thanh Bình- Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an thừa nhận, tàu xuất hiện trong clip là thủy đoàn 1 của đơn vị, tàu này thực hiện nhiệm vụ hậu cần kỹ thuật.
“Tàu này đi làm nhiệm vụ hậu cần kỹ thuật, không phải là tàu tuần tra kiểm soát, tức là nơi nghỉ ngơi của lực lượng CSGT sau khi hết ca. Nếu phát hiện tàu thủy đoàn 1 vi phạm, Cục CSGT sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định”- ông Bình khẳng định.
Nhiều người không đồng tình với cách trả lời của đại diện Cục CSGT - ông Lê Ái Thụ - Chủ tịch Hội Địa chất kinh tế Việt Nam cho rằng, theo quy định của pháp luật đã nói rất rõ trách nhiệm của cơ quan công quyền từ cấp xã, huyện cho tới Trung ương đều có trách nhiệm tuyên truyền, lên án mọi hành vi khai thác, phá hủy môi trường. Bên cạnh đó những cán bộ trong cơ quan công quyền các cấp đều phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường, có thể đề nghị xử lý, ngăn cản, tố cáo hành vi phá hoại môi trường...
Luật Giao thông đường thủy nội địa cũng đã quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị, không thể nói vấn đề khai thác cát trái phép không thuộc quản lý của tôi. Tàu CSGT không có nhiệm vụ kiểm tra giám sát nên khi phát hiện vi phạm cứ làm ngơ như không nhìn thấy là điều không thể chấp nhận được. Bởi nếu là công dân bình thường mà ngơ cho phạm pháp đã là sai, đáng bị lên án, thì người mặc lên mình trang phục của ngành công an không thể nói “tôi không có trách nhiệm”.
Trong khi đó, một sự giải thích nữa của đại diện cơ quan công quyền ở địa phương nơi thường xuyên xảy ra nạn khai thác cát trái phép cũng không nhận được sự đồng tình của dư luận. Ông Nguyễn Văn Hùng- Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc (nơi giáp ranh với huyện Phúc Thọ, Hà Nội) cho rằng, “tình trạng khai thác cát trên sông Hồng tại khu vực mình rất khó xử lý. Lợi dụng là địa điểm giáp ranh nên khi cơ quan chức năng huyện Yên Lạc tiến hành truy bắt, các đối tượng khai thác cát trái phép lại chạy sang bên địa phận huyện Phúc Thọ. Địa bàn do đơn vị khác quản lý thì chúng tôi lại không làm gì được”.
Đương nhiên truy quét cát tặc là nhiệm vụ không hề dễ dàng đặc biệt là với những địa bàn giáp ranh khi mà ta quét chỗ này cát tặc lại chạy sang chỗ khác. Nhưng nói không thể xử lý được là điều khó chấp nhận bởi, dẫu có là địa bàn không chịu sự quản lý trực tiếp của mình cũng vẫn là lãnh thổ Việt Nam. Nếu điều tra, truy quét tội phạm ma túy hay tội hình sự mà cứ nói khơi khơi rằng, việc ai nấy làm thì làm sao bắt được tội phạm. Rõ ràng đây là biểu hiện của sự thiếu trách nhiệm, thậm chí người ta có quyền suy nghĩ rằng, cán bộ địa phương có biểu hiện bao che, tiếp tay cho cát tặc lộng hành!
Ai cũng biết, đấu tranh với cát tặc là rất khó. Khi người đứng đầu Thủ đô Hà Nội tuyên chiến với cát tặc bằng việc trưng clip tới các cơ quan báo chí để sẵn sàng các cuộc truy quét, nhưng cát tặc vẫn ngang nhiên khai thác cát những ngày tiếp sau đó đủ biết những đối tượng này đã không còn biết sợ. Sự ngang nhiên hút cát bất kể ngày đêm và sự bất lực của người dân khi họ chỉ biết bảo vệ nơi sinh sống bằng hành động ném đá đuổi cát tặc cho thấy sự bất lực của chính quyền sở tại, của cơ quan chức năng.
Thống kê từ cơ quan chức năng cho biết: Từ năm 2013-2016, cả nước phát hiện tới 2.700 vụ cát tặc. Thế nhưng xử lý hình sự được mỗi... một vụ. Điều đó cho thấy sự phức tạp của vấn đề, quá nhiều bất cập trong quản lý, kiểm soát việc khai thác và kinh doanh cát. Biện pháp chế tài nhẹ; trong khi đó, lợi nhuận mang lại từ cát vào thời điểm này thì quá khủng. Hỏi sao cát tặc không lộng hành.
Thực tế thì nạn cát tặc ở sông nào cũng có, địa phương nào cũng nóng. Vì sao như thế? Có lẽ phải nhìn nhận thực chất những người quản lý trên sông, những người quản lý ở địa phương có dấm dúi bảo kê, có dấm dúi hưởng lợi ích mà lờ đi cho cát tặc hoạt động hay không. Xử lý cát tặc không khó nếu các cơ quan, lực lượng làm công minh, làm hết trách nhiệm. Cứ xử lý người đứng đầu, cứ trách nhiệm người đứng đầu mà “trói chặt”, tự khắc người đứng đầu cũng “trói chặt” trách nhiệm những người khác. Liệu khi đó có còn ai dám bao che, dung túng cho sai phạm?
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng chỉ rõ, nguyên nhân chủ quan khiến cát tặc lộng hành là do địa phương buông lỏng quản lý, nương tay, thậm chí bao che, nếu không muốn nói là bảo kê. Rõ ràng, đằng sau hoạt động của lực lượng này có bóng dáng của tội phạm có tổ chức, “xã hội đen”, có xu hướng tiêu cực từ cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.
Do đó, “Bộ Công an phải mở những đợt đấu tranh cao điểm chống cát tặc. Xem xét khởi tố một số vụ án trọng điểm để góp phần răn đe. Kiến nghị Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn xử lý trước mắt, có án lệ, chứ để bó tay là không được”- Phó Thủ tướng kiên quyết.
Phó Thủ tướng cũng khẳng định, nơi nào để tình trạng khai thác cát sỏi trái phép kéo dài thì phải xử lý người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương. Với các xã giáp ranh, chủ tịch huyện phải chịu trách nhiệm, giáp ranh huyện thì chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm, giáp ranh các tỉnh thì trung ương phải vào cuộc. Phát hiện cán bộ bao che, bảo kê vi phạm thì xử lý nghiêm minh. Có như vậy mới chặn đứng được hành vi khai thác cát trái phép như hiện nay.