Từ đầu năm đến nay, tại Hà Nội, TPHCM và một số địa phương có chiều hướng gia tăng số vụ liên quan đến bạo lực học đường, hậu quả để lại sau đó là nỗi ám ảnh bạo lực ở lứa tuổi học sinh, gây ra các hệ lụy về tâm lý xã hội.
Triển khai nội dung tăng cường công tác đảm bảo an toàn trường học tại các cơ sở giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TPHCM đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo an ninh trật tự trường học và phòng, chống bạo lực học đường. Nguyên do trong những tháng cuối năm nay, TPHCM ghi nhận các vụ bạo lực học đường gây bức xúc dư luận.
Điển hình, thời điểm cuối tháng 10 vừa qua, clip vụ việc học sinh Trường THCS Đống Đa đánh nhau đã lan truyền “chóng mặt” trên mạng xã hội. Theo nội dung clip ghi lại cảnh một nam học sinh bị bạn đánh tới tấp vào mặt và đầu ngay tại lớp học. Vụ việc có sự chứng kiến của nhiều học sinh khác. Nam sinh đánh bạn còn chửi thề và tỏ thái độ hung hãn. Điều đáng nói, sự việc này gây ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý học sinh, gây bức xúc cho phụ huynh và uy tín của nhà trường. Ngay sau đó, Phòng GDĐT quận Bình Thạnh đã yêu cầu Trường THCS Đống Đa thành lập Hội đồng kỷ luật xử lý vụ việc nhằm răn đe và giáo dục học sinh.
Khi vụ bạo lực học đường ở trường này chưa kịp nguôi ngoai dư luận, chiều 23/11 sức ép của phụ huynh và dư luận đã buộc Trường THPT Sài Gòn (phường 12, quận Bình Thạnh) cử đại diện cung cấp thông tin vụ việc một nữ sinh lớp 12 bị phụ huynh của bạn đánh gây thương tích.
Trước đó, một nữ sinh trường này đã có đơn kêu cứu, phản ánh việc bị một nhóm phụ huynh đánh hội đồng ngay tại nơi ở do xích mích với con của họ. Vụ ẩu đả khiến nạn nhân bị thương ở mặt và ngực, được đưa vào bệnh viện để bác sĩ kiểm tra, chăm sóc.
Liên quan đến vụ việc, để đề phòng sự việc có thể diễn biến phức tạp, trường THPT Sài Gòn sau đó đã phối hợp cùng Công an quận Bình Thạnh (TPHCM) bàn giải pháp. Nhà trường cũng đã đề xuất sự hỗ trợ của công an để có cơ sở giải quyết vì vụ việc diễn ra tại nơi cư trú của học sinh trên địa bàn TP Thủ Đức, ngoài phạm vi của trường.
Trước các vụ bạo lực học đường xảy ra liên tiếp, tại cuộc họp triển khai nội dung tăng cường công tác đảm bảo an toàn trường học tại các cơ sở giáo dục vào tháng 11/2023, ông Dương Trí Dũng - Phó Giám đốc Sở GDĐT TPHCM đã chỉ đạo các trường, cơ sở giáo dục khi triển khai kế hoạch, phòng, chống bạo lực học đường cần phân công rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân tại đơn vị để thực hiện có hiệu quả.
Bên cạnh đó, lựa chọn, bồi dưỡng giáo viên có kinh nghiệm, năng lực và trách nhiệm làm công tác chủ nhiệm để thường xuyên theo sát tình hình, quản lý, giáo dục học sinh. Nhất là, cần có kế hoạch quan tâm học sinh cá biệt, học sinh yếu thế để có biện pháp giáo dục, giúp đỡ, bảo vệ phù hợp; chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và kịp thời xử lý theo thẩm quyền.
Cùng với việc chủ động đổi mới phương pháp giáo dục đào tạo, cần có sự phối hợp giữa ba bên (Gia đình, nhà trường, ngành giáo dục) trong việc thiết lập kênh liên kết thông tin để kịp thời xử lý các thông tin về bạo lực học đường. Nâng cao năng lực, trách nhiệm giữa các bên nhằm thường xuyên nắm bắt tâm lý học sinh, kịp thời phát hiện và xử lý những mâu thuẫn, xung đột trong nhà trường để phòng, chống bạo lực học đường, nhất là phát hiện sớm, ngăn ngừa và can thiệp đối với hành vi bạo lực học đường.